Tìm Kiếm

Cảm nhận về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh

Bài làm

Phan Châu Trinh là một nhà thơ, nhà chính trị cách mạng lỗi lạc của dân tộc ta. Tác phẩm “Đập đá ở Côn Lôn” tái hiện hình ảnh những người tù cách mạng bị tù khổ sai, phải làm những công việc vô cùng nặng nhọc như đập đá, vác đá, ở vùng đảo Côn Lôn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy tinh thần cách mạng, ý chí của người chiến sĩ không bao giờ lung lay, lùi bước. Họ vẫn lạc quan yêu đời dù trong khó khăn thử thách.

Hình ảnh những người chiến sĩ cách mạng anh hùng dù bị gông cùm, xiềng xích nhưng vẫn ngẩng cao đầu, thể hiện khí thế hiên ngang niềm tin vào tương lai của dân tộc. Những người tù bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng họ vẫn cất lời hát ngợi ca quê hương đất nước

Khi nói đến hòn đảo Côn Lôn, chúng ta đều liên tưởng ngay tới nhà tù Côn Đảo nơi đã giam giữ, tra tấn rất nhiều chiến sĩ cách mạng lừng lẫy của nhân dân ta. Nơi mà máu của những người chiến sĩ này rơi xuống để mở ra cánh cửa hòa bình độc lập dân tộc.

Trong những câu thơ đầu tiên thể hiện ý chí làm trai sống phải ngẩng cao đầu, hiên ngang đầu đội trời, chân đạp đất:

 

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non

Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng hiện lên thật hiên ngang, trong tư thế vươn cao thẳng người, ưỡn ngực không khúm núm, không cong lưng uốn gối. Dù cuộc sống ở Côn Đảo vô cùng khổ sở, bị tra tấn một cách dã man nhưng các chiến sĩ của chúng ta không hề nao núng,

Hành động những người tù khổ sai phải “đập đá” được tác giả Phan Châu Trinh thể hiện vô cùng sinh động, chân thực, nhưng không kém phần anh hùng, khí thế. Câu thơ có nhịp nhanh thể hiện khí thế oai hùng hào sảng của người chiến sĩ:

“Xách búa đánh tan năm bảy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn”

Những hành động mạnh mẽ xuất hiện liên tục trong hai câu thơ thể hiện sự anh hùng, dứt khoát, mạnh bạo của người tù cách mạng trong công việc khổ sai là đập đá hàng ngày của mình. Tác giả đã khôn khéo tinh tế khi sử dụng hình ảnh ước lệ tương phản giữa số ít “năm bẩy đống” với số nhiều “Mấy trăm hòn” để nêu lên công việc nặng nhọc, khối lượng vô cùng nhiều của người tù cách mạng phải làm

“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi

Mưa nắng càng bền dạ sắt son

Giữa nơi hoang sơ, xung quanh chỉ toàn là roi vọt, phải làm việc và đối xử như trâu như ngựa nhưng những người chiến sĩ vẫn hiên ngang không hề e ngại, vẫn tỏ rõ được khí chất của mình. Trong hoàn cảnh khó khăn họ càng thể hiện rõ tinh thần quyết tâm theo cách mạng của mình.

 

“Dạ sắt son” thể hiện sự trung thành tuyệt đối của những chiến sĩ cách mạng với con đường mình đã chọn, với tương lai vận mệnh của dân tộc. Những người chiến sĩ tin tưởng vào tương lai chiến thắng của đất nước ta.

“Những kẻ vá trời khi lỡ bước

Gian nan chi kể việc con con”

Hành động đội đá vá trời của nàng nữ oa xưa đã khiến cho những người chiến sĩ hôm nay thấy mình cũng đang giống như bà Nữ Oa xưa, cũng đang đập đã để vá trời.

Hai từ ” lỡ bước” thể hiện sự sa cơ, khi chẳng may bị bắt bớ tù đầy nhưng cũng không làm lung lay ý chí kẻ anh hùng. Cho nên dù có khó khăn, nhưng cũng chẳng xá chi, với những người luôn có ý chí, vượt mọi khó khăn thử thách thì việc này chỉ là hành động cỏn con mà thôi. Một khí chất ngang tàng, một châm ngôn bất hủ khiến người đọc vô cùng nể phục, ngưỡng mộ ý chí sắt đá của những người chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo

Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” được tác giả viết bằng ngòi bút khoáng đạt, lời thơ vô cùng khí thế, hào hùng thể hiện hình ảnh người chiến sĩ cách mạng hiên ngang, ý chí kiên định, không hề bị khó khăn, đòn roi làm cho lung lay tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước. Trong lòng họ ngọn lửa căm thù, chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước, làm cho đất nước bình yên, sạch bóng quân thù lớn lao hơn tất cả. Nên mọi gian nguy, khó khăn chỉ là những hạt cát vô cùng bé nhỏ.