I. Về thể loại
Cũng như Một thứ quà
của lúa non: Cốm, văn bản Sài Gòn tôi
yêu được viết theo thể tuỳ bút, có khác là Thạch Lam thì thể hiện xúc cảm về
một sản vật giản dị, độc đáo mà giàu hương vị của đất nước còn Minh Hương lại
miêu tả những nét riêng tạo nên phong cách và vẻ đẹp của một thành phố.
II. Kiến thức cơ bản
1. Bài tuỳ bút này thể hiện
tình cảm yêu mến của tác giả về Sài Gòn trên các phương diện: thiên nhiên, khí
hậu, thời tiết, cuộc sống, sinh hoạt của thành phố, cư dân và phong cách của
con người Sài Gòn.
Bài văn gồm ba đoạn:
+ Đoạn1: Từ đầu đến “tông
chi họ hàng”: ấn tượng chung và tình yêu của tác giả với Sài Gòn.
+ Đoạn 2: tiếp theo đến
“leo lên hơn năm triệu”: Những cảm nhận và những lời bình luận của tác giả về
phong cách con người Sài Gòn.
+ Đoạn 3: Phần còn lại: Khẳng
định một lần nữa tình yêu của tác giả với thành phố ấy.
2. a) Sự cảm nhận tinh tế
của tác giả về thiên nhiên, khí hậu đặc biệt của Sài Gòn:
- Tác giả miêu tả Sài Gòn
qua nhiều hiện tượng thời tiết với những nét riêng (nắng sớm, gió lộng buổi chiều,
cơn mưa nhiệt đới ào ào và mau dứt).
- Cảm nhận về sự đổi thay
nhanh chóng, đột ngộ của thời tiết (trời đang ui ui buồn bã bỗng nhiên trong vắt
lại như thuỷ tinh).
- Cảm nhận về không khí,
nhịp điệu cuộc sống đa dạng của thành phố trong nhiều thời khắc khác nhau (đêm
khuya, những giờ cao điểm, buổi sáng tinh sương).
b) Ngay ở phần này, chúng
ta cũng có thể nhận thấy tình yêu nồng nhiệt thiết tha của tác giả đối với thành
phố của mình. Nhờ tình yêu ấy mà tác giả đã cảm nhận được nhiều vẻ đẹp và nét
riêng của thành phố. Thậm chí ngay cả những “trái chứng giở trời” của thời tiết
trong tâm trí tác giả cũng trở nên thành những cái đáng nhớ, đáng yêu. Để nhấn
mạnh tình cảm của mình và thể hiện sự phong phú, độc đáo của thiên nhiên, khí hậu
Sài Gòn, trong đoạn văn này, tác giả đã sử dụng rất thành công thủ pháp điệp từ
và điệp cấu trúc câu.
3. Trong phần thứ hai của
bài tuỳ bút, tác giả đã tập trung nói về con người Sài Gòn với những nét nổi bật
về dân cư, phong cách:
Nhận xét về dân cư Sài Gòn,
tác giả khẳng định: đây là nơi hội tụ của con người ở khắp bốn phương nhưng đã
hoà hợp, không còn phân biệt nguồn gốc mà chỉ còn là những người con của Sài Gòn.
Nét phong cách nổi bật của
con người Sài Gòn được tác giả khái quát là tự nhiên, chân thành, cởi mở, mạnh
bạo, mà vẫn ý nhị. Tác giả đã chứng minh những nhận xét ấy bằng thực tế hiểu biết
về con người Sài Gòn của mình qua gần năm mươi năm. Những tính cách ấy được biểu
hiện trong đời sống hàng ngày và trong những hoàn cảnh thử thách của lịch sử. Vẻ
đẹp của con người Sài Gòn được minh hoạ qua hình ảnh của các cô gái Sài Gòn với
trang phục khoẻ khoắn, cử chỉ, dáng điệu vừa yểu điệu, ngây thơ vừa nhiệt tình,
tươi tắn.
4. Qua bài văn, ta hiểu thêm
nhiều phương diện về Sài Gòn, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá ở phương
Nam của Tổ quốc. Đó là thành phố không chỉ lớn về diện tích, dân cư mà còn rất độc
đáo về thời tiết, khí hậu, đặc biệt là về con người.
iII. rèn luyện kĩ năng
1. Cách đọc
Bài văn được viết khá linh hoạt, đan xen những câu ngắn,
câu dài, có khi sử dụng kết cấu trùng điệp: "Tôi yêu trong nắng sớm...",
"Tôi yêu thời tiết trái chứng...", "Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt
tiếng ồn"... Muốn đọc lưu loát phải biết giữ giọng, giữ hơi, phải tập đọc
nhiều lần để nắm được mạch văn, mạch cảm xúc của tác giả.
2. Sưu tầm những bài viết về vẻ đẹp và những nét
đặc sắc của quê hương em trên các phương tiện báo chí, các tác phẩm văn học, địa
lí,…
3. Đây là một đoạn văn biểu cảm. Hãy định hướng
trước về cảm xúc và đối tượng (một nét đẹp nào đó của quê hương: một nghề truyền
thống, một di tích, một danh lam, một cánh đồng,…), sau đó thiết lập một đoạn văn
biểu cảm như vẫn thường làm.