Tìm Kiếm

Soạn Bài Hịch Tướng Sĩ Lớp 8 Của Trần Quốc Tuấn

Đề bài: Soạn Bài Hịch Tướng Sĩ Lớp 8 Của Trần Quốc Tuấn

Bài Làm

Câu 1: Bài hịch có thể được chia làm bốn đoạn:

– Đoạn 1: Từ đầu đến còn lưu tiếng tốt: Nêu những gương thần nghĩa sĩ trong sử sách để khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước.

– Đoạn 2: Tiếp đến cũng vui lòng: Lột tả sự ngang ngược và tội ác của kẻ thù đồng thời nói lên lòng căm thù giặc

– Đoạn 3: Tiếp đến vui vẻ phỏng có được không: Khẳng định những hàng động đúng nên làm, để tướng sĩ thấy rõ diều hay, lẽ phải. Đoạn này có thể chia làm hai đoạn nhỏ:

  • (1): Các ngươi-> phỏng có được không?: Nêu mối ân tình giữa chủ và tướng, phê phán những biểu hiện sai trong hàng ngũ tướng sĩ.
  • (2): Nay…..được không: K.đ những HĐ đúng nên làm để tướng sĩ thấy được điều hay lẽ phải.

– Đoạn 4: Còn lại: Nhiệm vụ cấp bách, khích lệ tinh thần chiến đấu.

Câu 2:

a) Tội ác và sự ngang ngược của kẻ thù được tác giả lột tả:

Sau khi nêu gương sáng trong sử sách, tác giả quay về thực tế trước mắt, lột tả tội ác và sự ngang ngược của quân giặc đồng thời nêu mối ân tình giữa chủ và tướng. Tội ác và sự ngang ngược của kẻ thù được tác giả lột tả bằng những hành động thực tế, ngôn ngữ gợi hình ảnh và nghệ thuật ẩn dụ. Kẻ thù tham lam tàn bạo: đòi ngọc lụa, hạch sách bạc vàng, vét kiệt kho báu có hạn, hung hãn như hổ đói. Kẻ thù ngang ngược: đi lại nghênh ngang ngoài đường, bắt nạt tể phụ. Những hình ảnh ẩn dụ “lưỡi cú diều”, “thân dê chó” để chỉ sứ Nguyên cho thấy nỗi căm hờn và lòng căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn, đồng thời đặt chúng trong thế tương quan “lưỡi cú diều”, “sỉ mắng triều đình”, “thân dê chó” – “bắt nạt tể phụ”, TQT đã chỉ ra nỗi nhục lớn của người dân khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Có thể so sánh với thực tế lịch sử: Năm 1277, Sài Xuân đi sứ, buộc ta phải lên tận biên giới đón rước ; năm 1281, Sài xuân lại đi sứ, cưỡi ngựa thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại bị Xuân lấy roi đánh toạc đầu; vua sai Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải ra đón tiếp, Xuân nằm khểnh không dậy. So sánh với thực tế ấy sẽ thấy tác dụng của lời Hịch như lửa đổ thêm dầu.

 

b) Đoạn văn tố cáo tội ác của giặc đã khơi gợi lòng căm thù giặc, khích lệ tinh thần yêu nước bất khuất, khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của tướng sĩ. Việc lột tả bản chất bạo ngược, vô đạo của kẻ thù đã góp phần khơi gợi lòng căm thù giặc, tinh thần yêu nước của tướng sĩ.

Câu 3: Lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn:

Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn được thể hiện cụ thể: quên ăn, quên ngủ, đau đớn đến thắt tim, thắt ruột ; thể hiện qua thái độ: uất ức, căm tức khi chưa được trả thù, sẵn sàng hi sinh để rửa mối nhục cho đất nước. Tác giả đã dồn cả tâm huyết, bút lực của mình vào mỗi lời văn, mỗi câu văn. Mỗi chữ, mỗi câu như chảy trực tiếp từ trái tim qua ngòi bút lên trang giấy. Câu văn chính luận mà khắc hoạ thật sinh động hình tượng người anh hùng yêu nước: Đau đớn đến quặn lòng trước tình cảnh đất nước, căm thù giặc tới bầm gan tím ruột, mong rửa nhục mà quên ăn, vì nghĩa lớn mà coi thường xương tan, thịt nát. Khi tự bày tỏ lòng mình, TQT đã là một tấm gương yêu nước bất khuất để các tướng sĩ noi theo.

