Tìm Kiếm

Soạn Bài Tức Nước Vỡ Bờ Trích Tắt Đèn Của Ngô Tất Tố

Đề bài: Soạn Bài Tức Nước Vỡ Bờ Lớp 8 Trích Tắt Đèn Của Ngô Tất Tố

Bài làm

1. Tình thế của chị Dậu khi bọn tay sai xông vào nhà chị:

Vụ thuế đang trong thời điểm gay gắt nhất: quan sắp về tận làng để đốc thuế; bọn tay sai càng hung hăng xông vào nhà những người chưa nộp thuế để đánh đói, đem ra đình cùm kẹp… Chị Dậu mặc dù phải bán con, bán chó, bán cả gánh khoai để có đủ tiền nộp suất sưu cho chồng, nhưng bọn hào lí lại bắt nhà chị phải nộp cả suất sưu cho người em chồng chết từ năm ngoái; thành thử anh Dậu vẫn cứ là người thiếu sưu. Bọn chugns xông vào nã thuế, trong lúc anh Dậu thì “đang ốm đau rề rề”, tưởng chừng như dã chết đêm qua, giờ mới tỉnh, nếu lại bị chúng đánh trói lần này nữa thì mạng sống khó mà giữ được.

=> Tình thế nguy cấp.

2. Phân tích nhân vật cai lệ

– Tên cai lệ là tên đứng đầu bọn lính ở huyện đường chuyên đi đòi sưu thuế, đây là một tên độc ác chỉ làm những điều sai trái. Hắn là tiêu biểu nhất của hạng tay sai, công cụ đắc lực của cái trật tự xã hội ấy.

– Đánh trói người là “nghề” của hắn, được hắn làm với một kĩ thuật thành thạo và sự say mê.

– Trong bộ máy thống trị của xã hội đương thời, cai lệ chỉ là một tên tay sai mạt hạng, nhưng nhân vật này lại có ý nghĩa tiêu biểu riêng. Hắn hung dữ, sẵn sàng gây tội ác mà không hề chùn tay, cũng không hề bị ngăn chặn, vì hắn đại diện cho “nhà nước”, nhân danh “phép nước” để hành động. Vì vậy, có thể nói, tên cai lệ vô danh không chút tình người đó là hiện thân đầy đủ, rõ rệt nhất của cái “nhà nước” bất nhân lúc bấy giờ.

– Tên cai lệ được phái về làng Đông Xá để giúp lí trưởng làng này đốc thuế.

– Cai lệ có tính cách hung bạo và dã thú của một tên tay sai chuyên nghiệp: Vừa “sầm sập” xông vào nhà chị Dậu cùng gã người nhà lí trưởng, hắn đập roi xuống đất, quát thét ra oai, rất hống hách và đểu cáng: “- Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!”. Anh Dậu vừa chết đi sống lại, hắn đâu thèm có để ý. Mà nếu anh Dậu chết đêm qua thì chính là hắn phải chịu trách nhiệm trước tiên, chứ không phải ai khác. Vì chính tay hắn hôm trước đã trói gô anh rất chặt, rồi điệu ra đình cùm kẹp giữa lúc anh đang ốm nặng. Vậy mà, giờ đây, trước những lời van xin của chị Dậu mong hắn tha cho anh, hắn đáp lại bằng thái độ hết sức phũ phàng.

 

– Mở miệng, hắn chỉ thét, quát, hầm hè, tức là “ngôn ngữ” của thú dữ chứ đâu phải tiếng nói của con người!

– Hắn cũng hầu như không có khả năng nghe tiếng nói của đồng loại. Hắn cứ nhằm vào anh Dậu mà không cần biết anh đang thừa sống thiếu chết. Hắn hoàn toàn bỏ ngoài tai những lời van xin, trình bày tha thiết của chị Dậu. Trái lại, hắn đáp lại chị Dậu bằng những lời lẽ thô tục, những hành động đểu cáng, hung hãn táng tận lương tâm tới rợn người. Tàn bạo, không chút tình người là bản chất của hắn.

3. Diễn biến tâm lí, hành động của chị Dậu

Bọn tay sai “sầm sập tiến vào” trong lúc chị Dậu vừa “rón rén” bưng bát cháo lên cho anh Dậu, đang chờ xem anh ăn có ngon miệng không. Khi đó, anh Dậu vì khiếp đảm mà lăn đùng ra ngất, chỉ còn một mình chị dậu đứng ra đối phó với lũ “ác nhân”.

