Tìm Kiếm

Phân tích bài “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm

Phân tích bài “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm

Bài làm

Ngô Thì Nhậm là người có nhiều đóng góp cho phong trào Tây Sơn. Vào khoảng năm 1788-1789, Chiếu cầu hiền ra đời nhằm thuyết phục các sĩ phu Bắc Hà cộng tác với triều Tây Sơn. Đọc tác phẩm ta thấy được tấm lòng của vua Quang Trung trong chủ trương cầu hiền cũng như những đường lối chủ trương mà Quang Trung đã thực hiện.

Trước hết ta thấy được lí lẽ và tấm lòng của vua Quang Trung trong chủ trương cầu hiền. Tác giả đã đưa ra luận điểm về mối quan hệ giữa người hiền tài và thiên tử. Người hiền tài phải do thiên tử sử dụng. Không làm như vậy là trái đạo trời, trái với quy luật của cuộc sống. Người ta ví người hiền tài như sao sáng trên trời cao, là tinh hoa tinh tú của non sông trời đất. tác giả không chỉ dùng hình ảnh so sánh thiên tử là sao Bắc cực, người hiền là sao sáng mà hình ảnh đó được lấy từ Luận ngữ- kinh điển của Nho gia.

Tác giả đã phân tích tình hình thời thế trước đây để cho thấy vì thời thế mà kẻ sĩ phải long đong, ẩn tích mai danh, trốn tránh việc đời hoặc nhầm lẫn chọn đường xuất xử, gây nên tội lỗi hoặc sai lầm. Đó là sự thực lịch sử nhưng đáng quý ở chỗ nhà vua cho rằng đó là sự bất đắc dĩ, sự nông nổi nhầm lẫn. Nhà vua đã tỏ ra khoan thứ, thông cảm, chuyện cũ đáng buồn hãy cho qua.

 

Ngô Thì Nhậm còn nêu lên cách ứng xử của bậc hiền tài. Khi các bậc hiền tài còn đang phân vân lúng túng còn bảo thủ bằng lí lẽ mới thì nhà vua đưa ra những khó khăn, nhiệm vụ mới mẻ chồng chất và phức tạp của triều đình. Một mình nhà vua và triều đình hiện tại đã rất bận tâm và cố gắng nhưng cũng không thể làm hết, làm trọn công việc nhiều và lớn lao này.

Nhà vua tiếp tục nêu những lí lẽ cầu hiền ở đoạn văn sau. Theo quy luật cứ 10 nhà một ấp phải có người trung thành tín nghĩa- người hiền tài. Vậy trên dải đất ngàn năm văn hiến rộng lớn như Bắc Hà đây nhất định phải có bậc hiền tài. Đó là lẽ tất nhiên.

Qua những lí lẽ trên ta thấy được tấm lòng của nhà vua. Vì lợi ích chung của đất nước đòi hỏi sự góp sức của nhiều hiền tài, vua Quang Trung đã tỏ rõ sự khiêm tốn. Nhà vua tự khiêm tốn cho mình là ít đức. Hai câu hỏi cuối đoạn không chỉ thể hiện sự băn khoăn suy nghĩ của Quang Trung thể hiện sự mong mỏi thực sự tha thiết của nhà vua trông đợi các bậc hiền tài xứ Bắc mà còn nói lên sự chân thành và nêu rõ tình thế đã thay đổi, lịch sử đã sang trang, mong muốn sự cộng tác của bậc hiền tài. Tất cả những điều đó cho thấy trí tuệ và tấm lòng đại trí đại nhân của vua Quang Trung.

 

Tác phẩm còn nêu lên đường lối chủ trương cầu hiền của vua Quang Trung. Đó là không phân biệt quan, dân, ai có tài được phép tâu bày. Lời hay, mưu hay được dùng, khen thưởng. Lời không hợp không dùng có sơ suât không bắt tội, chỉ trích. Nhà vua khuyến khích tự tiến cử mà còn cho phép tự tiến cử. Nhà vua dùng mọi hình thức cốt sao có được nhiều người tài giỏi, cống hiến sức mình xây dựng và chấn hưng đất nước. Đường lối chủ trương của vua Quang Trung vừa cụ thể vừa dễ thực hiện. Nó thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua trong việc nhận thức về vai trò của người hiền tài trong công cuộc tái thiết đất nước. Điều đó cho thấy ông không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà quản lí tổ chức tài ba.

Đoạn kết là lời kêu gọi động viên giục giã kêu gọi mọi người hiền tài hành động. Nó mở ra một tương lai tốt đẹp cho đất nước, làm phấn chấn lòng người.

Với lập luận chặt chẽ, logic, các luận điểm thuyết phục khéo léo. Với cách sử dụng điển cố một cách linh hoạt, tinh tế bài chiếu đã chuyển tải được nội dung một cách hàm súc, cô đọng tạo ấn tượng trang trọng. Bài chiếu đã cho thấy vua Quang Trung không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà quản lí, tổ chức tài ba.