Tìm Kiếm

Suy nghĩ của anh chị về lời dạy của Phật: “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”

Đề : Suy nghĩ của anh chị về lời dạy của Phật: “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung” .

HƯỚNG DẪN


I. MỞ BÀI

Trong cuộc sống của chúng ta, mở rộng lòng khoan dung, tha thứ độ lượng là một trong những đức tính, phẩm chất vô cùng cao quý, tốt đẹp của con người. Vì vậy, Phật - người được xem là hiện thân của lòng bác ái đã xem đó là một thứ tài sản vô giá. Người đã dạy chúng sinh rằng: “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”.

II. THÂN BÀI

1. Trước hết ta cần hiểu lời dạy này có ý nghĩa như thế nào? “Tài sản” là sự sở hữu của cá nhân hay tập thể về một giá trị vật chất hay tinh thần có ý nghĩa rất lớn. “Khoan dung” là lòng rộng lượng, bao dung, thương yêu con người, sẵn sàng tha thứ, không khắt khe, không trừng phạt, hoặc sẵn sàng xoá bỏ những lỗi làm mà người khác (thường là người dưới) đã phạm phải. Như vậy cả câu này có ý nghĩa là: lòng khoan dung là phẩm chất cao quý của con người là thứ tài sản có giá trị cao nhất của con người.
2. Bàn luận:
a. Từ cách giải thích đã nêu ở trên, ta thấy lòng khoan dung của con người trong cuộc đời mang lại nhiều ý nghĩa cao đẹp.
- Trong con người ta, có phần tốt và phần xấu, phần thiện và phần ác, phần người và phần con. Chính lòng bao dung đã góp phần tẩy rửa phần con, tô đậm thêm phần người, phẩm giá làm người.
- Mặt khác, lòng khoan dung sẽ là một yếu tố quan trọng đem lại sự bình yên, hoà thuận, thân thiện cho xã hội và gia đình.
- Khi ta thể hiện lòng khoan dung với ai đó thì tâm hồn ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vì đã làm được một điều có ý nghĩa của phẩm chất nhân ái, vì như thế là không phạm vào sự nhỏ nhen, hẹp hòi, trái với phẩm chất quý giá của con người.
- Mặt khác, khoan dung, tha thứ lỗi lầm cho người khác thì có thể cảm hoá được họ. Khi được nhận lòng khoan dung của ta, thì bản thân người đó sẽ ăn năn hối lỗi, tự tu chỉnh bản thân mình, sửa chữa lỗi lầm và có thể biết ơn ta nữa, để từ đó không tiếp tục phạm lỗi mà họ đã từng mắc phải. (Nhờ chính sách khoan hồng của nhà nước, nhiều tướng cướp đã hoàn lương trở thành con người có ích cho xã hội; Nguyễn Trãi và Lê lợi sau khi đại thắng quân Minh, đã cấp thuyền, ngựa, lương thực cho bại quân trở về chính quốc)
b. Tuy nhiên bên cạnh sự ngợi ca về lòng khoan dung ta cũng cần phê phán lối sống ích kỷ, cố chấp, thù dai.
- Tác hại của lối sống ấy: làm cho con người sống với nhau chỉ có ích kỷ, hận thù.
3. Từ việc phân tích ở trên ta cần rút ra cho mình bài học nhận thức và hành động:
- Về nhận thức ta thấy: lòng khoan dung làm cho tâm hồn ta trở nên thánh thiện, cao thượng và giàu có hơn. Đúng như một triết gia nào đó đã nói: sự nghèo nàn về của cải vật chất không đáng sợ bằng sự nghèo nàn về tâm hồn. Vì thế, ta phải lấy sự khoan dung, sự nhường nhịn làm phương châm xử thế: “Một sự nhịn, chín sự lành”
- Về hành động ta cần: rèn luyện nhân cách, phẩm giá, sống biết yêu thương, sẻ chia, đồng cảm; biết kiềm chế những cảm xúc nóng giận và học cách yêu thương, vị tha, khoan dung.

III. KẾT BÀI

Thấm thía lời dạy của Phật, bản thân mỗi chúng ta, phải không ngừng tự rèn luyện, phấn đấu bồi đắp cho mình có lòng khoan dung rộng lớn. Lòng khoan dung là tài sản vô giá của con người và cũng là phương châm đối nhân xử thế tốt nhất để nhằm hoàn thiện nhân cách bản thân và đưa lại sự bình an cho cuộc sống.