Ban đầu, chị Dậu cố van xin tha thiết. Vì trong mắt bọn tay sai bây giờ, chồng chị là kẻ cùng đinh đang có tội. Nhưng đến khi tên cai lệ không thèm nghe chị lấy nửa lời, đáp lại chị bằng quả “bịch” vào ngực và cứ xông lên đánh trói anh Dậu, thì đến lúc ấy, chị Dậu mới “hình như tức quá không thể chịu được“, đã “liều mạng cự lại“.

Sự “cự lại” của chị Dậu cũng có một quá trình gồm hai bước:

  • Chị dùng lí lẽ phân trần, nói lí lẽ tự nhiên “chồng tôi đau ốm…hành hạ” -> xưng hô “tôi” – “ông” ngang hàng, cứng rắn, cảnh cáo kẻ ác.
  • Sau khi cai lệ “tát vào mặt chị một cái đánh bốp” chị “nghiến răng”: “mày trói chồng bà đi” -> chuyển xưng hô từ tôi- ông sang mày- bà. Lần này chị không đấu lí mà quyết ra tay đấu lực với bọn chúng. Chị đẩy tên cai lệ ngã chỏng quèo, túm tóc lẳng tên người nhà lí trưởng ngã nhào ra thềm.
 

Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, ta thấy Ngô Tất Tố đã rất thành công trong việc dựng lên hình tượng chị Dậu, một người phụ nữ dũng cảm. tính cách của người nông dân, của người phụ nữ Việt Nam truyền thống Diễn biến tâm lí của nhân vật này cũng được nhà văn thế hiện, miêu tả hết sức chân thực, tự nhiên và sinh động.

Cuối đoạn trích, anh Dậu sợ hãi khuyên can vợ:

“- U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tủ, phải tội.

Lời nói ấy cho thấy anh vốn là một nông dân lao động, vốn hiền lành nhẫn nhục đã quen. Còn chị Dậu:

– Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mình mãi thế, tôi không chịu được…”

Hành động của chị trong hoàn cảnh đó không thể khác. Tuy liều lĩnh, cô độc và tự phát, nhưng rõ ràng chị không thể không vùng dậy chống lại hành động hung bạo tàn nhẫn cúa bọn cai lệ và người nhà lí trưởng bảo vệ tính mạng cho chồng.

4. Nhan đề của đoạn trích: Tức nước vỡ bờ.

Tức nước vỡ bờ một nhan đề có sức gợi hình cao, nhan đề do chính tác giả đặt tên đã bao quát toàn bộ nội dung của đoạn trích. Nhan đề dùng chính tục ngữ của người Việt để nói lên ở đâu có áp bức ở đó có sự đấu tranh, chống cự. Hơn nữa, với nhan đề này, đoạn trích còn toát lên chân lí: Con đường sống của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường đấu tranh để tự giải phóng, không có con đường nào khác.

5. Chứng minh nhận định của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với cai lệ là một đoạn tuyệt khéo”.

 

– Khéo ở nghệ thuật khắc hoạ tính cách nhân vật:

  • Chị Dậu: Nhẫn nhục nhưng mạnh mẽ (qua lối nói van xin, cự lại, hành động,…
  • Cai lệ: hung hăng, bất nhân, thú tính,… (lời nói, hành động,…)

– Miêu tả ngoại hình bằng nghệ thuật đối lập:

  • Chị Dậu: lực điền, khỏe khoắn, quyết liệt
  • Bọn tay sai: sức lẻo khẻo như tên nghiện, ngã chỏng quèo…

– Khéo ở ngòi bút miêu tả linh hoạt, sống động: cảnh chị Dậu đánh lại hai tên tay sai,…

– Khéo ở ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại đặc sắc, bộc lộ sắc nét tính cách nhân vật, phản ánh được diễn biến tâm lí,…

6. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng với tác phẩm Tắt Đèn, Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”. Ý nói đến nội dung hướng đến tính hành động của tác phẩm. Đó là ý nghĩa tích cực về cảm quan hiện thực và khả năng dự báo của tác phẩm. Ngô Tất Tố đã dự báo về xu hướng đấu tranh của người nông dân- lực lượng đông đảo và bị áp bức nhiều nhất, đối với thế lực thống trị thực dân phong kiến bấy giờ. Tác phẩm “Tắt đèn” có tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng của quần chúng nhân dân, nhất là nông dân trong việc chống lại bọn cường hào ác bá ở nông thôn. Đó cũng là minh chứng nguồn gốc và giá trị của văn học khi văn học bắt nguồn từ đời sống thực tế để rồi quay lại thúc đẩy xã hội phát triển.