Tìm Kiếm

Bí quyết viết phần kết bài cho bài văn nghị luận văn học

Những gợi ý từ thầy Phan Danh Hiếu, tác giả của nhiều cuốn sách tham khảo ngữ văn, có thể sẽ giúp bạn viết phần kết bài tốt hơn.

Có một thực tế là khi viết một bài văn, chúng ta thường không mấy để ý đến việc kết bài (đôi khi là không kịp kết bài hoặc không biết kết như thế nào). Hoặc nếu có kết bài cũng rất hời hợt. Điều đó rất ảnh hưởng đến kết quả của bài văn. Những kinh nghiệm sau đây sẽ giúp các em khắc phục được điều đó.

1. Viết kết bài phải đúng vào nội dung trọng tâm của đề thi. Viết ngắn gọn, không dài dòng lan man.

2. Đối với học sinh trung bình thì nên kết bài theo cách đơn giản, ngắn gọn. Kết bài hướng đến những vấn đề đã phân tích cảm nhận. Ví dụ: Phân tích bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng. Ta phải hình dung bài thơ này có bao nhiêu luận điểm. Sau đó gom những luận điểm ấy lại. Thầy có thể tóm lược các luận điểm bài thơ Tây Tiến như sau:

- Nỗi nhớ về con đường hành quân gian khổ

- Nhớ đêm liên hoan văn nghệ đậm tình quân dân.

- Nhớ cảnh vượt thác

- Nhớ đoàn binh Tây Tiến lãng mạn hào hoa.

Từ việc gom lại các luận điểm và kết hợp với kiến thức về phong cách tác giả, các em có thể kết bài như sau:

Tóm lại, bằng tài năng nghệ thuật của một hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa, Quang Dũng đã mang đến cho bạn đọc vẻ đẹp của bài thơ Tây Tiến. Đó là nỗi nhớ về con đường hành quân gian khổ nhưng hùng vĩ, thơ mộng, nhớ cảnh sinh hoạt quân dân ấm áp tình người. Và nhất là hình tượng người chiến binh Tây Tiến lãng mạn hào hoa hào hùng. Bài thơ khép lại rồi mà dường như tinh thần Tây Tiến vẫn ngân nga mãi trong lòng ta.




3. Với các em khá, các em có thể kết bài bằng lý luận văn học. Suy luận, triết lý để đưa ra kết bài hay. Vấn đề này thuộc về “bản năng” của người viết. Gợi ý là có thể kết bằng câu nhận định phê bình nào đó hoặc kết lại bằng cách kết hợp một đoạn thơ có nội dung liên quan.

Ví dụ: Phân tích bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng

Ta kết bài như sau:

“Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Quả đúng như vậy, Tây Tiến đã mang đến cho người đọc “con người và thời đại” của một thời chống Pháp oanh liệt hào hùng . Qua đó ta thấy được tinh thần Tây Tiến bất tử, một thời đại bất tử. Cảm ơn nhà thơ Quang Dũng – người đã tạc tháng năm lịch sử vào hồn người. Xin được mượn mấy lời thơ của Giang Nam thay cho lời kết:

“Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy, con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông”

Thầy Phan Danh Hiếu