Phân tích bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu
Bài làm
Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao sáng trong nền văn học dân tộc. Sự nghiệp sáng tác của ông gồm 2 giai đoạn. “Chạy giặc” là một trong những bài thơ tiêu biểu thuộc chặng sáng tác thứ 2 của ông. Chưa có một tài liệu cụ thể nào ghi chính xác hoàn cảnh ra đời bài thơ. Từ nhiều nguồn khác nhau, người ta đều cho rằng bài thơ được sáng tác sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp tấn công ngày 17-2-1859.
Ở 6 câu thơ đầu bài thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa bức tranh đất nước và nhân dân dưới suự xâm lược của thực dân Pháp:
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ ngơ ngác chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.”
Hình ảnh chợ luôn xuất hiện nhiều trong thơ văn Việt Nam. Đó có thể là hình ảnh phiên chợ. Đó có thể là hình ảnh phiên chợ lúc đang tấp nập người mua bán:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ”
Đó cũng có thể là cảnh chợ chiều đã vãn, vắng lặng, tĩnh mịch:
“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Trong bài thơ này, Nguyễn Đình Chiểu đã lựa chọn hình ảnh chợ là hình ảnh mở đầu cho bài thơ. Nhưng đây không phải là phiên chợ lúc đang đông vui, nhộn nhịp mà là “tan chợ”. Từ “tan” chỉ sự vỡ nát hoang tàn, nó như ngầm báo trước hậu quả của cuộc xâm lược do thực dân Pháp gây nên. Đi liền với hình ảnh “tan chợ” là hình ảnh “tiếng súng Tây”. Đây là tiếng súng mở đầu cho chuỗi ngày khổ đau của con người Việt Nam. Thực dân Pháp với vũ khí tối tân và dã tâm biến Việt Nam thành thuộc địa đã gây ra những hậu quả to lớn. Tình hình đất nước lúc bấy giờ vô cùng nguy nan. Nguyễn Đình Chiểu đã có một liên tưởng vô cùng độc đáo. Ông liên tưởng vận mệnh đất nước cũng giống như một bàn cờ thế. Bàn cờ thế là một ván cờ hiểm hóc chỉ cần đi sai một nước cờ sẽ dẫn đến tất bại. Để giải được nước cờ ấy cần phải suy tính rất kĩ càng.
Nước nhà đang phải chịu xiềng xích thực dân vì thế mỗi con người đều phải gánh chịu những nỗi đau. Tác giả đã tái hiện nỗi đau ấy bằng những câu thơ tả thực đặc sắc:
“Bỏ nhà lũ trẻ ngơ ngác chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
“Nhà, ổ” là nơi cư trú, nương náu phát triển của con người, loài vật vậy mà chiến tranh đã cướp đi tất cả. Chiến tranh không từ bỏ bất kì ai kể cả những đứa trẻ hiền lành nhất, ngây thơ nhát; những loài vật nhỏ bé, yếu ớt cũng phải chung nỗi đau chiến tranh này. Từ “lơ xơ”, ”dáo dác” đã diễn tả rất chính xác sự hốt hoảng, tan tác, nỗi hoang mang, mất phương hướng của con người, loài vật. Hai hình ảnh tạo thành một cặp đối xứng để diễn tả một hiện thực đau thương.
“ Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.”
Bến Nghé, Đồng Nai vốn là những địa danh quen thuộc mà ai cũng biết. Hai câu thơ tạo thành một cặp đối để diễn tả: khắp nơi từ mặt đất (nước) đến bầu trời (mây) đều có dấu hiệu của sự tàn phá, hủy diệt. Sự tàn phá ấy dường như bao trùm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Nhấn mạnh hiện thực ấy, tác giả như khẳng định nỗi đau mà mỗi người đang ngày phải gánh chịu để từ đó kêu gọi, khơi dạy lòng yêu nước.
Trước hiện thực đất nước đen tối Nguyễn Đình Chiểu đã đặt ra câu hỏi:
“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”.
“Trang” vốn là một từ cổ vốn dùng để chỉ những người đáng kính trọng. Với tác giả, những người dám đứng ra giải cứu nhân dân, đất nước đều xứng đáng là những đấng, bậc cao quý. Từ “nỡ” và “mắc nạn” cho thấy sự lo lắng và xót xa của tác giả trước cảnh tượng đáng thương của người dân. Vậy đến bao giờ đất nước mới được yên bình? Đến bao giờ con người mới không phải chịu những thương tổn của chiến tranh? Câu hỏi ẩn dấu nỗi niềm chua xót!
Bằng cách sử dụng từ ngữ đại chúng, giản dị mà trong sáng, Nguyến Đình Chiểu đã tái hiện thành công bức tranh về những đau thương mất mát của con người và đất nước Việt Nam. Miêu tả một cảnh tượng, một miền quê bị chiến tranh tàn phá với cảm xúc dâng trào, tác giả đã khiến cho người đọc vừa đồng cảm chia sẻ, xót xa cho đất nước, quê hương và những con người vô tội; vừa căm hờn bè lũ cướp nước và bán nước.