Tìm Kiếm

Phát biểu cảm nghĩ về những nhận định đánh giá cho truyện ngắn Vợ nhặt

Phát biểu cảm nghĩ về những nhận định đánh giá cho truyện ngắn Vợ nhặt

Hướng dẫn

Có ý kiến cho rằng: Ở truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân chú tâm miêu tả kĩ lưỡng hiện thực tàn khốc trong nạn đói thê thảm mùa xuân 1945. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Ở tác phẩm này, nhà ăn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề: Bàn về truyện ngắn Vợ nhặt, có hai ý kiến khác nhau cho rằng: Ở truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân chú tâm miêu tả kĩ lưỡng hiện thực tàn khốc trong nạn đói thê thảm mùa xuân 1945. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Ở tác phẩm này, nhà ăn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ.

2. Thân bài

– Hai ý kiến trên tưởng như đối lập nhưng hoàn toàn thống nhất bởi đã đưa ra được những nhận định đúng đắn về nội dung của truyện ngắn Vợ nhặt.

– Vợ nhặt là tác phẩm nhà văn Kim Lân viết về đề tài nạn đói năm 1945, hiện thực tàn khốc, u ám của nạn đói được nhà văn Kim Lân thể hiện hết sức ám ảnh:

+ Cảnh cái đói tràn về xóm ngụ cư cùng với cảnh người chết nằm còng keo bên vệ đường, người, người còn sống chỉ là những bóng người dật dờ như những bóng ma.

+ Con người trong nạn đói bị vắt kiệt sự sống, ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ mỏng manh đến thế.

+ Không khí xung quanh cũng ngột ngạt, tù đọng đến tột cùng bởi chết chóc “Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.

+ Ngay trong bữa cơm ngày đói của mẹ con Tràng cũng vô cùng thê thảm với lùm rau chuối thái rối, niêu cháo loãng và phải ăn đến cả thứ đồ ăn vốn không dành cho con người “cháo cám”.

–> Ngòi bút hiện thực của Kim Lân đã thể hiện chân thực đến ám ảnh khung cảnh nạn đói năm 1945.

– nhà ăn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ

 

+ anh Tràng – một người dân nghèo xóm Ngụ cư đã lấy vợ trong lúc nạn đói hoành hành dữ dội nhất.

–> Bỏ qua những gánh nặng cơm áo gạo tiền, chấp nhận đánh cược với cái đói, cái chết để thực hiện khát vọng hạnh phúc bình dị nhưng mãnh liệt của mình.

+ Người vợ nhặt chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ để trốn tránh cái đói

–> người đàn bà ấy cũng luôn có khát khao hạnh phúc, giống như Tràng, chị ta chấp nhận đánh cược với nghịch cảnh để có được hạnh phúc nhỏ bé.

+ Bà cụ Tứ là một người mẹ thương con, trước hạnh phúc bất ngờ của con, sau phút ngỡ ngàng bà đã vui vẻ đón nhận người con dâu mới, bà mừng cho hạnh phúc của các con.

3. Kết bài

Trong nạn đói, tình thương, khát khao sống, khát khao hạnh phúc vẫn tỏa rạng, cũng chính nguồn sức mạnh tinh thần to lớn ấy đã xua đi cái u ám của nạn đói, mang đến hi vọng và động lực sống cho bà cụ Tứ, Tràng, Thị và bao người nông dân trong xã hội xưa.

II. Bài tham khảo

“Vợ nhặt” là truyện ngắn hiện thực xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói dữ dội năm 1945. Bàn về truyện ngắn Vợ nhặt, có hai ý kiến khác nhau cho rằng: Ở truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân chú tâm miêu tả kĩ lưỡng hiện thực tàn khốc trong nạn đói thê thảm mùa xuân 1945. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Ở tác phẩm này, nhà ăn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ.

