Tìm Kiếm

Nghị luận xã hội :ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống

Nghị luận xã hội:ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống

Hướng dẫn

Mục Lục

  • 1 Nghị luận xã hội:ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống
    • 1.1 Đề bài Nghị luận xã hội:
    • 1.2 Hướng dẫn cách làm:
      • 1.2.1 Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu câu nói:
      • 1.2.2 Thân bài:
      • 1.2.3 Kết bài:Khẳng định ý nghĩa câu nói
      • 1.2.4 Bài văn nghị luận xã hội mẫu, tham khảo

Nghị luận xã hội:ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống

Đề bài Nghị luận xã hội:

Viết bài văn Nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu nói:” Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”

Hướng dẫn cách làm:

Dàn ý 1:

Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu câu nói:

+Mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai cả.Đức Phật nói: “Sướng khổ tại tâm”. Không quan trọng rằng bộ quần áo bạn đang mặc xấu hay đẹp, không quan trọng rằng bạn giàu hay nghèo, điều quan trọng là tâm bạn đang nghĩ gì, và bạn chọn cách sống như thế nào. Hạnh phúc hay đau khổ đều do quan niệm và cách sống của mỗi người mang lại.

+Trích dẫn câu nói:Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”

Thân bài:

Bước 1: Giải thích ý kiến

Cần giải thích những từ khoá trọng tâm, sau đó giải thích ý cả câu

– Nơi mình sinh ra (quê quán, gia đình, điều kiện, hoàn cảnh, ) là điều không thể chọn lựa.

– Cách mình sẽ sống (cách học tập, cách đối nhân xử thế, cách vươn lên trong cuộc sống, cách thực hiện ước mơ,…) là điều có thể chọn lựa.

Ý nghĩa của câu nói trên: Trong cuộc sống có những điều có thể chọn lựa và những điều không thể chọn lựa, chúng ta có thể thay đổi cách sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình

Bước 2: Phân tích, bình luận, chứng minh ý nghĩa câu nói

Bạn không được chọn nơi mình sinh ra: Mỗi người ngay từ khi sinh ra đã thuộc về một ngôi nhà, một quê hương, xứ sở. Gia đình ấy, quê hương ấy, sướng khổ, giàu nghèo, sang hèn, là cái có sẵn, ta không lựa chọn được.

* Nhưng bạn được chọn cách mình sẽ sống:

Người khác có thể định hướng cách sống cho bạn nhưng không thể thay bạn nhận những điều mà cách sống đó mang lại.

– Cách thứ nhất:

+ Tự tin, không mặc cảm, tự hào về gia đình, quê hương dù ở trong hoàn cảnh nào.

+ Vượt khó, vươn lên, khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, biến ước mơ thành hiện thực.

+ Đối xử chân thành, cởi mở, biết sẻ chia, giúp đỡ mọi người xung quanh.

+ Biết cống hiến và hưởng thụ cuộc sống.

->>Cách sống tích cực, lạc quan, có ích cho xã hội, sẽ gặt hái được thành công, hạnh phúc và được mọi người yêu quý, trân trọng.

– Cách thứ hai:

+ Luôn tự ti, mặc cảm, thậm chí phủ nhận, rũ bỏ nguồn cội của mình.

+ Đổ lỗi cho hoàn cảnh, không chịu vươn lên.

+ Cư xử với mọi người: hẹp hòi, ích kỉ, bon chen, đố kị,

->>>Cách sống tiêu cực, không những không đạt được thành công, hạnh phúc mà còn có thể làm ảnh hưởng đến người khác.

* Nêu lựa chọn cách sống của bản thân: Cách thứ nhất, lí giải

Dẫn chứng:Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Tên tuổi ông từ lâu đã đi vào văn học và lịch sử Việt Nam, như tấm gương sáng về nghị lực phi thường đương đầu với số phận, không cam lòng với tật nguyền của chính mình. Năm 4 tuổi, ông gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. 7 tuổi, ông quyết tâm đến trường, cắn răng chịu đau luyện tập dùng chân để viết.Nhìn lại 67 năm qua ta có thể tưởng tượng quá trình gian nan vất vả mà Nguyễn Ngọc Ký đã trải qua. Nhưng với con người huyền thoại ấy, ta thấy nghị lực và niềm tin không bao giờ cạn.

3. Bài học nhận thức và hành động:

– Mỗi người nên tự làm chủ cuộc đời mình, đừng để người khác quyết định thay việc mình sẽ sống như thế nào.

