Tìm Kiếm

Bài viết số 5 lớp 7 đề 3: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng

Trong cuộc sống, luôn tồn tại những quan niệm song song, tưởng như trái chiều nhưng thực sự lại bổ sung cho nhau. Chính những quan niệm ấy giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống một cách đa chiều và toàn diện hơn. Ta có thể kể đến trường hợp, có người cho rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nhưng có người khác lại phản đối: gần mực chưa chắc đã đen, và gần đèn chưa chắc đã rạng. Với đề bài ấy, chúng ta phải xử lí như thế nào? Cách thông thường, chúng ta đi giải thích và chứng minh từng ý kiến, sau đó nói lên mối quan hệ giữa hai ý kiến ấy. Luôn phải có sự so sánh, đối chiếu giữa hai ý kiến để thấy rằng, chúng bổ sung chứ không phải là bài trừ nhau. Theo trình tự của bài văn nghị luận, ta có thể lật lại vấn đề và liên hệ với bản thân chúng ta, thế hệ ta ngày hôm nay. Các bạn đừng ngần ngại thể hiện những suy nghĩ, quan điểm của mình, bởi đó là yếu tố tăng sức hấp hẫn cho bài viết. Trong quá trình làm bài, chú ý đưa các dẫn chứng phù hợp để bài viết được thuyết phục hơn. Chúc các bạn thành công!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 TẬP LÀM VĂN LỚP 7  BÀI VIẾT SÓ 5 ĐỀ 3 VIẾT MỘT BÀI VĂN CHỨNG MINH THUYẾT PHỤC BẠN ẤY THEO Ý KIẾN CỦA EM VỀ GẦN MỰC CHƯA CHẮC ĐÃ ĐEN, GẦN ĐÈN CHƯA CHẮC ĐÃ RẠNG

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta luôn bị đẩy vào nhiều hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Có hoàn cảnh tốt, cũng có những tình huống ẩn chứa nhiều điều xấu xa. Trước những thứ ấy, liệu chúng ta có bị ảnh hưởng? Nói về điều này, có hai ý kiến trái chiều nhau. Có ý kiến cho rằng: “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nhưng lại có một ý kiến khác: gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Vậy ý kiến nào mới là đúng đắn?

Trước hết, chúng ta cùng đi tìm hiểu nội dung của hai ý kiến. Cả hai ý kiến đều đề cập đến mực và đèn. Mực là ám chỉ những hoàn cảnh mà ở đó ẩn chứa những điều xấu xa, có hại cho cuộc sống mọi người xung quanh. Còn đèn mang nghĩa ngược lại, đó là những hoàn cảnh tốt đẹp, ở đó con người học hỏi được nhiều điều. Cùng đề cập đến mực và đèn nhưng hai ý kiến lại mang nghĩa trái ngược nhau hoàn toàn. Một ý kiến khẳng định sự thay đổi của con người tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, họ tốt lên hoặc xấu đi, phụ thuộc rất nhiều vào cuộc sống xung quanh của họ. Còn ý kiến còn lại phủ định điều ấy, khi nói rằng con người độc lập hoàn toàn với hoàn cảnh xung quanh. Ta sẽ phải giải thích sao về điều này?

Vì sao gần mực thì đen, gần đèn lại rạng?

Con người chúng ta không tồn tại tách biệt với hoàn cảnh xung quanh. Bởi chúng ta muốn sinh sống, làm việc, học tập, ta phải đi theo để phù hợp với hoàn cảnh ấy. Vì vậy, dù ít dù nhiều, ta luôn bị hoàn cảnh tác động. Ông cha ta đã nhận ra điều ấy qua câu tục ngữ như: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cũng chính vì nhận ra điều ấy mà khi xưa, mẹ của Mạnh Tử phải chuyển chỗ ở ba lần cho con, những mong sao con có được một môi trường tốt nhất. Bạn không thể làm việc xấu giữa một cộng đồng chỉ toàn những người thật thà trách nhiệm. Và bạn cũng khó có thể giữ lòng mình trong sạch khi mọi người xung quanh đều xấu xa. Con người, vốn dĩ không thể tách bạch với môi trường xung quanh.

 

Chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, bởi trong một xã hội, nếu bạn đi ngược lại với con đường phát triển của xã hội ấy, bạn sẽ không thể tồn tại. Bạn trở thành kẻ lập dị, lỗi thời, bạn không được chào đón trong chính cuộc sống của mình. Đó là lí do vì sao, nhiều người muốn chọn cho mình một con đường riêng nhưng cuối cùng vẫn phải nằm trong vòng quay của hoàn cảnh môi trường. Vì thế, mà ở các nước châu Âu lớn mạnh, trình độ phát triển của họ càng cao, họ càng tạo ra được những con người thông minh, giàu có, và ở những nước kém phát triển, rất khó để xuất hiện một kì tích.
Nhưng gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng có phải là sai?

