Tìm Kiếm

Nghị luận về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” chứng minh giải thích ý nghĩa

Giữa vùng đầm lầy “hôi tanh mùi bùn” vẫn có những bông hoa sen vươn lên trong vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát, trong làn hương nhè nhẹ dịu mát lòng người. Trong cuộc sống cũng vậy, có những lúc gặp khó khăn, đôi khi phải chịu cực khổ nhưng những con người vẫn luôn giữ cho mình lòng tự trọng và ngay thẳng. Bởi từ xưa, ông cha ta đã dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Trong chương trình Ngữ Văn, các bạn sẽ gặp đề bài nghị luận về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đây là dạng bài nghị luận về một ý kiến, một lẽ sống đẹp, cần trả lời những câu hỏi chính; Câu tục ngữ muốn nói đến điều gì, lẽ sống nào? Lẽ sống ấy có quan trọng không? Đến ngày nay còn đúng không? Chúng ta cần phải làm gì để có được những cách sống đẹp như thế. Trong khi viết, chú ý đến chia đoạn và ý rõ ràng, nên viết theo cấu trúc diễn dịch hoặc tổng- phân- hợp, sử dụng những dẫn chứng tiêu biểu, hợp lí. Những bài văn sau đây sẽ giúp các bạn có được những gợi ý cơ bản. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN VỀ CÂU “ĐÓI CHO SẠCH, RÁCH CHO THƠM”.

Có những nơi làm ta mê mẩn không phải vì cảnh “sơn thủy hữu tình” mà là vì vẻ đẹp từ con người tỏa ra. Có những con người dẫu không giàu sang, tài giỏi nhưng vẫn đủ để khiến chúng ta khâm phục. Bởi ở họ, có cái đẹp hơn ánh hào quang lấp lánh của tiền tài hay trí tuệ, đó là lòng tự trọng, là sự coi trọng phẩm cách, là cách sống: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

“Đói, rách” là hình ảnh sự thiếu thốn, bất hạnh do hoàn cảnh sống, do cuộc đời dành cho con người. Còn “sạch, thơm” là thể hiện thái độ sống thanh bạch, luôn giữ gìn phẩm giá, cách sống đúng với những quy định, đạo đức. Những hình ảnh ẩn dụ đơn giản để nhắn nhủ về một bài học sống, về cách sống đã thành lẽ sống đẹp: sống thanh sạch, tự trọng dẫu trong hoàn cảnh thiếu thốn, “cùng đường”. Câu không có chủ ngữ, không nhắc đến đối tượng nào, cũng không loại trừ bất kì ai, là lời nhắc nhở, là cách sống của tất cả mọi người.

Cuộc sống không phải một con đường thẳng, không phải là bức tranh được tô bởi hoàn toàn những màu sắc tươi sáng và tươi đẹp.Ở đâu đó còn có những mảng tối, những mảnh đời bị Thượng Đế bỏ rơi: những con người sinh ra trong nghèo khó, đói khổ, thường gặp những bất hạnh, những sự việc không mong muốn. Ở Nhật Bản, những trận động đất khiến bao nhiêu người hóa hư vô, những người còn lại thì thêm một khoảng trống trong tâm hồn. Trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này, luôn có những cuộc đời phải lo tránh bão lũ, lo về thiên nhiên để đến khi hạnh phúc đơn giản chỉ là có một cuộc sống không phải chạnh vạnh, nay đây mai đó. Bên cạnh cuộc sống giàu sang, hạnh phúc còn có những góc tối, những cuộc đời chỉ mong có một chốn ở, có một bữa ăn giản dị… Những mảnh đời, sống trong cái “đói, rách” vẫn luôn hiển hiện trong cuộc sống này.