Hai ý kiến trên tưởng như đối lập nhưng hoàn toàn thống nhất bởi đã đưa ra được những nhận định đúng đắn về nội dung của truyện ngắn Vợ nhặt. Trước hết, vợ nhặt là tác phẩm nhà văn Kim Lân viết về đề tài nạn đói năm 1945, hiện thực tàn khốc, u ám của nạn đói được nhà văn Kim Lân thể hiện hết sức ám ảnh, đó là cảnh cái đói tràn về xóm ngụ cư cùng với cảnh người chết nằm còng keo bên vệ đường, người, người còn sống chỉ là những bóng người dật dờ như những bóng ma.

 

Con người trong nạn đói bị vắt kiệt sự sống, ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ mỏng manh đến thế. “Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”. Nhà văn Kim Lân đã tập trung miêu tả đến không khí đặc quánh, u ám của nạn đói: người chết như ngả rạ. Không khí xung quanh cũng ngột ngạt, tù đọng đến tột cùng bởi chết chóc “Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.

Ngay trong bữa cơm ngày đói của mẹ con Tràng cũng vô cùng thê thảm với lùm rau chuối thái rối, niêu cháo loãng và phải ăn đến cả thứ đồ ăn vốn không dành cho con người “cháo cám”. Ngòi bút hiện thực của Kim Lân đã thể hiện chân thực đến ám ảnh khung cảnh nạn đói năm 1945. Tuy nhiên mục đích của nhà văn không phải phơi bày thực cảnh thê thảm của con người dùng cái dữ dội của nạn đói như một phép thử cho những giá trị tốt đẹp bên trong con người. Điều này rất đúng với nhận định “Ở tác phẩm này, nhà ăn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ”.

Trong nạn đói, nhu cầu thiết thực và quan trọng nhất của con người là miếng ăn và khát vọng được sống. Thế nhưng kì lạ thay, anh Tràng – một người dân nghèo xóm Ngụ cư đã lấy vợ trong lúc nạn đói hoành hành dữ dội nhất. Bỏ qua những gánh nặng cơm áo gạo tiền, chấp nhận đánh cược với cái đói, cái chết để thực hiện khát vọng hạnh phúc bình dị nhưng mãnh liệt của mình. Người vợ mà anh Tràng có được cũng chỉ là người vợ “nhặt” nhưng anh vẫn dành tất cả sự trân trọng đối với với người vợ ấy, không chỉ mua hai hào dầu trong đêm đầu tiên vợ về nhà mà Tràng còn cảm nhận được tình nghĩa của “mình với người đàn bà đi bên” và thấy có trách nhiệm với vợ con.

 

Người vợ nhặt chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ để trốn tránh cái đói nhưng khi về đến nhà mẹ con Tràng, nhìn thấy gia cảnh nghèo khó Thị cũng chỉ thầm thất vọng và cố nén tiếng thở dài chứ không bỏ đi hay mắng chửi Tràng như tính cách trước đó của chị ta. Qua đó ta thấy được người đàn bà ấy cũng luôn có khát khao hạnh phúc, giống như Tràng, chị ta chấp nhận đánh cược với nghịch cảnh để có được hạnh phúc nhỏ bé. Thị chủ động làm quen với bà cụ Tứ, thức dậy sớm cùng mẹ chồng chuẩn bị mâm cơm ngày đói đã thể hiện được những giá trị tốt đẹp ẩn sâu trong vẻ ngoài xơ xác, thê thảm ấy.

Bà cụ Tứ là một người mẹ thương con, trước hạnh phúc bất ngờ của con, sau phút ngỡ ngàng bà đã vui vẻ đón nhận người con dâu mới, bà mừng cho hạnh phúc của các con. Không những thế, tình thương của bà cụ Tứ còn thể hiện qua những lời khuyên bảo, động viên, bà không ngừng gieo vào lòng các con những hi vọng về một ngày mai tươi sáng.

Trong nạn đói, tình thương, khát khao sống, khát khao hạnh phúc vẫn tỏa rạng, cũng chính nguồn sức mạnh tinh thần to lớn ấy đã xua đi cái u ám của nạn đói, mang đến hi vọng và động lực sống cho bà cụ Tứ, Tràng, Thị và bao người nông dân trong xã hội xưa.

Theo Vanmau.top