Mỗi chúng ta có một ý chí, một ước mơ, nghị lực của riêng mình. Ta có thể sẽ bị hoàn cảnh ép buộc, xô đẩy, nhưng ý chí vẫn còn lại với riêng ta. Nếu ta mang trong mình một thâm tâm trong sạch, dẫu có vào chốn bụi bặm xấu xa, ta vẫn sẽ cố gắng giữ cho kì được sự tốt đẹp của mình. Nếu ta có sẵn lòng tham lam, ích kỉ, ta sẽ chỉ tìm cách chiếm đoạt, làm hại những người tốt đẹp xung quanh. Vì sao hoa sen ngâm mình dưới bùn đen mà vẫn ngát hương? Vì bản chất của hoa sen đã là thanh tao cao quý. Không ai trên cuộc đời này có thể thay đổi chúng ta ngoài bản thân.

Đi theo hoàn cảnh thì dễ, nhưng đứng ngoài hoàn cảnh lại không phải là điều giản đơn. Bởi nó cần đến sức mạnh của ý chí và nghị lực kiên cường, để chống chọi và thay đổi cả môi trường. Điều quan trọng là một trí tuệ sắc bén, một tâm hồn đẹp để phân biệt được mực và đèn, và để biến mực trở thành đèn. Có như vậy, mới thực sự xứng đáng đề được tôn trọng, đề cao.

Hai ý kiến thực chất có mối quan hệ bổ sung cho nhau. Trong cuộc sống, ta cần cả sự thay đổi và kiên định. Thay đổi theo hoàn cảnh để hợp với thời thế, để phát triển bản thân một cách toàn vẹn nhất. Nhưng giữ cho mình ở ngoài hoàn cảnh để sống cho trọn với tâm mình, để không bị bùn đen ô uế. Điều quan trọng trong cuộc sống mỗi người là phải cân bằng được cả hai lối sống: thay đổi hoặc bị thay đổi.

Dẫu là mực hay đèn, nó cũng chỉ là tiêu chí phụ để đánh giá con người. Miễn sao, chúng ta sống một cuộc đời đáng sống, một cuộc đời có yêu thương và đam mê, thì chúng ta sẽ không phải nuối tiếc điều gì.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 BÀI VIẾT SỐ 5 LỚP 7 ĐỀ 3 GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ RẠNG. NHƯNG CÓ BẠN LẠI BẢO: GẦN MỰC CHƯA CHẮC ĐÃ ĐEN, GẦN ĐÈN CHƯA CHẮC ĐÃ RẠNG. EM HÃY VIẾT MỘT BÀI VĂN CHỨNG MINH THUYẾT PHỤC BẠN ẤY THEO Ý KIẾN CỦA EM

Môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp tới cách tiếp thu mọi thứ xung quanh của con người. Chúng ta phải cảm thấy may mắn khi chúng ta sống trong một môi trường có rất nhiều người tốt. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi chúng ta kết bạn với những người chưa thực sự tốt. Chính vì vậy ông cha ta mới có câu:”Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

 

“Mực” trong câu tục ngữ này có nghĩa tường minh và nghĩa hàm ngôn. “Mực” theo nghĩa tường minh chính là chỉ màu đen của một loại dung dịch tạo nên nét chữ sau khi viết. Người ta thường dùng mực để hút vào bút và bắt đầu viết. Nhưng hàm ý sâu xa của nó là chỉ những điều đen tối, xấu xa, không nên dây dưa vào. “Đèn” nghĩa tường minh là vật dụng cần thiết để tạo nên ánh sáng trong mỗi gia đình, nếu thiếu nó thì căn nhà sẽ trở nên tối tăm. Còn hàm ý của “đèn” là ám chỉ những việc tốt đẹp, là chân lý, ánh sáng đáng trân trọng trong xã hội. Cha ông ta rất có dụng ý khi đặt “mực” và “đèn” có ý nghĩa đối lập nhau ở cạnh nhau là nhằm thức tỉnh mỗi chúng ta. Trong cuộc sống có rất nhiều điều tốt đẹp, cần học tập và phát huy nhưng ngược lại đâu đó vẫn còn những góc khuất, những điều xấu, những con người xấu có thể khiến chúng ta sa vào bùn lầy. Câu tục ngữ vẽ ra hai viễn cảnh, hai con đường đi. Nếu chúng ta ở gần “mực”, gần điều xấu xa thì chắc chắn chúng ta sẽ bị nhiễm, và tồi tệ hơn nữa chúng ta sẽ biến thành những kẻ xấu. Ngược lại nếu được sống trong môi trường gần “đèn” thì chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều tốt đẹp, trở thành người tốt giúp ích cho xã hội. Câu tục ngữ nhắc nhở, khuyên răn chúng ta cần biết chọn bạn mà chơi, chọn nơi tốt đẹp để sinh sống, chọn điều hay để học. Đừng để những thói hư, tật xấu cám dỗ. Xã hội đầy rẫy những điều xấu, nếu chúng ta không biết cách lựa chọn cách sống, không có lập trường thì rất dễ dàng bị lôi kéo vào đó.

