Phân tích cảm nhận đoạn 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Bài làm
Quang Dũng là một nhà thơ đa tài của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Là một người lính từng cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc, ông đã gửi những cái nhìn chân thực và sâu sắc của bản thân về hình tượng người lính Tây Tiến vào bài thơ “Tây Tiến” viết năm 1948. Trong bài thơ đặc sắc này, đoạn thơ thứ ba đã gieo vào trái tim, tấm lòng người đọc bao nỗi niềm cảm xúc và sự sẻ chia chân thành với tác giả.
Đoạn thứ ba của bài thơ “Tây Tiến” là những dòng thơ tác giả tái hiện hình ảnh đoàn quân Tây Tiến một cách trực tiếp:
- “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
- Quân xanh màu lá dữ oai hùm
- Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
- Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
- Rải rác biên cương mồ viễn xứ
- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
- Áo bào thay chiếu anh về đất
- Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Thủ pháp đối lập được Quang Dũng sử dụng trong đoạn này đã đặc tả hình dáng bên ngoài và vẻ đẹp tâm hồn người lính Tây Tiến. Với dáng vẻ bên ngoài: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá” gợi một dáng vẻ dường như đang ốm yếu nhưng tâm hồn vẫn luôn dũng mãnh, kiên cường đối mặt: “dữ oai hùm”, “mắt trừng”. Cách nói “không mọc tóc” vừa thể hiện sự lạc quan, hóm hỉnh, vừa thể hiện sự đối diện mạnh mẽ, một thái độ ngang tàn, đầy ngạo nghễ với hệ quả của căn bệnh sốt rét rừng khắc nghiệt mà bất kỳ một người lính Tây Tiến nào cũng có thể mắc phải trên chặng đường hành quân ra trận nhiều gian truân, thử thách. Nhà thơ Quang Dũng gọi họ là “đoàn binh” thay vì “đoàn quân” đem đến cho ta cảm giác oai dũng hơn. Đằng sau dáng vẻ dường như đang bị căn bệnh sốt rét rừng làm cho tiều tụy, ta cảm nhận được một tinh thần dũng mãnh, hiên ngang như những con hổ oai hùng chốn rừng thiêng.
Cùng với hình ảnh nói về sự hy sinh, mất mát của người lính ở những câu thơ trên: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”, ở đoạn thơ này, nhà thơ tiếp tục nhắc đến sự hy sinh của người lính Tây Tiến: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Từ láy gợi hình, gợi cảm “Rải rác” kết hợp cùng phép đảo ngữ đã nhấn mạnh sự mất mát, đau thương mà những người lính phải đối mặt khi ra chiến trường. Nhưng khi Quang Dũng nói về cái chết, ta không hề có cảm giác bi lụy mà dường như chính nhờ lý tưởng sống, lý tưởng chiến đấu cao đẹp của cả một thế hệ anh hùng, cái chết bỗng hóa một thứ gì đó quá đỗi nhẹ nhàng. “Mồ viễn xứ”, đó là cách dùng từ Hán Việt gợi sự trang trọng, tôn nghiêm của nhà thơ. Hình ảnh “áo bào thay chiếu anh về đất” trong đoạn khiến tả cảm tưởng như một cách rất kính trọng và biết ơn, tác giả đang khoác lên cho người lính hy sinh những tấm chiến bào mà tướng sĩ ngày xưa mặc khi ra trận để phần nào giảm bớt sự đau thương, mất mát. Chiến tranh khắc nghiệt đến tàn phá những cuộc đời, và đi mang theo những người lính hiên ngang, bất khuất. Họ ra đi trong niềm thanh thản, họ về với vòng tay đất mẹ ấm áp, thân thương của Tổ quốc. Câu văn kết đoạn: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” hiện lên như một tiếng gầm bi tráng trước sự ra đi của người lính Tây Tiến. Cái chết của những người anh hùng Tây Tiến dường như đã cảm hóa cả trời đất. Quang Dũng không né tránh sự gian khổ, hy sinh của người lính mà ông đối diện với cái chết ấy, nói đến nó một cách thẳng thắn, trực tiếp. Hình ảnh cái chết trong đoạn thơ như đã được nâng đỡ bởi cảm xúc lãng mạn nên không chìm vào đau thương bi lụy mà đậm một chất anh hùng bi tráng.
Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng bi tráng, hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn thơ còn được Quang Dũng phác họa với nét hào hoa của những tâm hồn lãng mạn. Những người lính ấy, nhiều khi giấc mộng giai nhân luôn đi cùng họ trên chiến trường nhiều đạn bom, khói lửa. Đọc thơ Trung đại, ta từng bắt gặp hình tượng những người chinh phu, tráng sĩ với dáng vẻ hào hùng, được khắc họa đời sống nội tâm sâu kín trong “Chinh phụ ngâm” hay “Thuật hoài”. Đến với văn học hiện đại, cũng có nhiều nhà thơ hướng ngòi bút đến việc miêu tả, khắc họa vẻ đẹp hình tượng người lính. Trong “Tống biệt hành”, Thâm Tâm đã hé mở chiều sâu tâm hồn con người, những người ra đi với nỗi buồn trong những câu thơ:
- “Ta biết người buồn chiều hôm trước:
- Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
- Một chị, hai chị cũng như sen
- Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
- Ta biết người buồn sáng hôm nay
- Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
- Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc
- Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…”
Còn ở “Tây Tiến”, Quang Dũng miêu tả chân thực chân dung người lính, những con người bình thường, đập những nhịp đập bình thường nhưng mang trong mình những nét hào hùng, hào hoa đáng trân trọng.
Bài thơ “Tây Tiến” là những hoài niệm của nhà thơ về những tháng ngày sống cùng đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến, đoạn thơ thứ ba đã đem đến cho người đọc cái nhìn chân thực về vẻ đẹp hào hùng, hào hoa của người lính, đồng thời cảm nhận được những tình cảm, cảm xúc nhà thơ dành cho họ, cho những anh hùng của một thời kháng chiến chống Pháp oanh liệt.