Tìm Kiếm

Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện những ngày tháng gian khổ

Đề bài: Trong bài thơ “ Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện những ngày tháng gian khổ:

“Mình đi có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù

….

Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”.

Và tái hiện những chiến thắng lịch sử hào hùng của quân dân Việt Bắc:

“Những đường Việt Bắc của ta

… Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”

Anh/chị hãy phân tích bức tranh Việt Bắc qua hai đoạn thơ, từ đó làm nổi bật sự vận động của cảm xúc trong thơ Tố Hữu.

Bài làm

Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc cất lên từ sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ. Đến với những câu thơ phần đầu và phần cuối của bài thơ “Việt Bắc”-Tố Hữu ta thấy được tình cảm gắn bó nghĩa tình và những cảm xúc vui tươi của nhà thơ. Qua đó, ta hiểu sâu sắc hơn sự vận động của cảm xúc trữ tình trong nhà thơ Tố Hữu:

Mình đi có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù

Những đường Việt Bắc của ta

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Có thể nói, Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu tiên của văn nghệ Cách mạng Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” tiêu biểu cho phong cách thơ ông, là minh chứng hùng hồn cho sự vận động cảm xúc của Tố Hữu. “Việt Bắc” ra đời tháng 10/1954 ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, hòa bình trở lại, miền Bắc được giải phóng. Một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của Cách mạng được mở ra. Trung ương Đảng, Chính phủ rời Việt Bắc trở về Hà Nội. Gắn với sự kiện lịch sử ấy, “Việt Bắc” kết tinh theo quy luật của tác phẩm văn học: “Thơ ca đi từ chân trời một người đến chân trời mọi người” (Paul Eluard) mà ở đó chất chính trị và trữ tình hòa quyện vào nhau, đan xen vào nhau.

trong bai tho viet bac nha tho to huu da tai hien nhung ngay thang gian kho - Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện những ngày tháng gian khổ

Nếu hai câu hỏi ở phần trước mới chỉ gợi ra hình ảnh khái quát của quá khứ “mười lăm năm ấy” với những gắn bó thiết tha của chiến khu Việt Bắc thì kỷ niệm kháng chiến gian khổ đến đây được gợi ra:

Mình đi có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù

Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai

Lời thơ nhẹ nhàng đưa ta vào một miền không gian lung linh trong tâm thức người ở lại. Những câu hỏi dồn dập, gấp gáp bởi nỗi nhớ trào dâng khi giờ phút chia tay đang đến gần. Điệp ngữ ở các câu sáu “Mình đi có nhớ,…mình về có nhớ”, sự đăng đối trong hai vế câu tám với nhịp 4/4, đó là những yếu tố tạo nên nhạc điệu ngân nga, thiết tha cho đoạn thơ. Nhịp điệu trữ tình ấy đã góp phần thể hiện tinh tế nỗi vấn vương xao xuyến, giăng mắc trong lòng người đi, người ở lại để từ đó quá khứ đầy ắp kỷ niệm ào ạt trở về. Trong lời nhắc nhở da diết của người ở lại với người ra đi, Việt Bắc hiện lên thật sống động từ khắc nghiệt của thiên nhiên “mưa nguồn, suối lũ, mây mù” tới cuộc sống kháng chiến gian khổ, thiếu thốn “miếng cơm chấm muối”. Cách xưng hô “mình” – người ra đi ( chiến sĩ hoạt động Cách mạng) cho thấy sự gắn bó khăng khít giữa quân và dân, giữa miền ngược và miền xuôi. Dù thiên nhiên, núi non có hiểm trở, khắc nghiệt, vật chất có thiếu thốn, nghèo nèn thì “mình” với “ta” cùng chung sức, chung lòng, chịu đựng những gian lao, cùng đồng cam chịu khổ. Và quân dân, đồng bào Việt Bắc luôn tự ý thức về trách nhiệm với đất nước, mối thù dân tộc: “mối thù nặng vai”. Mối thù ấy không có hình khối, không trọng lượng nhưng là trọng trách, nghĩa vụ cao cả với quê hương, xứ sở trong khói lửa điêu tàn, đàn áp nặng nề của thực dân. Sự chia sẻ trong quá khứ tạo nên sự gắn bó trong hiện tại và nghĩa tình thủy chung ở tương lai. Gian truân vất vả chỉ càng làm ngời lên vẻ đẹp trong tâm hồn người dân Việt Bắc nghèo khổ mà sắt son, trung hậu, nghĩa tình, một lòng với Cách mạng. Từ kết cấu đối đáp, giao duyên, thể thơ lục bát đậm đà tính dân tộc với nghĩa tình sắt son, nồng ấm của quân dân, khổ thơ đã mang đến âm hưởng da diết, nồng nàn đạt tới sự thăng hoa của chính trị và trữ tình. Chỉ với bốn dòng thơ, Tố Hữu đã gợi ra một niềm ký ức thân thương chất chứa lòng người. Lời thơ man mác buồn, giọng thơ thiết tha, mặn nồng khiến cho những hình ảnh thơ trở nên có hồn, rung động trái tim người đọc.

