Phân tích những triết lí về cuộc đời và ý nghĩa thời đại trong vở kịch Hồn Trương Ba – da hàng thịt
Hướng dẫn
Hồn Trương Ba – da hàng thịt là vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ, thông qua cốt truyện dân gian, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã phát triển thêm tình tiết và thể hiện những triết lí sâu sắc về cuộc đời. Anh chị hãy phân tích những triết lí về cuộc đời và ý nghĩa thời đại trong vở kịch Hồn Trương Ba – da hàng thịt.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: “Hồn TRương Ba- Da hàng thịt” là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ, đồng thời cũng là thành tựu nổi bật của sân khấu kịch Việt Nam bởi không chỉ đặt ra tình huống kịch đặc sắc mà còn chứa đựng rất nhiều những triết lí sâu sắc về cuộc đời và thời đại.
2. Thân bài
– Thông qua mâu thuẫn mang tính đối kháng của phần hồn Trương Ba và xác người hàng thịt, tác giả Lưu Quang Vũ đã đặt ra những trăn trở, những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời.
– Cuộc sống của con người chỉ thực sự ý nghĩa nếu như được sống thật, sống đúng với những lí tưởng sống và giá trị sống của mình.
– Con người là tổng thể thống nhất giữa phần hồn và phần xác, không có một tâm hồn thanh cao nào có thể sống trong một thân xác phàm tục, và ngược lại.
–> Bất cứ ai cũng có hai phần hồn và xác, chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu như ta dung hòa được nó, và trong cuộc sống đầy phức tạp của mình, đừng để phần xác, phần bản năng chi phối, lấn át những điều tốt đẹp bên trong tâm hồn.
– Khi phạm phải những sai lầm, hãy dũng cảm nhìn nhận nó để sửa chữa, hoàn thiện hơn.
– Không chỉ đề cập đến những vấn đề triết lí nhân sinh về cuộc đời mà vở kịch còn mang tính thời đại sâu sắc:
+ Hoàn cảnh mới với những điều kiện mới con người bắt đầu nghĩ đến cuộc sống riêng tư và có ý thức tự hoàn thiện cả về vật chất và tinh thần.
+ Vở kịch đã đặt ra những vấn đề nhức nhối của thời đại, con người chỉ hạnh phúc khi được sống tự do, sống thuận theo tự nhiên, mọi hành động đi ngược lại với quy luận tự nhiên có thể tạo nên bi kịch của cuộc đời giống như nhân vật Trương Ba.
+ phê phán lối sống chạy theo ham muốn vật chất tầm thường khiến con người trở nên thô tục, tầm thường.
3. Kết bài
Vở kịch đã hướng con người đến những khát vọng sống thanh sạch, chỉ ra sự cần thiết của việc dung hòa giữa hai phần hồn – xác.
II. Bài tham khảo
“Hồn TRương Ba- Da hàng thịt” là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ, đồng thời cũng là thành tựu nổi bật của sân khấu kịch Việt Nam bởi không chỉ đặt ra tình huống kịch đặc sắc mà còn chứa đựng rất nhiều những triết lí sâu sắc về cuộc đời và thời đại.
Hồn Trương Ba – Da hàng thịt được xây dựng dựa trên một cốt truyện dân gian quen thuộc, tuy nhiên tác giả đã bắt đầu xây dựng mâu thuẫn từ kết thúc của câu chuyện dân gian ấy để làm nổi bật sự phản kháng của phần hồn Trương Ba đối với sự chi phối, lấn át của xác người hàng thịt. Thông qua mâu thuẫn mang tính đối kháng của phần hồn Trương Ba và xác người hàng thịt, tác giả Lưu Quang Vũ đã đặt ra những trăn trở, những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời.
Cuộc sống của con người chỉ thực sự ý nghĩa nếu như được sống thật, sống đúng với những lí tưởng sống và giá trị sống của mình. Mọi sự chắp vá, khiên cưỡng, sống gửi đều không mang lại hạnh phúc. Trong vở kịch, để được tiếp tục sống, Trương Ba buộc phải sống trong thân xác của người hàng thịt. Tuy nhiên cuộc sống của ông không hề hạnh phúc, trước sự chi phối của phần xác, Trương Ba dần thay đổi trở nên thô lỗ, phàm tục, Ông nhận biết được sự thay đổi của bản thân, cảm nhận được sự thất vọng, đau khổ của những người thân nên Trương ba đã bị giằng xé trong bi kịch và được sống nhưng vô cùng đau khổ, day dứt.
Con người là tổng thể thống nhất giữa phần hồn và phần xác, không có một tâm hồn thanh cao nào có thể sống trong một thân xác phàm tục, và ngược lại. Khi phạm phải một sai lầm nào đó, ta không thể đổ lỗi cho thân xác để an ủi phần tâm hồn bên trong. Những hành động, thái độ thực tế của con người được thôi thúc bởi cả phần mong muốn bên trong và phần bản năng bên ngoài. Bất cứ ai cũng có hai phần hồn và xác, chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu như ta dung hòa được nó, và trong cuộc sống đầy phức tạp của mình, đừng để phần xác, phần bản năng chi phối, lấn át những điều tốt đẹp bên trong tâm hồn.
Khi phạm phải những sai lầm, hãy dũng cảm nhìn nhận nó để sửa chữa, hoàn thiện hơn. Cuộc đối thoại giữa phần hồn và xác trong vở kịch Hồn TRương Ba, da hàng thịt chính là sự nhìn nhận nghiêm khắc về những thói hư tật xấu cũng như những thái độ tiêu cực, thiên hướng đổ lỗi, biện giải lí do cho những sai phạm của con người.
Không chỉ đề cập đến những vấn đề triết lí nhân sinh về cuộc đời mà vở kịch còn mang tính thời đại sâu sắc. Vở kịch được viết năm 1984, đây là giai đoạn đặc biệt khi chiến tranh đã lùi xa, con người đang bắt nhịp để hòa mình vào cuộc sống mới. Hoàn cảnh mới với những điều kiện mới con người bắt đầu nghĩ đến cuộc sống riêng tư và có ý thức tự hoàn thiện cả về vật chất và tinh thần. Vở kịch đã đặt ra những vấn đề nhức nhối của thời đại, con người chỉ hạnh phúc khi được sống tự do, sống thuận theo tự nhiên, mọi hành động đi ngược lại với quy luận tự nhiên có thể tạo nên bi kịch của cuộc đời giống như nhân vật Trương Ba.
Cuộc sống phức tạp, đầy rãy những bất công, mọi sai phạm, tắc trách của người này có thể gây ra những bất hạnh, đau khổ cho người khác. Thông qua vở kịch tác giả Lưu Quang Vũ đã phê phán lối sống chạy theo ham muốn vật chất tầm thường khiến con người trở nên thô tục, tầm thường.
Xung đột giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt mang tính giả định về những mâu thuẫn giữa phần hồn và phần xác bên trong con người. Những cái xấu, cái bi kịch có thể nảy sinh từ chính những nghịch cảnh, nếu con người không đủ bản lĩnh để kiểm soát mình rất có thể phần bản năng sẽ ngự trị và chi phối mọi hành động của con người. Vở kịch đã hướng con người đến những khát vọng sống thanh sạch, chỉ ra sự cần thiết của việc dung hòa giữa hai phần hồn – xác.
Theo Vanmau.top