Tìm Kiếm

Cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường Trông ra

Cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường Trông ra

Hướng dẫn

Đề bài:Em hãy nêu cảm nghĩ về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ ” Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra”

Mở bài Cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường Trông ra

Thiên nhiên chính là một bức tranh của tạo hóa dành tặng cho con người chúng ta, chủ đề thiên nhiên luôn là chủ đề tiêu biểu của các nhà thơ, nhà văn. Một chủ đề đem lại cho mỗi người một cảm xúc khác nhau theo cách nhìn, cái cảm nhận ấy. Bài thơ ” Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” của Trần Nhân Tông, là một bài thơ viết về bức tranh thiên nhiên buổi chiều thơ mộng.

Thân bài Cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường Trông ra

Trần Nhân Tông là một vị vua yêu nước, nổi tiếng khoan thai, nhân ái, công việc triều chính rất bận rộn nhưng không vì thế mà ông hờ hững với phong cảnh thiên nhiên qua tác phẩm ta thấy được một tâm hồn thi sỹ trong ông, gần gũi với thôn quê, với tính chất nhẹ nhàng, bình lặng, một thôn quê yên ả khi viết về cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Bài thơ được tác giả sáng tác trong dịp về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam định ngày nay).

Nhà thơ đã viết cảnh chiều nay ngay tại chính quê hương yêu dấu của mình, cũng có lẽ là quê hương mình nên tác giả viết lên những câu thơ rất gần gũi hiện lên được bức tranh thôn quê dân dã, khi đọc ngay những câu thơ đầu tiên ta đã cảm thấy được một cảnh tượng mộc mạc, bình dị rất đỗi quen thuộc với mỗi người khi buổi chiều tà tới:

 

“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không”

Cảnh tượng buổi chiều mùa lúa chín mới gặt xong, hình ảnh “khói lồng” cho thấy ghi ngút của khói rơm dạ vào buổi chiều tà, khung cảnh thơ mộng, mờ ảo được bao trùm bởi lớp khói sương mờ mỏng. Một cách nhìn độc đáo, ở một nơi nhìn bao quát được khắp làng xóm ” trước xóm sau thôn” bao trọn trong tầm mắt của tác giả. Nhờ cách nhìn đó mà những hình ảnh rất quen thuộc đó trở nên đẹp một cách lạ lùng, cảm tưởng như lần đầu ta chứng kiến một cảnh vật thơ mộng như vậy. Buổi chiều cảnh hoàng hôn với mặt trời đang dần khuất núi thì lại được nhà thơ dùng “bóng chiều” tả “man mác” lúc có lúc không, một cảm giác thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện, cảnh vật trước mặt ta như hư vô.

Ngay hai câu thơ đầu nhà thơ đã đưa người đọc đến với nhiều khung bậc cảm xúc khác nhau, bức tranh thiên nhiên quen thuộc trở nên mộng ảo, làm người đọc muốn ngắm cảnh đó mãi không thôi, như mong muốn cho cảnh tượng đó cứ hiện lên trước mặt, nhưng lại có chút mờ ảo. Tác giả lại tiếp tục đưa ta đến với khung cảnh rất bình dị, nhưng không còn “hư không” nữa mà thay vào đó là một bức họa làng quê cảm giác thực hơn, đó chính là nhịp sống của người dân, những con người chân chất thôn quê, con vật gắn liền với bản chất thôn dã của vùng quê:

 

“Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”

Lấy một hình ảnh rất đẹp chính là những chú mục đồng, những đứa trẻ cầm trên tay chiếc sáo và thổi khắp cánh đồng, trên đường về cùng với đàn trâu, tiếng sáo vang lên khắp nơi trong không gian buổi chiều trông thật hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên. Vào buổi chiều tà đó cũng chính là thời gian kết thúc sau một ngày lao động, và dắt trâu đi về của mấy đứa trẻ, cảm thấy thật vui vẻ cùng nhau một lũ trẻ hò nhau đi về. Màu sắc của bức họa được phác thảo bởi tiếng sao tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng khoan thai. Thời điểm đó, không chỉ là lúc con người đi làm về, một hình ảnh khác cũng được nhà thơ nắm trọn đó là hình ảnh từng đàn từng đôi cò trắng đáp xuống đồng, những đàn cò trắng phau phau, cùng nhau sà xuống nghỉ chân rồi lại cùng nhau sải cách bay lên, cảm thấy cuộc sống luôn sôi động.

Nhờ sự xuất hiện của những đứa trẻ như vậy đã làm cho một khung cảnh thiên nhiên thi vị trở nên tươi mới, không còn là một cảnh chiều mờ ảo, tạo nên cho một buổi chiều có sự sống của con người, những sự sống dó làm cho thiên nhiên cũng trở nên nhộn nhịp.

Bức tranh thiên nhiên của bài thơ thật chất làng quê, những hình ảnh mộc mạc vừa thực vừa ảo, không chỉ miêu tả hình ảnh thiên nhiên mà tác giả còn lồng vào đó cảnh sắc con người. Ở đây vẫn ánh lên sự sống con người trong sự hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên một cách nên thơ, chứng tỏ tác giả là con người tuy có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương đất nước thôn dã, một sự kết hợp trong bài thơ thật hài hòa giữa thiên nhiên, con người và loài vật.

 

Qua bài thơ cho thấy Trần Nhân Tông cũng rất gắn bó với làng quê thì mới cảm nhận được hết những cái đẹp của bức tranh thiên nhiên. Nếu như tác giả chỉ nhìn thôi, không có sự gắn bó thì khó có thể viết lên những câu thơ đậm chất thôn quê như vậy.

Kết luận bài văn: Cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường Trông ra

Bài thơ “Buổi chiều ở phủ Thiên Trường trông ra” là một bài thơ viết về thiên nhiên rất bình thường, nhưng trong đó ta cảm nhận được một tấm lòng bao la mà Trần Nhân Tông muốn gửi gắm cho quê hương mình, cái nơi mà mình được sinh ra, một vùng quê yên ả, một bức họa thiên nhiên buổi chiều tà làm ta cảm thấy rất tha thiết, muốn ở trong đó mãi.

Theo Vanmau.top