Đề thi thử THPTQG năm 2018 Môn Ngữ Văn – Đề 05 (Có lời giải)
Hướng dẫn
Mục Lục
- 1 ĐỀ BÀI
- 2 GỢI Ý LÀM BÀI
ĐỀ BÀI
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Mười hai câu
(Hữu Thỉnh)
Nguyễn Du viết Kiều hơn hai trăm năm
Gió vẫn lạnh trên vai người phận bạc
Chèo Quan Âm trẻ già đều thuộc
Nỗi oan khuất ở đời nào đã chịu vơi đâu
Lép Tôn-xtôi viết “Chiến tranh và hòa bình”
Với hi vọng đó là cuộc chiến tranh cuối cùng trên trái đất
Mùa đậu xuống mộ Ông với màu cây thành thực
Có ai ngờ lại thấy máu nhiều thêm
Tôi đã gặp những dòng sông hùng dũng đẩy băng đi
Nhưng rút cuộc cầm tù trong rét buốt
Nho biết vậy buông những chùm quả ngọt
Đến tay người gấp gáp trước mùa Đông
2 – 1988
(Theo Chuyên mục nhà văn – tác phẩm: Nhà thơ Hữu Thỉnh, vanvn.net, ngày 15/8/2016)
Câu 1. Chỉ ra tên các sáng tác văn học được nhắc đến trong hai khổ thơ đầu.
Câu 2. Theo anh/chị, vì sao tác giả lại đặt nhan đề bài thơ là “Mười hai câu”?
Câu 3. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép đối được sử dụng trong bài thơ.
Câu 4. Thông điệp anh/chị nhận được từ bài thơ là gì?
II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ hai câu thơ in đậm trong bài thơ thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), vận dụng kết hợp các thao tác lập luận so sánh, trình bày suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của khả năng thích nghi trước nghịch cảnh.
Câu 2. Phân tích hình tượng nhân vật Tràng (Vợ nhặt – Kim Lân) trong buổi sáng ngày hôm sau. Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với hình tượng Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) trong buổi sáng tỉnh rượu để thấy được tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của các nhà văn.
GỢI Ý LÀM BÀI
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Tên các sáng tác văn học được nhắc đến trong hai khổ thơ đầu: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Quan Âm Thị Kính (chèo dân gian), Chiến tranh và hòa bình (L. Tôn-xtôi).
Câu 2
Nhan đề “Mười hai câu” như là một sự giới hạn cho số dòng thơ trong bài (mười hai dòng thơ).
Câu 3
– Phép đối (đối ý) được sử dụng triệt để trong bài thơ: Nguyễn Du viết Truyện Kiều (hơn hai trăm năm) thấm đượm tinh thần nhân đạo mà (đến bây giờ) vẫn còn rất nhiều những kiếp đời nhỏ bé cay cực; nỗi oan của Thị Kính (trong chèo Quan Âm Thị Kính) cuối cùng đã được giải tỏ mà trong đời thực vẫn đầy rẫy những oan khuất trớ trêu; khát vọng hòa bình vĩnh cửu (trong Chiến tranh và hòa bình) đến nay vẫn chưa thành hiện thực trong cuộc đời; mùa xuân, những dòng sông chảy trôi đẩy những tảng băng vỡ ra biển khơi nhưng trước đó, suốt mùa đông, nước sông đã bị cầm tù giá lạnh dưới lớp băng dày đặc…
– Hiệu quả nghệ thuật: Nhà thơ muốn bày tỏ nỗi cảm khái trước sự hiện hữu, hằng tồn của những bất công, éo le, ngang trái, những nghịch lí, những nỗi đau… trong cuộc sống con người.
Câu 4
Thông điệp của bài thơ: Cuộc đời thực luôn ngổn ngang tồn tại những bi kịch đau đớn, con người phải đối mặt với rất nhiều nghịch lí. Song, cách tốt nhất để vượt qua những nghịch lí và bi kịch ấy là bình thản đối diện và dâng hiến những điều tốt đẹp cho cuộc đời.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Trên cơ sở những hiểu biết về bài thơ thuộc phần Đọc hiểu, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cần nghị luận (tầm quan trọng của khả năng thích nghi trước nghịch cảnh) theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Thí sinh có thể viết đoạn văn (khoảng 200 chữ, tương đương 2/3 trang giấy thi), trong đó vận dụng thao tác lập luận so sánh, theo hướng:
– Giải thích ngắn gọn ý nghĩa hai câu thơ thông qua việc giải thích ý nghĩa các từ ngữ: mùa đông (nghịch cảnh), nho biết vậy (nhận thức về nghịch cảnh trong cuộc đời), buông những chùm quả ngọt, đến tay người gấp gáp trước mùa đông (dâng hiến những điều ngọt lành, tươi tốt cho cuộc đời).