 

Nhưng dẫu vậy, họ vẫn sống như là một con người. Chúng ta được sinh ra, khác với con vật ở chữ “NGƯỜI”. Không như loài làm theo bản năng, chỉ cần có thứ để ăn, để sống, chúng làm mọi cách, dù có bẩn, có chẳng “thơm” gì; chúng ta có ý chí, có quan điểm và có lòng tự trọng của mình. Con người sẽ không dễ bị khuất phục bởi hoàn cảnh, bởi những nhu cầu vật chất tầm thường. Dẫu có chịu nhiều bất hạnh, những bà con miền Trung vẫn luôn tăng gia sản xuất, cần cù lao động, kiếm miếng ăn trên bàn tay của chính mình. Hành động để người Nhật Bản đối diện với đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng năm 2010, sự đói khát sau những ngày chờ đợi mỏi mệt là sự nghiêm chỉnh xếp hàng đợi phát đồ cứu trợ. Sự trật tự và kiên cường của họ khiến chúng ta phải kinh ngạc và thán phục. Dẫu có “đói” vẫn phải sạch. Và dẫu có bị đẩy đến “bước đường cùng”, Lão Hạc vẫn chọn cái chết để dành tiền cho con, để không phải làm phiền hàng xóm, để chút lương tâm cuối cùng này không bị rơi nốt xuống vực thẳm. Những nỗi đau thể xác không thể khiến những người chiến sĩ cách mạng phản bội lí tưởng của mình được. Những tấm lòng trung trực ấy chỉ có một điều hướng tới: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm”, chỉ có một lí tưởng: “Chết vinh còn hơn sống sống nhục”. Sống không hổ thẹn với lương tâm của mình, không phải cúi đầu trước cuộc đời thì chẳng có gì khiến cho con người ta phải sợ hãi và lo nghĩ cả. Tiền có thế mua được nhà cao cửa rộng nhưng không mua được hạnh phúc, có thể làm nhàn thân nhưng không thể khiến tâm nhàn được. Những giá trị vật chất không thể đổi lấy được sự tĩnh tại trong tâm hồn. Chắc chắc, những con người ấy, những con người sống sạch như nước suối, thơm như hoa nhài ấy, cuộc đời của họ sẽ không bao giờ ngừng tỏa hương.

Những thiếu thốn, mất mát là những thứ không thể tránh khỏi, ta không được quyết định. Nhưng dù gì cũng phải đối mặt, sao ta không nhìn nó một cách hiên ngang và tự tin. Đó là thuốc thử tâm hồn, để con người nhìn ra chính mình, để sống một cuộc sống, của một con người thực sự. Thế nhưng, có những người, lại dễ bị đánh gục bởi vật chất và hào quang, bỏ cái “sạch”, cái “thơm” để được sống, được tồn tại. Nhưng đổi lại, cuộc sống lại luôn bao quanh bởi những lo lắng, suy nghĩ, tranh đấu để kiếm lợi cho mình, về mình. Và rồi, ta cũng chẳng biết sống để tận hưởng hay để chịu đựng khổ đau nữa!

 

Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, để tận hưởng. Sống sao cho không hổ thẹn với mình, với đời và để sau này nằm xuống, có thể “in dấu chân” trong tâm trí mọi người nhé!

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN VỀ CÂU TỤC NGỮ “ĐÓI CHO SẠCH, RÁCH CHO THƠM”.

Vươn lên từ bùn lầy hôi tanh, đóa hoa sen chẳng những không “hôi tanh mùi bùn” mà vẫn luôn đẹp đẽ, tỏa ngát hương thơm cho đời. Trong cuộc sống, con người cũng có thể phải chịu những hoàn cảnh không mấy tốt đẹp, phải sống trong khó khăn, nhưng quan trọng là chúng ta phải có bản lĩnh để giữ gìn phẩm giá, cốt cách của mình. Đó cũng là lời khuyên của cha ông ta qua câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Câu tục ngữ sử dụng các hình ảnh đối lập: “đói”, “rách” là biểu tượng cho hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, “sạch”, “thơm” là biểu tượng cho tâm hồn, nhân cách tốt đẹp, không bị vấy bẩn bởi đói nghèo, sự mất mát. Bằng cách dùng câu khuyết chủ ngữ, câu tục ngữ nhắn nhủ tất cả mọi người một bài học về cách sống cao đẹp: dù cho hoàn cảnh có thế nào, con người cũng phải giữ gìn được bản chất tốt đẹp của mình.

