Tài liệu dạy học bài Hạnh Phúc của một tang gia- Vũ Trọng Phụng
Hướng dẫn
Tài liệu dạy học bài Hạnh Phúc của một tang gia- Vũ Trọng Phụng. Bài giảng dành cho giáo viên tham khảo.
HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA
( Trích Số đỏ) VŨ TRỌNG PHỤNG
A. Mục Tiêu Bài Học:
– Nhận ra bản chất lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” thành thị những năm trước cách mạng tháng tám năm 1945.
– Thấy được thái độ phê phán mạnh mẽ và bút pháp châm biếm mãnh liệt, đầy tài năng của Vũ Trọng Phụng: vừa xoay quanh mâu thuẫn trào phúng cơ bản, vừa sáng tạo ra những tình huống khác nhau, tạo nên một màn hài kịch phong phú, biến hoá ở chương XV của tiểu thuyết “Số đỏ”.
I. Tiến Trình Bài Dạy:
Đặt vấn đề:
Tổ chức cho học sinh tìm hiểu tiểu dẫn
1. Câu hỏi khám phá: Dựa vào SGK và tư liệu tham khảo trình bày những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của VTP?
Vũ Trọng Phung sinh 1912 tại Hà Nội, cha mất khi Vũ Trọng Phung vừa được 7 tháng, mẹ Vũ Trọng Phung ở vậy nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng bằng nghề khâu vá thuê. Do nghèo khổ lại bị bệnh lao nặng vì làm vịêc quá sức Vũ Trọng Phụng mất vào ngày 13/10/1939 để lại bà mẹ, vợ và con gái chưa đầy 1 tuổi.
Ông được mệnh danh là “Ông vua phóng sự của Bắc Kì”. Quan điểm sáng tác của Vũ Trọng Phụng thể hiện trong lời nhận định: “Các ông cho tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và những người cùng chí hướng với tôi cho tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Vũ Trọng Phụng được đánh giá là nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn 1936 – 1939.
Sự nghiệp văn chương (ông là nhà văn lao động sáng tạo không ngừng. Ông cũng là người bình dị, “người của khuôn phép nền nếp” (Lưu Trọng Lư).
– Ông căm ghét xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời. Đây là cơ sở để tạo nên nhiều tác phẩm hấp dẫn của nhà văn.
2. Câu hỏi khám phá: đọc đoạn trích trong SGK sau đó hãy nêu vị trí và bố cục đoạn trích, nội dung cơ bản mỗi đoạn?
Vị trí và bố cục đoạn trích
+Vị trí
– Đoạn trích là toàn bộ chương XV của tác phẩm Số đỏ.
– Trước đoạn trích nhà văn miêu tả “trước đó cụ Cố Tổ đã mấy lần suýt chết, mấy lần làm con cháu mừng hụt” rồi vô tình Xuân gây ra cái chết của cụ tổ. Đoạn trích này bắt đầu từ đótri
+ Bố cục: Chia làm 3 đoạn
+ Đoạn một: từ đầu đến “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, giới thiệu cái chết của cụ tổ.
+ Đoạn hai: tiếp đó đến “Chia buồn tấp nập”. Nội dung: trước tang gia là niềm vui và hạnh phúc của một gia đình đại bất hiếu.
+ Đoạn ba còn lại: Miêu tả cảnh đưa đám và cảnh hạ huyệt.
3. Câu hỏi định hướng: ý nghĩa nhan đề “Hạnh phúc của một tang gia”?
4. Câu hỏi gợi mở:
² Từ nhan đề gợi lên điều gì nghịch lí?
² Trong cái nghịch lí ấy đã tố cáo được vấn đề gì?
Nhan đề tạo sự đối lập gây tiếng cười thâm thúy: “Tang gia” là đau đớn, u buồn,ảm đạm. “Hạnh phúc” là sự sung sướng, được thỏa mãn nguyện vọng.Hai trạng thái đó đối lập nhau trong một nhan đề đã tạo nên nghịch lý gây sự tò mò,chú ý ở người đọc.
Nhan đề góp phần bộc lộ nội dung đoạn trích: cái chết của cụ cố Tổ đã đem lại cho cả gia đình này một niềm hạnh phúc hoan hỉ. Cái chết của cụ cố tổ đem đến hạnh phúc, sung sướng cho tất cả con cháu,người thân và bạn bè, niềm hạnh phúc đó to lớn đến mức nó cự tự phát bung ra, tràn trề,không kìm nén lại được. Bởi cụ cố tổ làm di chúc là sau khi cụ chết mới được chia gia tài. Cái chết của cụ khiến cho cái chúc thư kia thực sự “bắt đầu đi vào giai đoạn thực hành chứ không còn là lý thuyết suông nữa”, do đó ai cũng hạnh phúc. Ông Phán mọc sừng sẽ có thêm vài nghìn đồng nhờ giá trị của đôi sừng hươu trên đầu. Cụ cố Hồng hoan hỉ nghĩ đến lúc cụ mặc bộ đồ xô gai. Văn Minh thì thầm kín sung sướng vì chúc thư được thực hiện thì ông được chia một tài sản lớn. Bà Văn Minh và ông Typn thì sung sướng vì những bộ đồ của tiệm may Âu Hóa được dịp lăng xê…nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình này đều có những “hạnh phúc” cho riêng họ.