-Cần lựa chọn lối sống đẹp: Dù gặp khó khăn, bạn vẫn phải mạnh mẽ. Vì khi mạnh mẽ thì người khác mới dễ dàng giúp được bạn. Còn bạn yếu đuối thì dù người khác có giúp thì bạn cũng khó vượt qua khó khăn lắm. Mình ở hoàn cảnh nào thì phải theo hoàn cảnh đó, biết chấp nhận hoàn cảnh, sống đúng với hoàn cảnh của mình, thích nghi với mọi hoàn cảnh bạn sẽ hạnh phúc.

-Sống lạc quan, hướng tới những điều tốt đẹp

 

Kết bài:Khẳng định ý nghĩa câu nói

Dàn ý 2:

1. giải thích

– Nơi mình sinh ra: là quê hương, gia đình, là cha mẹ.

– cách mình sống: cách đối nhân xử thế, cách ứng phó và thích ứng với mọi hoàn cảnh mà cuộc sống đem lại.

=> Luận đề: có những điều con người không được phép lựa chọn nhưng chúng ta có thể thay đổi cách lựa chọn sao cho phù hợp với cách sống của chính mình.

2. Phân tích, bình luận.

– Con người không được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra:

+ Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng: người được sống trong vương giả sung sướng, giàu sang, người thì sinh ra trong nghèo đói, đau khổ và bệnh tật…

+ Tất cả mọi con người trong cuộc sống ai cũng muốn được hưởng sự sung sướng, hạnh phúc mà không phải chịu bất cứ sự bất hạnh nào đến với mình.Đó là ước mơ và khát vọng muôn thuở và chính đáng. Ấy thế nhưng tất cả con người không ai được lựa chọn nơi mình sinh ra và tất nhiên cũng chẳng ai được quyền quyết định mình sẽ được ra đời trong một gia đình, xã hội tốt đẹp.

– Tuy nhiên, con người trong mỗi cuộc đời có quyền được lựa chọn cho mình một cách thể sống. Hoặc là đầu hàng, chấp nhận trước hoàn cảnh của bản thân và trở thành nạn nhân bất lực trước hoàn cảnh. Hoặc là trở nên tự tin mạnh mẽ, dũng cảm đấu tranh mà vươn lên chiến thắng số phận hoàn cảnh, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.Đó là cách sống tùy thuộc vào bản thân mỗi người.

+ Giống như một câu nói: số phận nằm trên đường chỉ tay nhưng đường chỉ tay lại nằm trong lòng bàn tay mỗi con người. Vì thế cái quan trọng là con người trong cuộc đời cần xác lập cho mình cách sống ra sao mà thôi. Đừng để bản thân trở nên nhu nhược, đầu hàng số phận. Hãy sống sao cho đến khi nhắm mắt xuôi tay mình đã trở thành một bông hoa thơm ngát dành tặng cho đời.

– dẫn chứng: thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký…chàng trai trẻ Nicjic Vujic…

– Bài học nhân thức và hành động: cần biết vươn lên trong cuộc sống và trở thành người có ích, làm sao mỗi phút giây trôi đi không phải là những giây phút sống hoài, sống phí.

3.Kết bài

– khẳng định lại giá trị bài học câu nói.

– Kêu gọi mọi người hành động.

 

Bài văn nghị luận xã hội mẫu, tham khảo

Mỗi con người đều có một nhật kí riêng cho đời mình, từ khi sinh ra cho đến khi hóa vào cát bụi. Có người may mắn nhưng cũng có người bất hạnh, may mắn hay bất hạnh đôi khi do bạn nghĩ. Bởi vì bạn không được chọn nơi bạn sinh ra nhưng được chọn cách mình sống như thế nào. Chính cách sống của bạn mới đem lại may mắn hay bất hạnh cho chính bạn. Nơi mình sinh ra không có nghĩa là nơi mình sẽ chết đi. Vì thế chúng ta hãy sống đẹp, sống đúng với chính mình.

Chúng ta ắt hẳn ai cũng có một gia đình, chính gia đình là nơi mình sinh ra. Có gia đình tràn đầy hạnh phúc, tiếng cười, nhưng cũng có gia đình lạnh giá, thậm chí cuộc sống như địa ngục. Có gia đình nghèo hèn suốt đời lam lũ, nhưng cũng có gia đình giàu sang, khi sinh ra bạn đã sống trong nhung lụa. Có gia đình bé nhỏ, thiếu tình thương, bạn sinh ra đã nhận thức được sự đói nghèo và bất hạnh. Dù cho trong gia đình nào thì nơi ấy cũng ảnh hưởng không ít đến bạn, có thể giúp bạn sống tốt hơn nhưng cũng có thể dìm chết bạn. Thế nhưng bạn có quyền chọn “ cách mình sẽ sống”, đó là cách bạn vượt lên hoàn cảnh, thích nghi với cuộc sống. Chính cách sống quy định con người bạn, làm thay đổi hoàn cảnh của bạn. Bạn không được chọn nơi mình sinh ra nhưng bạn được chọn cách mình sẽ sống.