Câu 4:

Mối quan hệ ân tình giữa Trần Quốc Tuấn với tướng dựa trên hai mối quan hệ: Quan hệ chủ tướng: các ngươi…cho ngựa và quan hệ những người cùng chung cảnh ngộ: Lúc trận mạc …. Mối quan hệ chủ tướng đã khích lệ tinh thần trung quân ái quốc, còn mối quan hệ cùng cảnh ngộ đã khích lệ lòng ân nghĩa, thuỷ chung của những người cùng cảnh ngộ, gắn bó khăng khít không thế tách rời. Nêu mối ân tình giữa mình và tướng sĩ Trần Quốc Tuấn đã khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đạo vua tôi cũng như đối với tình cốt nhục.

Sau khi bày tỏ quan hệ thân tình, tác giả đã phê phán lối sống sai lầm của các tướng sĩ: đó là nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng…tức ; Ham thú vui tầm thường: chọi gà, đánh bạc, vui thú ruộng vườn…ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát. Cùng với việc phê phán, tác giả còn chỉ ra những việc nên làm. Đó là những việc như biết lo xa, tăng cường luyện tập võ nghệ,… Như vậy, Trần Quốc Tuấn vừa chân tình chỉ bảo vừa phê phán nghiêm khắc những thái độ, HĐ sai trái của t. sĩ, đồng thời ông khuyên họ nêu cao tinh thần quyết chiến thắng bảo vệ nước nhà.

 

b) Khi phê phán hay khẳng định, tác giả đều tập trung vào vấn đề đề cao tinh thần cảnh giác, chăm lo rèn luyện để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Bởi vì, bài hịch này dù trực tiếp là nhằm khích lệ tiến sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược do chính Trần Quốc Tuấn biên soạn, nhưng mục đích cao nhất chính là kêu gọi tinh thần yêu nước quyết chiến quyết thắng với ngoại xâm.

Câu 5:

Giọng văn rất linh hoạt, có khi là lời vị chủ soái nói với tướng sĩ dưới quyền, có khi là lời người cùng ảnh, lúc là lời khuyên răn bày tỏ thiệt hơn, khi lại là lời nghiêm khắc cảnh cáo vì vậy cách nói vừa có tính chất răn đe, sỉ mắng vừa có sự chân thành tình cảm mang tính chất bày tỏ thiệt hơn.

Trần Quốc Tuấn vừa chân tình chỉ bảo vừa phê phán nghiêm khắc hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh đất nước. Thái độ đó không chỉ là tội thờ ơ nông cạn mà còn là sự vong ân bội nghĩa trước ân tình của chủ tướng; sự ham chơi hưởng lạc đâu chỉ là vấn đề về nhân cách mà còn là sự táng tận lương tâm khi vận mệnh đất nước đang nghìn cân treo sợi tóc. Trần Quốc Tuấn chỉ rõ những việc làm sai trái tưởng như nhỏ nhặt …Có khi tác giả nói thẳng gần như sỉ mắng, có khi tác giả dùng cách nói mỉa mai, chế giễu: cựa gà trống … Những điều đơn giản ấy trẻ con cũng biết được mà các tướng sĩ hình như lại ko biết để làm cho họ tức khí, muốn mau chóng bộc lộ tài năng, phẩm chất của mình bằng việc làm thiết thực.

 

Câu 6: Đặc sắc nghệ thuật

– Văn chính luận kết cấu chặt chẽ

– Kết hợp hài hoà giữa lí trí và tình cảm trong lập luận ; lời văn giàu hình ảnh nhạc điệu

– Dùng nhiều điệp từ điệp ý tăng tiến, phép liệt kê, so sánh, hình ảnh tương phản

– Câu văn biền ngẫu cân đối nhịp nhàng

– Lí lẽ sắc sảo kết hợp với tình cảm thống thiết

© 2018 Giải văn mẫu dành cho học sinh.