Trước hết, vì bản chất con người “là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Các – Mác) nên mỗi cá nhân thường xuyên chịu tác động từ các mối quan hệ đó. Trong quán trình tương tác giữa các cá nhân với nhau, tất yếu mỗi cá nhân sẽ chịu ảnh hưởng hoặc sự tác động từ cá nhân khác và từ môi trường hình thành nên mối quan hệ đó. Hơn nữa, con người lại dễ chịu ảnh hưởng của một quy luật tâm lí là bắt chước. Do đó, ông cha ta cũng có câu nói về những kẻ đua theo bạn bè, bắt chước để giống nhau: “Ngưu tầm ngưu, mã tâm mã”. Thực tế đã chứng minh tính thực tế của câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình mà chamẹ yêu thương nhau, sống hạnh phúc và được giáo dục tốt thường phát triển về tinh thần, tâm lí theo chiều hướng tích cực hơn so với trẻ sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ li hôn hoặc không hạnh phúc. Khi đi học, nếu kết bạn với bạn tốt, chúng ta sẽ thường học hỏi được những điều hay; trái lại, nếu kết bạn với kẻ xấu thì dễ bị xúi giục, làm những việc xấu… Nhìn rộng ra, sống ở một đất nước có nhiều chiến tranh, bạó lực thì con người cũng dễ bị những tổn thương về tâm lí, tinh thần.

 

Như vậy, những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách con người. Vậy chúng ta phải làm gì để có nhân cách tốt trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Thiết nghĩ rằng, chúng ta nên tự rèn luyện trau dồi bản thân trước, hãy biết phân biệt được “đen” và “trắng” dù đó là những suy nghĩ và nhận thức về nó còn khờ dại. Hơn nữa chúng ta cần giữ vững lập trường, quan điểm của bản thân khi đứng trước một tình huống mà ta nhận thức rằng nó không tốt, nó là thứ xấu xa, quan trọng nhất bạn không được để bị cám dỗ trước những thứ vật chất tầm thường dần dần bị tha hóa biến chất thậm chí mất cả nhân tính. Ngoài xã hội, bạn nên tạo những mối quan hệ tin cậy, tốt đẹp mà đối phương là người có phẩm chất đẹp, điều đó giúp bạn học hỏi được nhiều điều quý giá. Nhìn theo hướng khách quan, chúng ta nên tránh xa những người không tốt, hoặc môi trường có nhiều tệ nạn, nhiều điều không tốt đẹp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng bị lôi kéo bởi môi trường xấu xa. Vẫn có những cánh sen vươn lên từ bùn lầy nước đọng, dù xung quanh hôi hám sen vẫn nở đẹp và tỏa ngát hương thơm. Thực tế vẫn có những người sống trong môi trường không tốt đẹp, không thuận lợi mà vẫn giữ mình không sa ngã. Môi trường càng xấu xa thì phẩm chất của con người càng tuyệt vời đáng khâm phục. Ngày nay, trong xu thế cả nước tiến lên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa, vẫn có những con người không giữ vững bản chất tốt đẹp của mình. Giữa cuộc sống tốt đẹp, giữa môi trường thân thiện, họ vẫn biến chất, thoái hóa, sống ăn chơi sa đọa trên những đồng tiền bất chính, những đồng tiền mồ hôi xương máu của nhân dân đóng góp… Những con người đó chính là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là thứ ung nhọt của xã hội mà chúng ta có nhiệm vụ phải loại trừ.

Tóm lại câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đã giúp ta thấy rằng  môi trường sống có ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi con người, đặc biệt là tính cách. Tuy nhiên con người có thể hoàn toàn chủ động đón nhận hoàn cảnh dù sống trong môi trường không tốt – gần mực nhưng nếu bản lĩnh thì ta vẫn như đóa hoa thơm ngát:”Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Nguồn Internet