Mối người có một cảnh ngộ riêng, đó là điều không thể lựa chọn tùy ý, hay chê trách, hay bác bỏ. Nơi mình sinh ra dù là nông thôn nghèo hay đô thị phù hoa thì nơi ấy chỉ gắn bó với một phần đời của bạn. Bạn không có quyền lựa chọn bởi đơn giản bạn bất lực. Tất nhiên sinh ra trong một gia đình giàu sang, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi ra ra trong một gia đình nông dân nghèo. Khi lớn lên đôi khi mình sẽ ước rằng được sinh ra trong một gia đình khá giả hơn thế nhưng nào có được đâu. Bạn cần phải nhận ra điều đó và vứt bỏ những ham muốn viễn vong. Được sinh ra trong một gia đình nhà giáo ưu tú, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng may mắn tiếp nhận những kiến thức từ gia đình. Hay con của những nhà tài phiệt thì suốt cuộc đời của họ giàu sang, phú quý. Thế nhưng chúng ta đừng vội đố kị, đừng thèm muốn hay suýt xoa. Nếu giáo sư Ngô Bảo Châu không cố gắng, không học hỏi hết mình thì cũng như bao người khác, không bao giờ chạm tới giải thưởng field danh giá. Nếu như con của Bill Gate không làm việc quần quật mà phá gia chi tử như bao quý tử khác thì dù có giàu nức đố đổ vách đến cuối đời vẫn đói trơ xương. Điển hình như người được mệnh danh là công tử Bạc Liêu, cậu cả Huy của Bá Hệ Trạch, giàu đến khinh người thế nhưng chàng công tử này lại sống một đời xa xỉ, buông thả, tiêu tốn hơn tám ngàn tấn vàng để rồi cuối đời phải kiếm sống chật vật bằng nghề xe ôm. Chúng ta thấy đấy, dù sinh ra trong hoàn cảnh nào nhưng cách mình sẽ sống là tùy chúng ta chọn.

Nếu bạn chọn được cách sống tốt bạn sẽ thành công hơn mong đợi. Nếu sinh ra trong gia đình nghèo hèn, vùng quê lam lũ khiến bạn luôn nuôi ý chí thoát nghèo, thoát cảnh đói, thoát khỏi cuộc sống tối tăm thì sớm muộn gì một ngày không xa bạn sẽ chớp lấy cơ hội và trở nên giàu có. Chính cái nghèo đã thúc đẩy bạn trở nên giàu có vì thế không phải mình sinh ra nghèo hèn, bất lợi thì luôn đẩy bạn đến bên vực thẳm. Chính bạn sẽ thay đổi hoàn cảnh của chính mình. Công ty điện tử Sam Sung trước khi vững mạnh thì chỉ là một tiệm bán cá khô. Đấy, chính hoàn cảnh đã thúc đẩy họ lớn mạnh, chính hoàn cảnh đã thúc đẩy bao người vươn lên trong cuộc sống. Giá như bạn sống trong cảnh phú quý, xa hoa, thế nào bạn cũng có suy nghĩ cần gì phải lao động nữa, đó là suy nghĩ cực kì sai lầm. Nếu chọn cách sống ấy thế nào bạn cũng tán gia bại sản. Một số người, một số quốc gia giàu có, sắn sàng chi tiền cho những sự kiện xa xỉ để cuối cùng nợ ngập đầu, điển hình như Hy Lạp. Thế đấy chúng ta cần chọn cho mình cách sống phù hợp để lấy cảnh ngộ mình làm điểm bắt đầu và tiến lên.

Chúng ta cần vượt lên cảnh ngộ của mình, dù nghèo hèn hay giàu sang, chúng ta cần vứt bỏ suy nghĩ cố hữu về cảnh ngộ của gia đình mình. Cảnh ngộ ấy không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta. Hãy bắt đầu và tiếp tục lập kế hoạch thoát khỏi cảnh ngộ, phải sống là chính mình. Bạn sống sao, bạn hưởng vậy, ai sống hay hưởng nhờ cho bạn. Hãy vượt lên nghịch cảnh, quẳng gánh lo đi và vui sống.

Chúng ta cần biết rằng: “ Bạn không được chọn nơi mình sinh ra nhưng bạn được chọn cách mình sẽ sống”. Vì thế hãy sống cho chính bạn. Chính cách sống bạn chọn sẽ thay đổi cảnh ngộ của chính mình.
Bộ đề Nghị luận xã hội hay