Ý nghĩa chi tiết chiếc đèn con nơi hàng nước chị Tí trong truyện Hai Đứa Trẻ
Hướng dẫn
Hơn ai hết, Thạch Lam, một trong những nhà văn nhân đạo và luôn dành sự trìu mến nhất cho con người. Mỗi áng văn của ông đều đọng lại nhiều dư vị cảm xúc, và đặc biệt là những chi tiết nho nhỏ, nhưng lại khuấy động được tâm hồn người đọc. Và trong truyện ngắn hai đứa trẻ ta đặc biệt ấn tượng với chi tiết chiếc đèn con nơi hàng nước của chị Tí.
Thực sự đọc văn của Thạch Lam, mỗi chúng ta đều bị quấn theo những dòng cảm xúc man mác trong văn của ông. Mỗi chữ đều đẹp, mỗi câu từ đều rất hay, nhẹ nhàng và thân thương lắm. Hai đứa trẻ, chỉ đơn giản là cách nhìn của hai đứa bé trong một phố huyện nghèo. Nơi đây có những bác Xẩm, có hàng quán của Bác Siêu, có những chú lính lệ và bà cụ Thi điên. Cuộc sống cứ thế nhấn chìm họ và đưa họ vào những quẩn quanh và bế tắc. Chính hình ảnh chiếc đèn con nơi hàng nước của chị Tí, càng làm nổi bật hơn bóng tối nơi phố huyện nghèo và càng khiến ta thấy rõ những bóng tối bao trùm nơi đây.
Đây là một chi tiết được lặp đi lặp lại trong tác phẩm, dưới lăng kính của cô bé Liên: “quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí” ngọn đèn chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ… đó đều là những hình ảnh có thực và thuộc về miền quê nơi phố huyện nghèo. Những ánh sáng ấy luôn thường trực, được thắp lên nơi đây, nhưng chẳng ngày nào thôi buồn bã, những bóng tối leo lét và nhỏ bé lắm, dường như có thể bị chìm đi và bóng đêm ngập tràn lối phố.
Đó là thứ ánh sáng được thắp lên nơi phố huyện, leo lét và u buồn, tưởng như tượng trưng cho số phận những người dân nghèo nơi đây, cũng tăm tối và leo lét như vậy, họ cố gắng duy trì sự sống từng ngày một cách mệt mỏi và yếu ớt. Ánh sáng được thắp lên hằng ngày, như một sự gửi gắm những niềm tin, hi vọng của họ vào cuộc sống. Ánh sáng ấy còn tượng trưng cho cuộc sống thực nơi đây, những kiếp người phải mưu sinh một cách yếu ớt và mệt mỏi từng ngày. Cuộc sống của họ thê thảm, và cứ từng ngày trôi qua một cách mong manh, không phải vì họ là những người vô danh, mà bởi cuộc sống vô nghĩa của họ.
“Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ” vậy là bóng tối vẫn cứ ngập đầy, những ánh sáng leo lét thắm lên không đủ sáng. Cuộc đời cứ thế tăm tối và trôi qua, họ quên mất rằng chính họ phải là người thắp lên cái gì đó “tươi sáng” cho chính mình. Chi tiết ngọn đèn con của chị Tí là nỗi ám ảnh trong suy nghĩ của Liên, nó gần như là chi tiết lặp đi lặp lại trong tiềm thức của cô bé, khi nhìn thấy đoàn tàu đêm đi qua, Liên mong đợi một cái gì đó “khác hẳn với cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí”, và thể hiện nỗi ám ảnh của Liên về sự tàn lụi của cuộc sống.
Vậy là kết thúc một chi tiết nghệ thuật độc đáo của Thạch Lam. Là một chi tiết có sức gợi và ám ảnh cao, chi tiết đã cho ta hiểu thêm về số phận của những kiếp người, cái bóng tối nơi phố huyện qua chi tiết này càng thêm phần nổi bật và day dứt trong lòng người đọc. Và qua đó cũng thể hiện ngòi bút trữ tình nhẹ nhàng, tinh tế, dung dị thấm đẫm chất thơ của Thạch Lam.
Theo Sachvanmau.com