Lí giải sự thay đổi của người vợ nhặt khi ở chợ huyện đến khi về nhà anh Tràng
Hướng dẫn
Đề bài: Lí giải sự thay đổi của người vợ nhặtkhi ở chợ huyện đến khi về nhà anh Tràng
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Gưới thiệu tác phẩm, nhân vật: Ấn tượng đặc biệt nhất của nhân vật người vợ nhặt trong cảm nhận của độc giả đó là sự thay đổi, chuyển biến tâm lí, tính cách một cách rõ rệt từ khi ở chợ huyện đến khi về nhà anh Tràng.
2. Thân bài
– Khi còn ở chợ huyện, người vợ nhặt hiện lên là người đanh đá, chỏng lỏn cùng thái độ suồng sã, vô duyên.
+ Chị ta không kiêng nể mà mắng vào mặt Tràng
+ thẳng thừng đòi ăn chứ không uống nước.
– Ẩn sau vẻ ngoài trơ trẽn, vô duyên ấy là người đàn bà hiền hậu đúng mực; bên trong sự liều lĩnh, dễ dãi ấy lại là khát khao sống, khát khao hạnh phúc đến mãnh liệt.
+ Trên đường đi, trước những tò mò, bàn tán xì xào của người dân xóm ngụ cư, dù có bực nhưng Thị chỉ dám lầm bầm trong miệng
+ Nhìn thấy gia cảnh nghèo khó, dù thất vọng nhưng chị ta không bộc lộ ra bên ngoài bằng những lời nói cay nghiệt như tính cách trước đấy mà giấu sự thất vọng trong ánh mắt tối lại và trong tiếng thở dài cố nén.
–> người đàn bà ấy chấp nhận theo không Tràng về làm vợ không phải chỉ là trốn tránh cái đói, cái chết mà còn được thôi thúc bởi khát khao hạnh phúc giản đơn.
– Thị đã chủ động làm quen với bà cụ Tứ, dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm cùng mẹ chồng như để xây dựng mối quan hệ gia đình.
–> Sự vô duyên chỏng lỏn có lẽ cũng chỉ là lớp ngụy trang bên ngoài như cách để Thị phản kháng với hoàn cảnh sống khắc nghiệt, về bản chất chị ta là một con người hiền hậu, biết điều rất đúng mực.
3. Kết bài
Miêu tả sự thay đổi của nhân vật Thị đã thể hiện được sự trân trọng và niềm tin của nhà văn Kim lân vào những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người, đó là những vẻ đẹp mà nạn đói không thể nào hủy diệt được.
II. Bài tham khảo
Người vợ nhặt là nhân vật khá đặc biệt trong truyện ngắn “vợ nhặt”, đó là người vợ Tràng vô tình “nhặt” được ở chợ huyện, là một trong những nhân vật quan trọng góp phần làm nên tư tưởng chủ đề mà nhà văn Kim Lân muốn gửi gắm trong tác phẩm này. Ấn tượng đặc biệt nhất của nhân vật người vợ nhặt trong cảm nhận của độc giả đó là sự thay đổi, chuyển biến tâm lí, tính cách một cách rõ rệt từ khi ở chợ huyện đến khi về nhà anh Tràng.
Khi còn ở chợ huyện, người vợ nhặt hiện lên là người đanh đá, chỏng lỏn cùng thái độ suồng sã, vô duyên. Chị ta không kiêng nể mà mắng vào mặt Tràng trong lần gặp mặt thứ hai, khi được anh Tràng mời uống nước để ‘chuộc tội” chị ta đã thẳng thừng đòi ăn chứ không uống nước. Hành động cúi mặt ăn liền một mạch hết bốn chiếc bánh đúc đã tạo nên một ấn tượng không mấy tốt đẹp. Chỉ với vài câu nói đùa, người đàn bà ấy đã chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ. Hành động táo bạo đó đã mang đến cho người đọc cảm nhận về một người đàn bà trơ trẽn, liều lĩnh, có phần dễ dãi.
Tuy nhiên, Kim Lân đã vô cùng thành công trong việc chuyển hướng đánh giá, cảm nhận của người đọc cũng như của chính nhân vật Tràng về người đàn bà này. Ẩn sau vẻ ngoài trơ trẽn, vô duyên ấy là người đàn bà hiền hậu đúng mực; bên trong sự liều lĩnh, dễ dãi ấy lại là khát khao sống, khát khao hạnh phúc đến mãnh liệt. Điều này được thể hiện trực tiếp thông qua những thay đổi của người vợ nhặt trên đường về nhà Tràng và khi đã về nhà Tràng. Trên đường đi, trước những tò mò, bàn tán xì xào của người dân xóm ngụ cư, dù có bực nhưng Thị chỉ dám lầm bầm trong miệng, dáng đi khép lép bên cạnh anh Tràng đúng “chuẩn” của một cô dâu mới.
Khi về đến nhà anh Tràng, nhìn thấy gia cảnh nghèo khó, dù thất vọng nhưng chị ta không bộc lộ ra bên ngoài bằng những lời nói cay nghiệt như tính cách trước đấy mà giấu sự thất vọng trong ánh mắt tối lại và trong tiếng thở dài cố nén. Hành động này đã thể hiện được sự thay đổi của nhân vật Thị, cũng cho người đọc một cảm nhận hoàn toàn khác về nhân vật. Vậy ra lí do người đàn bà ấy chấp nhận theo không Tràng về làm vợ không phải chỉ là trốn tránh cái đói, cái chết mà còn được thôi thúc bởi khát khao hạnh phúc giản đơn. Thị đã chủ động làm quen với bà cụ Tứ, dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm cùng mẹ chồng như để xây dựng mối quan hệ gia đình. Và sự vô duyên chỏng lỏn có lẽ cũng chỉ là lớp ngụy trang bên ngoài như cách để Thị phản kháng với hoàn cảnh sống khắc nghiệt, về bản chất chị ta là một con người hiền hậu, biết điều rất đúng mực.
Sự thay đổi của nhân vật Thị là hệ quả tất yếu, khi có một gia đình hạnh phúc Thị đã trở về là chính mình, một người đàn bà hiền hậu có khát vọng sống mạnh liệt. Miêu tả sự thay đổi của nhân vật Thị đã thể hiện được sự trân trọng và niềm tin của nhà văn Kim lân vào những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người, đó là những vẻ đẹp mà nạn đói không thể nào hủy diệt được.
Theo Vanmau.top