Cuộc sống vốn không bao giờ là công bằng cả. Không phải tất cả chúng ta đều có may mắn có được một số phận hạnh phúc. Bạn có thể giàu sang, cũng có thể nghèo đói. Bạn có thể được yêu thương, cũng có thể thiếu thốn tình cảm. Chúng ta khó có thể tự quyết định hoàn cảnh của mình.  Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, có một điều vẫn luôn là của chúng ta nếu chúng ta biết giữ gìn, đó là phẩm giá con người. Chỉ cần chúng ta vẫn còn nhân cách, lòng tự trọng, chúng ta vẫn là một con người toàn vẹn và không thua kém bất cứ ai, bởi “Nhân cách cao hơn sự giàu có” (Amos Lawrence). Có  lòng tự tôn, con người sẽ không dễ dàng khuất phục trước hoàn cảnh, có động lực, niềm tin để tiếp tục sự sống của mình. Sự giàu sang không thể mua được sự hạnh phúc, không thể đổi lấy sự tôn trọng của mọi người. Con người ta chỉ hạnh phúc, tâm hồn ta chỉ tĩnh tại, bình yên khi ta giữ được những giá trị tốt đẹp của tâm hồn mình; khi ấy ta chính là người giàu có nhất, không phải hổ thẹn với lòng mình, không phải sợ hãi bất cứ điều gì. Một người có tấm lòng tốt đẹp mới là người nhận được sự yêu mến, tôn trọng từ người khác. Không sạch, không thơm, tự bản thân con người sẽ cảm thấy ngột ngạt, bức bối, cắn rứt lương tâm. Trong ca dao thuở trước, cánh cò lặn lội bờ ao kiếm ăn cho con, trong sự nghèo khó cơ cực, khi chết cò vẫn một lòng giữ gìn lòng tự trọng, nhân cách của mình:

 

“Có xáo thì xáo nước trong

Chớ xáo nước đục đau lòng cò con”

Được sống trong cái sạch, cái thơm là một điều may mắn, nhưng nếu phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, cũng hãy cứ coi đó như là thử thách để tôi luyện bản thân, để thử nghiệm tâm hồn và chỉ khi vượt quan được nó, con người ấy mới thực sự bản lĩnh.

Trong ca dao, tục ngữ cũng có không ít câu nói với nội dung tương tự, khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ trên như “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “Chết đứng còn hơn sống quỳ”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”,… Ngạn ngữ Tây Ban Nha cũng có câu: “Ngay cả khi trong túi hết tiền, cái mũ trên đầu anh cũng phải đội cho ngay ngắn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương vĩ đại, là hình anh của một con người thanh sạch, liêm khiết trong mọi hoàn cảnh. Dù là trong ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước hay trong những tháng ngày dẫn dắt dân tộc đi qua đêm trường nô lệ, phải sống trong nhiều không gian khắc nghiệt: những ngày giá rét lạnh lẽo xứ người, những ngày sống bằng “cháo bẹ rau măng” ở hang Pác Bó,… Bác vẫn giữ được một tinh thần mạnh mẽ, sáng trong, trở thành tấm gương đạo đức sáng ngời mà đời đời người dân Việt Nam luôn tôn kính.

Trong cuộc sống, bên cạnh những người luôn ý thức được nhân phẩm của mình, giàu tự trọng, vẫn có những người bị hoàn cảnh tha hóa, vì đói, rách mà đánh mất linh hồn, làm những điều trái với lương tâm, đạo đức. Để đứng vững trước sóng gió cuộc đời, chúng ta cần không ngừng rèn luyện, trau dồi bản thân để biết đúng, biết sai, mạnh mẽ vươn lên, khắc phục nghịch cảnh.

Trong một xã hội mà khoa học kĩ thuật lên ngôi, những giá trị đạo đức dễ bị những hào nhoáng, bóng bẩy làm lu mờ, thì câu tục ngữ chính là một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.

Nguồn Internet