I. Kiến thức cơ bản
1. Sử dụng từ đúng âm, đúng chính
tả
- Một số HS do ít được tiếp xúc với hình thức chữ viết của
từ (ít đọc sách báo) nên khi nói – viết, đã thể hiện sai hình thức âm thanh, hình
thức chữ viết của từ.
Ví dụ: Từ lãng mạn được
nói - viết thành lãng mạng; từ xán lạn được nói – viết thành xán lạng, sáng lạng, xáng lạng; từ man mác thành mang mác; từ tham quan thành
thăm quan...
– Một số HS do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương nên đã
viết sai chính tả một số từ. Ví dụ: xâu xắc
(viết đúng: sâu sắc); suy nghỉ (suy nghĩ); dùi đầu (vùi đầu); Buông Ma Thuộc (Buôn Ma Thuột)…
Vì vậy, khi sử dụng từ (nói hoặc viết), ta cần sử dụng đúng
hình thức âm thanh, hình thức chữ viết của từ.
2. Sử dụng đúng nghĩa
Sở dĩ có hiện tượng sử dụng sai nghĩa chủ yếu do không nắm
chắc nghĩa của từ, không phân biệt được các sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm,
phạm vi sử dụng... của các từ đồng nghĩa, gần nghĩa. Vì vậy, có hiện tượng viết
những câu có từ dùng sai nghĩa (từ in chữ đậm), như:
a) Món quà
tuy nhỏ nhen nhưng em rất quý.
b) Tính tình
anh ấy rất hiền lành, nhưng khi ra trận đánh giặc thì táo tợn vô cùng.
c) Một không
khí nhộn nhịp bao phủ thành phố.
d) Ngô Thị
Tuyển vác một hòm đạn nặng gấp đôi thể lực
của mình băng băng trong lửa đạn.
3. Sử dụng từ đúng tính chất ngữ pháp của từ
Dùng từ đúng tính chất ngữ pháp của từ nghĩa là dùng từ
phù hợp với những đặc điểm từ loại, phù hợp với khả năng kết hợp của từ, khả năng
đảm nhiệm các chức vụ ngữ pháp trong câu - của từ. Do đó, những câu kiểu như: Nước sơn làm cho đồ vật thêm hào quang. là không chấp nhận được.
Bởi vì hào quang là danh từ, không thể
sử dụng làm vị ngữ như tính từ. Muốn sửa câu này, có thể thay từ hào quang bằng từ hào nhoáng, hoặc từ bóng bẩy.
Như vậy, dùng từ đúng tính chất ngữ pháp của từ là một trong những yêu cầu quan
trọng được đặt ra mà các em cần phải chú ý.
4. Sử dụng từ đúng sắc thái biểu cảm, hợp với tình huống
giao tiếp
Sắc thái biểu cảm chính là sắc thái về tình cảm, thái độ...
được thể hiện trong từ, ẩn chứa trong từ. Dùng từ đúng với sắc thái biểu cảm,
phù hợp với đối tượng giao tiếp, vai giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp... là những
yêu cầu quan trọng mà chủ thể nói năng (người nói) phải lưu ý. Do đó, dùng từ lãnh đạo trong câu "Quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị lãnh đạo sang xâm lược nước ta"
là đã không đảm bảo được các yêu cầu nói trên. Bởi vì, từ lãnh đạo mang sắc thái biểu cảm tốt, tích cực, không phù hợp để nói
về kẻ xâm lược. Từ này có thể thay bằng từ cầm
đầu.
5. Không lạm dụng từ địa phương, từ Hán Việt
Từ địa phương nếu được sử dụng một cách hợp lí trong văn
bản, nhằm gợi không khí, màu sắc địa phương thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu
lạm dụng từ địa phương hoặc dùng không đúng chỗ thì không thể chấp nhận. Bởi vì
từ địa phương gây khó hiểu cho người ở vùng khác, hoặc không phù hợp với đặc điểm
về ngôn ngữ của một số loại văn bản (Ví dụ: trong tác phẩm văn học có thể dùng
từ địa phương ở mức độ hợp lí, nhưng trong các văn bản hành chính, báo chí... và
cả các bài tập làm văn của HS đều không nên dùng từ địa phương).
Việc lạm dụng từ Hán Việt trong bất cứ loại văn bản nào đều
không nên. Bởi vì, nếu dùng nhiều từ Hán Việt sẽ gây khó hiểu cho người đọc, bài
văn sẽ thiếu trong sáng.
II. rèn luyện kĩ năng
1. Đọc kĩ các bài tập
làm văn của mình, tìm các loại lỗi về dùng từ trong từng bài viết. Sau đó, chia
các lỗi dùng từ này thành 5 loại, tương ứng với 5 nguyên tắc dùng từ đã nêu ở
trên. Cuối cùng, lần lượt sửa từng loại lỗi.
2. Trao đổi bài tập làm văn của mình với một bạn trong cùng lớp,
chú ý tìm các lỗi về dùng từ, rồi phân các lỗi ấy thành 3 loại (dùng không đúng
nghĩa; dùng không đúng tính chất ngữ pháp; dùng không đúng sắc thái biểu cảm và
tình huống giao tiếp) và trao đổi với bạn về cách sửa các lỗi này.