I. Về tác giả và tác phẩm
1. Thể thơ
Đây có thể coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho
thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.
2. Tác giả
Trần Nhân Tông từng là một ông vua yêu nước, giỏi việc cầm
quân song cũng không kém phần tài hoa, lịch lãm. Khi làm vua, ông không quản
nguy hiểm, trực tiếp cùng Thái thượng hoàng xông ra trận tiền chỉ huy quân sĩ
chiến đấu, đánh tan đạo quân Nguyên Mông mạnh và hung hăng khét tiếng lúc bấy
giờ. Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên
Trường trông ra được làm khi ông về thăm quê cũ.
II. Kiến thức cơ bản
1. Về thể thơ, bài Buổi chiều đứng ở phủ
Thiên Trường trông ra giống với bài thơ nào? Nêu đặc điểm của thể thơ đó thể
hiện trong bài này.
Gợi ý: Kiểm tra về số câu, số chữ xem bài thơ này
giống bài thơ nào trong hai bài thơ luật Đường đã học? Chú ý từ cuối của các câu
1, 2, 4 để chỉ ra cách hiệp vần của bài thơ.
2. Cụm từ bán vô bán hữu (nửa như có
nửa như không) có nghĩa là phong cảnh mờ ảo; vừa như có lại như không; vừa
thực lại vừa hư. Quang cảnh gợi lên ở đây là làng xóm đang mờ trong sương khói.
Cảnh có nét thực nhưng lại có nét ảo. Chính điều này tạo nên sự mơ màng, nên thơ
rất độc đáo của câu thơ.
3. Trong bài thơ, cảnh được miêu tả vào lúc
chiều tà (lúc hoàng hôn). Trong khung cảnh có thể nghe thấy tiếng sáo của trẻ
chăn trâu đang dẫn những chú trâu no mẫm về nhà, có những cánh cò trắng đang từ
từ đáp xuống cánh đồng phía trước, ở phía xa kia, các thôn xóm đã chìm dần
trong sương khói như mơ như thực. Một khung cảnh làng quê thật thanh bình và êm
ả, nên thơ.
4. Qua bức tranh được miêu tả, có thể nhận thấy
cảnh tượng nhìn từ phủ Thiên Trường thật nên thơ. Xóm thôn mờ mờ sương khói hoà
trong tiếng sáo của trẻ chăn trâu văng vẳng cùng từng đôi cò trắng đang xoè cánh
đậu xuống đồng. Đứng trước cảnh thiên nhiên ấy, tác giả như chìm đắm say xưa
trong cảnh vật. Ngắm nhìn, thưởng thức nét đẹp của xóm thôn mà vui mừng với cuộc
sống không vượng bận binh đao.
5.* Tác giả cảu bài thơ là một ông vua có tâm
hồn thi sĩ. Đọc bài thơ, ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một
người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với một người nông dân thuần phác (cảnh
được nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó cho thấy, nhà
vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình. Phải chăng vì các
vị vua Trần rất thân dân, yêu dân như con mà mỗi khi đứng trước hoạ xâm lăng
(nhất là trong ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo
nhân dân chống xâm lược thành công.
IIi. rèn luyện kĩ năng
1. Cách đọc
Bài thơ thiên về tả cảnh, qua đó, những tình cảm của tác
giả đối với quê hương được bộc lộ kín đáo (bút pháp "tả cảnh ngụ tình").
Vì vậy khi đọc không lên giọng, trái lại cần đọc nhẹ nhàng, tình cảm, hạn chế sự
nhấn mạnh vào những chỗ không cần thiết, không thể hiện đúng tinh thần của văn
bản.
2. Khi viết đoạn văn, chú ý miêu tả những chi
tiết sau:
- Mặt trời lặn, không gian mờ mờ sương và khói
(của những nhà dân đang thổi cơm chiều).
- Cảnh từng đôi cò trắng liệng xuống đồng.
- Cảnh những xóm thôn xa xa mờ ảo.
- Chú ý không miêu tả những con trâu vì lúc này
trâu đã về hết, chỉ nghe tiếng sáo của mục đồng vẳng lại mà thôi.
Cần miêu tả để làm nổi bật được cảnh đồng quê.
Có thể giả sử mình đang đứng trên lầu cao của phủ Thiên Trường để nhìn cảnh vật.