Tìm Kiếm

Trình bày nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trình bày nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa trong tư tưởng Hồ Chí Minh


a) Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa
Tư tưởng Hồ Chí Minh không đề cập đến các vấn đề dân tộc nói chung mà là vấn đề dân tộc thuộc địa. Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là:
- Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc.
Hồ Chí Minh giành sự quan tâm đến đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, xoá bỏ ách thống trị, áp bức, bóc lột của nước ngoài; giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập Nhà nước dân tộc độc lập.
Nếu Mác bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống CNTB, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống CNĐQ, thì Hồ Chí Minh tập trung bàn về cuộc đấu tranh chống CN Thực dân. Mác và Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước TBCN, thì Hồ Chí Minh bàn nhiều về đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
- Lựa chọn con đường phát triển của dân tộc.
Từ thực tiễn của phong trào cứu nước của dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc trong bối cảnh mới của thời đại là CNXH.
Hoạch định con đường phát triển của dân tộc thuộc địa là một việc làm hết sức mới mẻ: từ nước thuộc địa lên CNXCH phải trải qua nhiều giai đoạn chiến lược khác nhau.
Con đường đó, như trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người viết: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Thực chất là con đường ĐLDT gắn liền với CNXH.
Con đường đó phù hợp với hoàn cảnh của các nước thuộc địa, nó hoàn toàn khác biệt với các nước đã phát triển đi lên CNXH ở phương Tây. Đây là nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
b) Độc lập dân tộc - nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa
-  Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề độc lập dân tộc từ quyền con người.
Trên con đường tiếp cận chân lý cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu và tiếp nhận những nhân tố có giá trị trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Từ quyền con người ấy, Người đã khái quát nên chân lý về quyền cơ bản của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2].
- Nội dung của độc lập dân tộc
Là người dân mất nước, nhiều lần được chứng kiến tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân đối với đồng bào mình và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Hồ Chí Minh thấy rõ một dân tộc không có quyền bình đẳng chủ yếu là do dân tộc đó mất độc lập. Vì vậy, theo Người, các dân tộc thuộc địa muốn có quyền bình đẳng thực sự phải tự đứng lên đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn cho dân tộc mình.
Nền độc lập hoàn toàn, độc lập thật sự của một dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải được thể hiện đầy đủ ở những nội dung cơ bản sau đây:
+ Độc lập tự do là quyền tự nhiên, thiêng liêng, vô cùng quý giá và bất khả xâm phạm của dân tộc. Độc lập của Tổ Quốc, tự do của nhân dân là thiêng liêng nhất. Người đã từng khẳng định: Cái mà tôi cần nhất trên đời này là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập.
Trong Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Vec-xay năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đòi quyền bình đẳng về pháp lý cho dân tộc và quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Nội dung cốt lõi trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 là: độc lập, tự do cho dân tộc tạo tiền đề xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Trực tiếp chủ trì Hội nghị TW 8 (5/1941), Người viết thư Kính cáo đồng bào và chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng là cao hơn hết thảy”[3].
Tháng 8 năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”[4].
Trong  “Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Người long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới “Nước Việt Namcó quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Namquyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy”[5]. v.v.
+ Độc lập dân tộc phải gắn liền với sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trong các thư và điện văn gửi tới Liên hợp quốc và Chính phủ các nước vào thời gian sau CMT8, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và chủ quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”[6].
Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền được thể hiện rõ: “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ[7]. Và khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hồ Chí Minh đã đưa ra một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do[8].
Chính bằng tinh thần, nghị lực này cả dân tộc ta đứng dậy đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc. Và chính phủ Mỹ phải cam kết: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
+ Dân tộc độc lập trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia do dân tộc đó tự quyết định. Người khẳng định: Nước Việt Nam là của người Việt Nam, do dân tộc Việt Nam quyết định, nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến hội nghị Véc-xây bản “Yêu sáchcủa nhân dân An Nam” đòi quyền bình đẳng, tự do cho dân tộc Việt Nam:
 Một là, đòi quyền bình đẳng về chế độ pháp lý cho người bản xứ Đông Dương như đối với châu Âu, xoá bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh, thay thế bằng chế độ đạo luật.
 Hai là, đòi quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, tự do cư trú...
Bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc rút ra bài học: Muốn bình đẳng thực sự phải đấu tranh giành độc lập dân tộc - làm cách mạng, muốn giải phóng dân tộc chỉ có thể trông cậy vào chính mình, vào lực lượng của bản thân mình.
+ Trong nền độc lập đó, mọi người dân đều ấm no, tự do, hạnh phúc, nếu không độc lập chẳng có nghĩa gì. Nghĩa là độc lập dân tộc phải gắn liền với hạnh phúc, cơm no, áo ấm của nhân dân.
Suốt đời Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” 
  Người nói: “Chúng ta đã hy sinh, đã giành được độc lập, dân chỉ thấy giá trị của độc lập khi ăn đủ no, mặc đủ ấm”. Tư tưởng này thể hiện tính nhân văn cao cả và triệt để cách mạng của Hồ Chí Minh.
Tóm lại, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam, đồng thời là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
c) Chủ nghĩa dân tộc chân chính - một động lực lớn của đất nước
- Cùng với sự kết án chủ nghĩa thực dân và cổ vũ các dân tộc thuộc địa vùng dậy đấu tranh, Hồ Chí Minh khẳng định: Đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”[9]. Vì thế, “người ta sẽ không làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”[10]. Người kiến nghị về cương lĩnh hành động của QTCS là: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[11].
Sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa yêu nước chân chính của các dân tộc thuộc địa. Đó là sức mạnh chiến đấu và thắng lợi trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào.
Xuất phát từ sự phân tích quan hệ giai cấp trong xã hội thuộc địa, từ truyền thống dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính (có cơ sở nền tảng là CNQTVSTS, có nội dung cốt lõi là CNYNTTVN). Muốn cách mạng thành công thì người cộng sản phải biết nắm lấy và phát huy.





[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 3, trang 1.
[2] Hồ Chí Minh  toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 3, trang 555.
[3] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 3, trang 198.
[4] Võ Nguyên Giáp – Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, trang 196
[5] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 4, trang 4.
[6] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 3, trang 496.
[7] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 4, trang 480.
[8] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 12, trang 108.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 1, tr.466
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 1, tr.466
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 1, tr.466