 

Nhưng “Việt Bắc” đâu chỉ là một bản tình ca trữ tình. Ta bắt gặp những dòng thơ “lửa cháy” thể hiện khí thế, hào hùng của quân dân Việt Bắc, những ngày “mình” và “ta” cùng nhau ra trận và cùng nhau chiến thắng.

Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh những con đường được nhắc đến trong niềm tự hào sâu sắc: “Những đường Việt Bắc của ta”. Câu thơ chan chứa niềm tự hào với cảm giác làm chủ vùng không gian rộng lớn của Tổ quốc. Cảm hứng này nhiều lần xuất hiện trong thơ ca Cách mạng như “Mây của ta, trời thắm của ta” (“Ta đi tới”-Tố Hữu); “Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta” (Nguyễn Đình Thi). Trong dòng hoài niệm của người đi, những con đường ấy là không gian của đoàn quân ra trận với khí thế:

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Câu thơ miêu tả âm thanh của tiếng bước chân người. Từ láy “rầm rập” cho ta thấy âm thanh nhanh, mạnh của những đoàn quân bước đều trong đêm. Từ láy “điệp điệp, trùng trùng” trong câu thơ tiếp theo đã làm hiện lên cảnh đoàn quân ra trận vừa hào hùng, vừa đông đảo, mạnh mẽ. Hình ảnh so sánh “Đêm đêm rầm rập như là đất rung” kết hợp với từ láy tượng thanh, tượng hình mang đến khí thế mạnh mẽ của đoàn quân ngày đêm ra trận, khiến rung chuyển cả đất trời. Cảm hứng sử thi hào tráng khiến cho sức mạnh kỳ diệu của con người nâng lên tầm vóc vũ trụ. Hình ảnh những đoàn quân trong đêm là một thực tế của chiến trường, của sự chuẩn bị cho kháng chiến về mọi mặt. Không phải trong một vài đêm mà là “đêm đêm”, chi tiết ước lệ chỉ một thời gian lâu dài của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ khi cả dân tộc ta kiên cường vượt qua mọi thử thách, chuẩn bị cho ngày mai tươi sáng. Trong hoài niệm của người đi, Việt Bắc không chỉ hiện ra trong sức mạnh hào tráng, đông đảo của đoàn quân ra trận mà còn lưu giữ ấn tượng khó quên về chủ nghĩa anh hùng Cách mạng trong kháng chiến. Vẻ đẹp vừa chân thực, vừa lãng mạn ấy được thể hiện qua hình ảnh người chiến sĩ:

 

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

Giống như hình ảnh “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu, ánh sao đầu súng là một hình ảnh thực khi người lính hành quân trong đêm, ngôi sao lấp lánh như treo trên đầu mũi súng. Trăng sao luôn là người bạn đồng hành với các chiến sĩ trong những đêm hành quân gian khổ. Nguyễn Đình Thi viết: “ Ngôi sao nhớ ai mà lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa hàng quân”. Nếu vầng trăng của Chính Hữu là biểu tượng cho hòa bình, hình ảnh “đầu súng trăng treo” gợi suy ngẫm về mục đích chiến đấu cao cả, nếu ngôi sao lấp lánh của Nguyễn Đình Thi là nét đẹp trong tâm hồn người lính thì hình ảnh “Ánh sao đầu súng” của Tố Hữu lại biểu tượng cho lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ, cho ánh sáng của lý tưởng độc lập dân tộc. Câu thơ là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và cảm hứng lãng mạn trong thơ ca kháng chiến, mang điểm nhấn cho khổ thơ.

Trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện con đường ra trận không chỉ có những đoàn quân vệ quốc mà còn có:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Phép đảo ngữ “dân công đỏ đuốc” và hai thanh trắc liên tiếp (đỏ đuốc, nát đá) đã đem đến những ấn tượng ký diệu về sự đông đảo, sức mạnh, niềm vui và ánh sáng. Những đoàn dân công tiếp vận, chuyển lương thực phục vụ chiến trường cùng bước đi trong đêm, ánh đuốc soi đường đỏ rực nối tiếp nhau, tạo ra cảnh tượng hào hùng, không khí vui tươi, náo nức. Hình ảnh “bước chân nát đá” đã ngợi ca sức mạnh phi thường của những đoàn dân công đông đảo nối tiếp nhau ngày đêm tải lương, tải đạn ra chiến trường, trực tiếp góp phần vào chiến thắng. Cách nói này còn gợi cho ta liên tưởng tới thành ngữ “Chân cứng đá mềm” trong dân gian, qua đó nhà thơ khắc họa sinh động sức mạnh và ý chí kiên cường của những con người dũng cảm vượt lên trên mọi khó khăn, có thể chiến thắng mọi khó khăn, gian khổ. Cảnh tượng còn hùng vĩ, tráng lệ hơn bởi con người luôn bước đi trong một không gian chan hòa ánh sáng: ánh sáng lung linh của sao trên đầu súng, ánh sáng rực rỡ của những ngọn đuốc soi đường, ánh sáng lấp lánh huyền ảo của muôn tàn lửa bay và đặc biệt là ánh sáng chói lọi từ ngọn đèn pha:

