Tìm Kiếm

Phân tích những phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”

Phân tích những phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”

Hướng dẫn

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích những phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn đổi mới văn học sau 1975.

2. Thân bài

– Người đàn bà hàng chài hiện lên trong tác phẩm là một con người khốn khổ, chị ta là một người vợ, người mẹ nhưng cũng là nạn nhân đáng thương của bạo lực gia đình.

–, thường xuyên bị chồng đánh đập tàn nhẫn nhưng chị ta chấp nhận cuộc sống ấy mà không có nửa lời kêu than, trách móc số phận.

– Thương con, không muốn chúng tổn thương khi chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, chị đã gửi thằng Phát về ở với ông ngoại và cầu xin người chồng mang mình lên bờ để đánh.

– Người đàn bà là người thấy hiểu lẽ đời, thấu hiểu tâm tính của người chồng.

– Người đàn và hàng chàu cũng thấu hiểu cuộc sống lênh đênh trên biển có ngày yên bình cũng có khi phong ba bão táp, vì vậy trên mỗi con thuyền không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông.

-Người đàn bà hàng chài còn là người có khát khao hạnh phúc mạnh mẽ.

II. Bài tham khảo

“Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn đổi mới văn học sau 1975. Trước sự thay đổi của đời sống xã hội, Nguyễn Minh Châu đã hướng ngòi bút đến cuộc đời thế sự để phát hiện ra những uẩn khúc, éo le trong cuộc sống của con người thời hậu chiến. Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, bên cạnh tái hiện cuộc sống bi kịch của người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đi sâu khám phá để phát hiện ra những phẩm chất của người đàn bà ấy cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác.

 

Người đàn bà hàng chài hiện lên trong tác phẩm là một con người khốn khổ, chị ta là một người vợ, người mẹ nhưng cũng là nạn nhân đáng thương của bạo lực gia đình. Sống trong cuộc sống như địa ngục, thường xuyên bị chồng đánh đập tàn nhẫn nhưng chị ta chấp nhận cuộc sống ấy mà không có nửa lời kêu than, trách móc số phận.

Nhìn vào thái độ cam chịu, nhẫn nhục đến vô lí của người đàn bà, Phùng, Đẩu và rất nhiều độc giả cảm thấy khó hiểu và cho rằng, liệu có phải chị ta đã sống trong cái khổ quá lâu mà mất khả năng phản kháng? Thế nhưng qua câu chuyện của người đàn bà ta lại thấy rằng chị ta không cam chịu một cách mù quáng, cũng không nhẫn nhục một cách vô nghĩa lí. Người đàn bà ấy chấp nhận cuộc sống đau khổ, thua thiệt về mìn vì chị ta là một người mẹ thương con, để cho con có một gia đình trọn vẹn, có những bữa cơm no chị ta chấp nhận nhịn nhục những trận đòn roi của chồng, chị “không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy”.

Thương con, không muốn chúng tổn thương khi chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, chị đã gửi thằng Phát về ở với ông ngoại và cầu xin người chồng mang mình lên bờ để đánh. Cũng vì thương con nên khi chứng kiến cảnh thằng Phát lao vào đánh bố, trái tim chị đau đớn hơn hết thảy vì chị biết rằng dẫu cố gắng nhưng cũng không thể bảo vệ cho tâm hồn non nớt của các con không bị tổn thương, chị càng đau đớn hơn khi thấy con vì nông nổi mà có những hành động, suy nghĩ sai lầm. Tình thương yêu con của người mẹ vốn là bản năng thiêng liêng, mãnh liệt của tất cả những người phụ nữ, nhưng tình thương con đến quên mình của người đàn bà hàng chải quả thật khiến chúng ta vô cùng xúc động.

 

Người đàn bà là người thấy hiểu lẽ đời, thấu hiểu tâm tính của người chồng. Dù là nạn nhân của bạo lực gia đình, thường xuyên bị chồng đánh đập tàn nhẫn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng người đàn bà ấy vẫn kiên quyết từ chối, thậm chí tỏ thái độ sợ hãi khi Phùng và Đẩu muốn giúp chị bỏ chồng: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Người đàn bà không chịu bỏ chồng không chỉ vì thương đám con thơ mà còn vì thương chồng, hiểu chồng và vì tấm lòng nhân hậu, vị tha đáng trân trọng. Chị ta biết rằng người đàn ông vốn có bản tính hiền lành, lương thiện, nhưng vì cuộc sống quá khổ cực, người đàn ông ấy phải một mình gồng gánh cả gia đình với áp lực khủng khiếp mới sinh bạo tàn, nhẫn tâm.

Người đàn và hàng chàu cũng thấu hiểu cuộc sống lênh đênh trên biển có ngày yên bình cũng có khi phong ba bão táp, vì vậy trên mỗi con thuyền không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông. Bằng những trải nghiệm và sự am hiểu lẽ đời, người đàn bà đã dùng những lí lẽ để thuyết phục Phùng và Đẩu, vì vậy mà sau câu chuyện với người đàn bà, Phùng nhận ra nhiều điều về cuộc sống con người: “ Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn…cho nên các chú đâu hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc.

 

Người đàn bà hàng chài còn là người có khát khao hạnh phúc mạnh mẽ. Cuộc sống dẫu khổ cực, nhiều thiệt thòi cho mình nhưng chị vẫn luôn cam chịu để gia đình được yên ổn, những đứa con của chị được sống và lớn lên. Trong sâu thẳm tâm hồn người đàn bà ấy vẫn chắt chiu niềm hạnh phúc dẫu nhỏ nhoi, giản dị “ Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”.

Người đàn bà hàng chài được nhà văn NGuyễn Minh Châu xây dựng bằng bút pháp hiện thực nhưng vẫn thấm đượm cảm hứng trữ tình, nhân văn sâu sắc. Từ hình ảnh người đàn bà, chúng ta cảm nhận được những vẻ đẹp khuất lấp, những giá trị đáng trân trọng bên trong những người phụ nữ Việt Nam.

Theo Vanmau.top