Tìm Kiếm

Soạn bài: Văn bản văn học – văn lớp 10

Soạn bài: Văn bản văn học – văn lớp 10

Bài làm

Câu 1: Hãy nêu những tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học

Gợi ý trả lời:

Những tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học là:

–  Tiêu chí 1: Văn bản văn học còn gọi là văn bản nghệ thuật, văn bản văn chương. Văn bản văn học đi sâu vào phản ánh hiện thực khách quan, khám phá thế giới tình cảm, tư tưởng, thoả mãn nhu cầu hướng thiện và thẩm mĩ của con người. Ví dụ như khi ta đọc bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, chúng ta phải suy nghĩ để tìm kiếm lời giải đáp cho các câu hỏi: Tình yêu là gì ? Hạnh phúc là gì ? Làm thế nào để giữ niềm tin ?

–  Tiêu chí 2: Ngôn từ của văn bản văn học  là ngôn từ nghệ thuật có hình tượng mang tính thẩm mĩ cao, trau chuốt biểu cảm, gợi cảm, hàm súc, đa nghĩa.

–  Tiêu chí 3: Mỗi văn bản đều có một thể loại nhất định và theo quy ước cách thức thể loại đó (Kịch có hồi, cảnh, có lời đối thoại độc thoại; Thơ có vần, điệu, luật, khổ thơ…).

Câu 2: Vì sao nói: hiểu tầng ngôn từ mới là bước thứ nhất cần thiết để đi vào chiều sâu của văn bản văn học ?

Gợi ý trả lời:

Hiểu tầng ngôn từ mới là bước thứ nhất cần thiết để đi vào chiều sâu của văn bản văn học vì cấu trúc của một văn bản văn học gồm 3 tầng:

–  Thứ nhất là: Tầng ngôn từ (ngữ âm, ngữ nghĩa)

+  Đối tượng đầu tiên khi tiếp xúc với một văn bản văn học đó là ngôn từ. Để hiểu tác phẩm, trước hết chúng ta phải hiểu ngôn từ.

+  Hiểu ngôn từ là bước đầu tiên để hiểu đúng tác phẩm.

+  Hiểu ngôn từ là hiểu các nghĩa (tường minh, hàm ẩn) của các từ ngữ, là hiểu các âm thanh được gợi khi phát âm.

 

–  Thứ hai là: Tầng hình tượng

+  Hình tượng văn học là một dạng đặc thù của hình tượng nghệ thuật, được thể hiện bằng ngôn từ nên còn được gọi là hình tượng ngôn từ.

+  Hình tượng không chỉ phản ánh mà còn khái quát hiện thực, khám phá cái cốt lõi, cái bất biến, cái vĩnh cửu trong cái đơn lẻ, nhất thời, ngẫu nhiên.

+  Hình tượng vãn học có thể là hình ảnh thiên nhiên, tự nhiên, sự vật, con người: hoa sen, cây tùng, những chiếc ô tô (Bài thơ về tiểu đội xe không kính), anh thanh niên (Lặng lẽ Sa Pa)…

+  Hình tượng văn học do tác giả sáng tạo ra, không hoàn toàn giống như sự thật của cuộc đời, nhằm gửi gắm ý tình sâu kín của mình với người đọc, với cuộc đời.

–  Thứ 3 là: Tầng hàm nghĩa

+  Hàm nghĩa của văn bản văn học là ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng của văn bản. Đọc tác phẩm văn học, xuất phát từ tầng ngôn từ, tầng hình tượng, dần dần người đọc nhận ra tầng hàm nghĩa của văn bản.

+  Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, việc nắm bắt tầng hàm nghĩa là rất khó. Nó phụ thuộc vào vốn sống, nhận thức, quan niệm, tư tưởng tình cảm… của người tiếp nhận.

– Ta có thể thấy văn học là tác phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ. Đọc văn bản văn học, ta cần hiểu rõ ngữ nghĩa của từ, từ nghĩa tường minh đến nghĩa hàm ẩn, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Cùng với ngữ nghĩa, ta còn cần phải chú ý tới ngữ âm. Tuy nhiên, tầng ngôn từ mới là bước thứ nhất cần phải vượt qua để đi vào chiều sâu của văn bản. Vượt qua tầng ngôn từ, chúng ta cần đi sâu vào tầng hình tượng và tầng hàm nghĩa thì mới có thể hiểu được văn bản văn học. Trên thực tế, ba tầng của văn bản văn học không tách rời mà liên hộ mật thiết với nhau. Không hiểu tầng ngôn từ sẽ không hiểu tầng hình tượng và vì vậy cũng sẽ không hiểu tầng hàm nghĩa của văn bản. Trong một văn bản văn học, tầng ngôn từ hình tượng hiện lên tương đối rõ, tầng hàm nghĩa khó nắm bắt hơn. Đọc văn bản văn học phải hiểu được tầng hàm nghĩa nhưng hiểu được tầng ngôn từ là bước thứ nhất cần thiết để đi vào chiều sâu của văn bản văn học. Tầng hàm nghĩa chỉ có thể hiểu được khi người đọc biết suy luận, phân tích, khái quát.

 

Câu 3: Hàm nghĩa của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ cụ thể.

Gợi ý trả lời:

Hàm nghĩa của văn bản văn học là:

–  Hàm nghĩa của văn bản văn học là khả năng gợi ra nhiều lớp ý nghĩa tiềm tàng, ẩn kín của vãn bản văn học mà qua quá trình tiếp cận, người đọc dần dần nhận ra.

–  Muốn nhận ra hàm nghĩa của văn bản văn học, người đọc cần đi qua các lớp: đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo…

–  Hàm nghĩa của văn bản văn học không phải lúc nào cũng dễ hiểu và không phải lúc nào cũng có thể hiểu đúng và hiểu đủ.

Ví dụ cụ thể là:

–  Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương mới đọc qua tưởng chỉ là chuyện chiếc bánh trôi, từ đặc điểm đến các công đoạn làm bánh. Nhưng hàm chứa trong đề tài bánh trôi là cảm hứng về cuộc đời và thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Người phụ nữ than thân trách phận nhưng không dừng lại ở đó, còn khẳng định vẻ đẹp của mình và lên tiếng phê phán xã hội bất công, vô nhân đạo.

–  Truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu bao hàm nhiều ý nghĩa triết lí về con người và cuộc đời thông qua rất nhiều những nghịch lí: Trong đời mỗi con người, có nhiều chuyện mà ta không lường trước được, không tính hết được bởi có những việc xảy ra ngoài ý muốn (Nhĩ đã không thể sang được bãi bồi bên kia sông, ngay trước nhà mình). Đôi khi, người ta cứ mải mê đi tìm những giá trị ảo tường trong khi có những giá trị quen thuộc, gần gũi mà bền vững thì lại bỏ qua để khi nhận ra thì quá muộn (khi nằm liệt giường, Nhĩ mới nhận ra vẻ đẹp của “Bến quê”, vẻ đẹp của người vợ tảo tần sống gần trọn đời với mình). Hãy biết trân trọng cuộc sống, trân trọng những gì thuộc về “Bến quê”, đó là bức thông điệp mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi đến mọi người thông qua những triết lí giản dị mà sâu sắc của tác phẩm.