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Hình ảnh “ngày mai lên” là hình ảnh ẩn dụ cho ánh bình minh ngày mới tươi sáng, tương lai tràn đầy niềm tin, hi vọng của dân tộc. Như vậy, khuynh hướng sử thi đã gắn kết sâu sắc với cảm hứng lãng mạn làm tăng thêm sức mạnh cho những con người đang chiến đấu trong gian khổ, nguy nan với niềm tin tưởng, lạc quan vào Cách mạng

Kết quả của những đêm dài gian truân, vất vả ấy là:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Sau những ngày tháng chiến đấu gian khổ, mất mát, hi sinh, chiến sĩ và đồng bào Việt Bắc đã chiến thắng thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ viết nên một trang sử hào hùng, là dấu son chói lọi cho Tổ quốc. Những tên đất, tên miền trở thành điểm nhớ thân thương trong tâm khảm người cán bộ về xuôi (Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên…) Nhịp thơ nhanh, dồn dập, sảng khoái; từ “vui” điệp lại trong cả bốn câu thơ cùng sự nối tiếp các cụm từ: vui về…vui từ… vui lên; những địa danh liên tiếp hiện ra theo bước đi dồn dập của chiến thắng…- đó là những yếu tố ngôn từ đặc sắc thể hiện sinh động không khí náo nức, say mê của quân dân Việt Bắc ngày chiến thắng. Cùng ca ngợi những chiến công vang dội, ta làm sao quên những dòng thơ ngùn ngụt sắt lửa trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu

 

Điện Biên vời vợi nghìn trùng

Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta

Đêm nay bè bạn gần xa

Tin về chắc cũng chan hòa vui chung

“Việt Bắc” vừa là khúc tình ca vừa là khúc hùng ca Cách mạng. Qua hai đoạn thơ, ta nhận ra sự thay đổi trong mạch cảm xúc của Tố Hữu: từ nhớ những ngày gian khổ đến nhớ những ngày chiến đấu hào hùng, chiến thắng vẻ vang; từ niềm xúc động thấm thía đến vui say, hào sảng; từ ân tình với quá khứ đến niềm vui với hiện tại và tin ở tương lai. Cảm xúc này còn chi phối hình ảnh thơ. Nếu như ở đoạn thơ thứ nhất, hình ảnh thiên về tả thực thì ở đoạn thơ thứ hai hình ảnh mang đậm tính chất sử thi, chi phối đoạn thơ. Nhịp thơ cũng chuyển biến rất đỗi tinh tế: từ thiết tha, chậm rãi đến gấp gáp, mạnh mẽ khiến cho đoạn thơ thứ nhất mang âm hưởng khúc tình ca và âm hưởng hùng ca ở đoạn thơ thứ hai. Sự vận động ấy đã làm cho cảm xúc trữ tình Tố Hữu thêm phong phú, dạt dào cảm xúc, tạo nên phong cách nhà thơ. Đồng thời góp phần làm nên đặc trưng của văn học Cách mạng giai đoạn đầu 1945-1975 với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, luôn hướng tới ánh sáng, sự sống và tương lai, từ đau khổ đến niềm vui, hạnh phúc.

Tố Hữu là nhà thơ của tình thương mến, nhà thơ của triệu con tim hướng về Tổ quốc. Mấy mươi năm trôi qua “Việt Bắc” vẫn đi trong dư vang của lòng người để rồi mỗi lần đọc lại, người đọc như sống về những ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng, những ngày đói khổ mà chung mối thù, chung ý chí, cùng quyết tâm hướng đến ngày chiến thắng rộn vang. Nói hộ lòng nhân dân, tái hiện lịch sử bằng vần thơ trĩu nặng tình, Tố Hữu xứng đáng là cánh chim đầu đàn của nền văn nghệ Cách mạng, là cái bông hoa tươi ngát trong nền văn học Việt Nam. Rõ ràng “sắt lửa mặt trận” đã hun đúc cho nền văn nghệ chúng ta một Tố Hữu đầy nhiệt huyết:

Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh

Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy

Tố Hữu