Tìm Kiếm

Ý nghĩa hình ảnh con đường mòn trong truyện Thuốc của Lỗ Tấn

Ý nghĩa hình ảnh con đường mòn trong truyện Thuốc của Lỗ Tấn

Bài làm

Thuốc là truyện ngắn hiện thực đặc sắc của nhà văn Lỗ Tấn, tác phẩm thể hiện nỗi đau của cả Trung Quốc trong xã hội đương thời khi đứng trước thực trạng cả dân tộc Trung Quốc khi “ngủ say trong cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thù “bôn ba trong chốn quạnh hiu”. Tư tưởng chủ đề của “Thuốc” được thể hiện bằng một loạt chi tiết đắt giá, đó là những chi tiêu biểu như chiếc bánh bao tẩm máu, hình ảnh vòng hoa mà còn được truyền tải thông qua những chi tiết thoáng qua nhưng lại thể hiện ý nghĩa sâu sắc như hình ảnh con đường mòn xuất hiện gần cuối tác phẩm.

Bối cảnh của tác phẩm Thuốc là xã hội tăm tối, ngột ngạt dưới ách thống trị của triều đình Mãn Thanh trước khi nổ ra phong trào cách mạng Ngũ Tứ – sự kiện mở đầu cho lịch sử Trung Quốc hiện đại. Sự xâm chiếm và can thiệp thô bạo của một số đế quốc như Anh, Pháp, Mĩ, Nhật đã biến Trung Quốc thành một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Thời vàng son của các triều đại vua chúa đã ở vào dĩ vãng. Thay vào đó là một xã hội đình trệ, suy thoái mà theo nhận định của Lỗ Tấn: So với tiến bộ thì đình trệ cũng gần với con đường diệt vong rồi.

 

y nghia hinh anh con duong mon trong truyen thuoc cua lo tan - Ý nghĩa hình ảnh con đường mòn trong truyện Thuốc của Lỗ Tấn

Phần cuối của tác phẩm là hình ảnh hai bà mẹ đi thăm mộ con. Họ đều có điểm chung là có con bị chết trẻ, họ cùng đến nghĩa địa để viếng con. Những người con của họ đều được chôn tại miếng đất dọc chân thành phía Tây vốn là đất công. Điều khác biệt là những đứa con ấy được chôn ở hai phía của nghĩa địa được ngăn cách bằng “con đường mòn, nhỏ hẹp, cong queo” do “những người hay đi tắt giẫm mãi mà thành”. Con đường tạo ra bởi thói quen, bởi thành kiến ngự trị lâu ngày, thói quen ăn sâu thành nếp nghĩ trong đầu óc mọi người, bởi thế con đường này không chỉ để đi mà con đường này còn là con đường của thành kiến, được tạo ra bằng sự u mê, dẫn tới sự đối xử không bình thường, thành sự ngăn cách tự nhiên, bất khả kháng của những con người trong xã hội ấy.

Đứa con của bà Hoa được chôn ở “phía tay phải” nơi dành cho “những người nghèo”, còn đứa con của bà Hạ thì chôn ở phía tay trái, nơi dành cho “những người chết chém hoặc chết tù”. Con đường trở thành ranh giới ước định giữa “dân” và “giặc”. Điểm nổi bật lên từ nghĩa địa này là cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ mà từ đó toát lên ý nghĩa biểu trưng là các nhà giàu, tức tầng lớp thống trị trong xã hội Trung Hoa thời đó, tồn tại trên sự hi sinh xương máu của “dân” và của “giặc”, “dân” bị bóc lột, bị bần cùng hóa mà chết dần chết mòn trong đói khổ, còn nếu chống đối thì bị qui là “giặc” và tất yếu là phải chết. Cả hai loại chết đều cùng vì khổ đau, vì bị áp bức nhưng lại bị phân biệt đối xử rõ ràng qua hai nửa của nghĩa địa được ngăn cách bằng con đường của thành kiến mê muội ấy. Điều đó thể hiện qua hình ảnh “bà kia ngập ngừng không dám bước tới nữa, sắc mặt xanh xao bỗng đỏ lên vì xấu hổ”, bởi lẽ phần mộ của con bà nằm bên phía dành cho người “chết tù hoặc chết chém” tuy “nấm mộ” của con bà “với nấm mộ của thằng Thuyên nằm cùng một hàng, chỉ cách con đường mòn ở giữa”.

 

Có thể thấy người dân Trung Quốc lúc bấy giờ rất lạc hậu, u mê với những tư tưởng kì quái, trong nhận thức hạn hẹp của họ, những người làm cách mạng đồng nghĩa với giặc, những người đáng bị lên án, trừng phạt. Do vậy, hình ảnh con đường mòn xuất hiện gần cuối tác phẩm như sự ám ảnh ghê gớm về sự u mê, tăm tối của người dân Trung Quốc đương thời, thái độ và hành động của những người dân ấy điển hình cho nước Trung Hoa thời trung cổ.

Dưới ngòi bút của Lỗ Tấn, hình ảnh con đường mòn hiện lên như là một biểu hiện của tình trạng u mê, lạc hậu của người dân Trung Quốc thời kì trước cách mạng. Qua đó hứa hẹn một tương lai tốt đẹp ở phía trước.