Tìm Kiếm

Trình bày ý kiến của em về câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây đấy”

Trình bày ý kiến của em về câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây đấy”

Bài làm

Tục ngữ thuộc thể loại văn học dân gian gồm những câu nói ngắn gọn, súc tích, cô đọng, dễ ghi nhớ. Nó đúc kết những kinh nghiệm, tri thức, triết lí của nhân dân ta. Tục ngữ thường hàm chứa những bài học mà cha ông muốn gửi đến các thế hệ sau. Câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây đấy” không nằm ngoài quy luật đó.

“Ăn” là hoạt động cắn, nhai, nuốt thức ăn, bổ sung năng lượng nhằm mục đích duy trì sự sống. “Rào” là hành động ngăn xung quanh một vật thể hoặc một khu vực để bảo vệ khu vực đó. Câu tục ngữ trên hiểu theo nghĩa đen là ăn thành quả của cây nào thì phải biết bảo vệ cây ấy để nó được phát triển tốt. Bên cạnh đó “Ăn cây nào rào cây đấy” còn gửi gắm đến chúng ta thông điệp hãy biết bảo vệ môi trường sống. Khi nền kinh tế chưa phát triển như hiện tại, cuộc sống tự cung tự cấp thì con người sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, khai thác từ thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của mình. Chính vì vậy nên phải biết bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên để duy trì nguồn sống.

Sâu xa hơn, “Ăn cây nào rào cây đấy” còn ngụ ý con người cần trân trọng và biết ơn những thành quả mà người đi trước để lại. Được sống trong cuộc sống hòa bình, no ấm như ngày hôm nay là sự hi sinh của biết bao con người, chiến sĩ ngã xuống ngày hôm qua. Ta biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ đã mang lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Chúng ta cũng cần phải biết ơn những người đã giúp đỡ mình vượt qua khó khăn bởi nếu không có họ thì có lẽ chúng ta đã gục ngã.

 

Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao cũng đồng nghĩa với việc con người lại luôn tìm những mánh khóe, thủ đoạn để lừa lọc lẫn nhau nhằm tư lợi cho bản thân. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các trường hợp nhân viên bán ý tưởng của công ty mình cho công ty khác với giá cao để chuộc lợi, …Họ đã quên mất rằng cái lợi của công ty chính là cái lợi của bản thân và ngược lại. Họ đã vì đồng tiền mà bán rẻ đi công sức của biết bao đồng nghiệp, nhân viên.

Đồng thời câu tục ngữ này cũng ngầm phê phán lối sống ích kỉ, thực dụng, chỉ biết đến lợi ích vật chất của mình mà có thể tranh giành, giẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, chúng ta sống và sinh hoạt trong một cộng đồng nên cần biết hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Ai đó đã từng nói rằng giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi. Chúng ta không thể tồn tại một cách đơn lẻ nên mối quan hệ giữa bản thân với mọi người xung quanh là vô cùng cần thiết.

“Ăn cây nào rào cây đấy” có tính giáo dục sâu sắc. Chúng  ta biết bảo vệ thành quả mà chúng ta được thừa hưởng và không ngừng vun xới, phát triển nó thì những giá trị ấy không bao giờ mai một. Hơn nữa, chúng ta cũng cần biết chia sẻ với người khác bởi “sống là cho đâu đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu).  Bản thân mỗi người cần phải có trách nhiệm với những gì được thừa hưởng. Đó là trách nhiệm đối với các thế hệ đi trước hay rộng hơn là trách nhiệm với nhân dân, đất nước. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng lối sống vị tha, biết đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi của mình, cống hiến, đóng góp sưc mình vào các công việc chung của cọng đồng, tổ chức. Có như vậy tập thể mới hoàn thiện và vững mạnh.

 

Câu tục ngữ trên đã giúp chúng ta nhìn nhận lại chính lối sống của bản thân. Có bao giờ bạn thấy biết ơn gia đình, cha mẹ – những người đã cho bạn cuộc sống như ngày hôm nay chưa?