– Tầm quan trọng của khả năng thích nghi trước nghịch cảnh: Cuộc sống luôn tiềm chứa những điều bất trắc, éo le, ngang trái… Có những nghịch cảnh con người có thể vượt qua nhưng cũng có những nghịch cảnh chúng ta buộc phải đương đầu và chịu đựng những tổn thất. Điều quan trọng là phải đoán biết được chúng để có những kế hoạch đối phó, khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp, để giảm thiểu tối đa thiệt hại…
Câu 2
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt, thí sinh có thể cảm nhận về hình tượng nhân vật Tràng trong buổi sáng ngày hôm sau theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
– Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn về cuộc sống nông thôn và người nông dân.
– Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân.
– Một trong các nhân vật chính của truyện ngắn là anh cu Tràng. Truyện khắc hoạ đậm nét diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng, đặc biệt trong buổi sáng ngày hôm sau.
* Sơ lược về tình huống truyện và diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong buổi chiều hôm trước
* Cảm nhận về hình tượng nhân vật Tràng trong buổi sáng ngày hôm sau
– Tràng thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”, việc có vợ đối với hắn vẫn hết sức bất ngờ.
– Tràng nhận ra xung quanh mình “có cái gì vừa thay đổi mới lạ”: “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đĩa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc cây ổi đã kín nước đầy ăm ắp”, bà cụ Tứ lúi húi giẫy cỏ, nàng dâu quét tước, nấu nướng. Tất cả những cảnh tượng đó thật bình thường nhưng đủ làm cho hắn cảm động vì chưa bao giờ Tràng được trải qua niềm hạnh phúc giản dị như thế.
– Tràng thấy cuộc đời mình bỗng nhiên thay đổi hẳn, hắn thấy mình trưởng thành (“nên người”) và cần có trách nhiệm với gia đình của mình: “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Bởi vì Tràng đã có một gia đình, và trong cái buổi sáng đầu tiên ấy, hắn đã được tắm mình trong không khí ấm áp, hạnh phúc của tổ ấm gia đình.
– Chi tiết Tràng tiếc rẻ vì bữa trước đã kéo thóc về khi thóc nhật và hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” trong đầu Tràng mở ra một sự thay đổi trong nhận thức, hứa hẹn sự thay đổi trong hành động của nhân vật ở tương lai. Biết đâu, chính Tràng sẽ là một trong số những người đi phá kho thóc Nhật đó.
Diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng được nhà văn tập trung khắc họa thông qua những chi tiết về cử chỉ, hành động, lời nói và dòng suy nghĩ (bộc lộ qua những lời văn nửa trực tiếp). Tràng hiện lên là một gã trai quê ngờ nghệch nhưng tốt bụng, giàu tình yêu thương và có khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống mãnh liệt.
Với hình tượng anh cu Tràng, Kim Lân đã thể hiện rõ sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, trân trọng và niềm tin tưởng hi vọng dành cho nhân vật.
* Liên hệ với hình tượng Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) trong buổi sáng tỉnh rượu để thấy được tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của các nhà văn
– Nhân vật Chí Phèo trong buổi sáng tỉnh rượu được Nam Cao khắc họa rất thành công chuỗi diễn biến tâm lí: cảm nhận cuộc sống đời thường, nhớ lại quá khứ xa xôi, thấm thía cuộc sống hiện tại, lo lắng cho tương lai cô độc, buồn; khi được thị Nở cho ăn cháo hành thì ngạc nhiên, cảm động, ăn năn hối hận, tủi thân khi lần đầu tiên được cho bởi một người đàn bà, vui, khao khát được trở lại cuộc đời lương thiện, hi vọng, tin tưởng được trở lại cuộc đời lương thiện.
– Cả Nam Cao và Kim Lân đều rất quan tâm đến đời sống tâm hồn của những người lao động nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Hai nhà văn đều mô tả chi tiết, chân thực, sinh động diễn biến tâm trạng của mỗi nhân vật ở thời điểm buổi sáng – gắn liền với sự thức tỉnh/ đổi thay của mỗi nhân vật – thông qua cảm xúc và dòng ý nghĩ. Có khi các nhà văn khách quan kể lại diễn biến đó nhưng cũng có khi Nam Cao và Kim Lân nhập thân vào nhân vật, trần thuật lại diễn biến tâm trạng thông qua lời văn nửa trực tiếp.
Tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của mỗi nhà văn không chỉ giúp cho các nhân vật nổi hình nổi sắc mà còn giúp các nhà văn thể hiện sâu sắc tình cảm nhân đạo của mình.