Nhan đề góp phần tố cáo mạnh mẽ,lật tẩy bộ mặt thật của một xã hội tư sản lố lăng, kệch cỡm, học đòi, đang làm bang hoại giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
II. Triển Khai Bài Dạy
a. Tình huống trào phúng và mâu thuẫn trào phúng
1. Câu hỏi đọc hiểu: Tình huống nào làm nảy sinh HP của một tang gia?
Tình huống cụ cố Tổ chết, chết thật dù rằng chết một cách bình tĩnh.
2. Câu hỏi sáng tạo: Nhận xét gì về cách diễn đạt tình huống, nó gợi lên ý nghĩa gì?
Tình huống bi nhưng nhà văn lại diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ ráo hoảnh những từ như “chết thật” “chết một cách bình tĩnh” nó cho biết cụ cố Tổ đã mấy lần suýt chết, đám con cháu đã sốt ruột chờ đợi cái chết này vậy mà cứ “chết một cách bình tĩnh” dù người ta đã vận dụng đủ loại thuốc hổ lốn “bùn đen trộn cứt trâu” hay cả cái lí thuyết nhiều thầy thối ma “công dụng đến mức mất mạng”. Và bây giờ cụ cố Tổ đã chết thật là may mắn!
3. Câu hỏi đọc hiểu: Vì sao đám con cháu lại sốt ruột mong đợi cái chết của cụ cố Tổ đến như vậy?
Vì cụ có một gia tài kếch xù mà cụ lại ghi vào di chúc “gia tài chia sau khi cụ chết” thành thử ra con cháu ai nấy đều sốt ruột mong đợi cái chết của cụ.
4. Câu hỏi đọc hiểu: Như vậy cái chết của cụ cố Tổ với lại đống gia tài của cụ làm nảy sinh điều gì?
Cái chết của cụ cố Tổ vì vậy mà nảy sinh sự kiện tang gia nhưng đồng thời đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người.
Gv bình:
Như vậy mâu thuẫn trào phúng giữa hạnh phúc và tang gia đã xuất hiện từ tình huống kỳ bí đó. Tiếng cười đã có hoàn cảnh, cơ sở để bộc lộ, để “khai sinh” một cách vẻ vang!
5. Câu hỏi đọc hiểu: Hai yếu tố này mâu thuẫn với nhau như thế nào?
– Hạnh phúc / tang gia
+ Tang gia là gia đình có người thân vừa mới nằm xuống, lúc này không thể có một cuộc sống bình thường chứ chưa thể nói tới điều gì khác. Nhưng ở đây xảy ra điều kì lạ: Tang gia ấy rất hạnh phúc. Đó là dịp may hiếm có để tất cả các thành viên đều thoả mãn một nguyện vọng hạnh phúc nào đó.
6. Câu hỏi sáng tạo: Yếu tố nào được nhà văn miêu tả kỹ lưỡng đến trần trụi? Ý nghĩa?
Mâu thuẫn giữa cái bên ngoài và cái bên trong:
+ Vỏ ngoài: rõ ràng là nhà có tang, có người chết, con cháu dán cáo phó khắp nơi, thuê xe, kiệu, có khách khứa đến hỏi thăm tấp nập, có quá trình đưa tiễn, hạ huyệt.
+ Bên trong: Ai nấy đều hạnh phúc sung sướng.
– Yếu tố bên trong được miêu tả kỹ lưỡng, trần trụi. Những niềm hạnh phúc được che đậy bằng cái vỏ tang gia giả dối bị lôi ra ánh sáng. Và nhà văn đã làm được điều đó, để cười vào chúng lên án chúng bằng việc kí hoạ những niềm hạnh phúc thành những chân dung tính cách thực sự chân thực, sắc sảo.
GV bình:
Vì thế mà người đọc có cơ hội được cười thoải mái vào những chân dung hạnh phúc ấy.
b. Chân dung trào phúng:
1. Câu hỏi đọc hiểu:
Cái chết của cụ cố Tổ tạo nên niềm hạnh phúc chung nào cho gia đình con cháu cụ?
Cái chết của cụ cố Tổ là một sự kiện trọng đại tạo dựng đại hỷ cho gia đình cụ.
GV bình:
Cái chết của cụ Tổ tạo một dịp may cho tất cả mọi người chung một nhịp sống rộn ràng vui vẻ đón nhận cái gia tài kếch xù sẽ được chia sau đám tang của cụ. ‘Bọn con cháu ai nấy đều sung sướng thoả thích … người ta từng bừng đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma”
Tuy nhiên trong niềm hạnh phúc chung ấy ai cũng có những hạnh phúc riêng: Nhà văn kể: “Cái chết kia làm cho nhiều người sung sướng lắm”.
2. Câu hỏi đọc hiểu:
Người đầu tiên trong gia đình cụ cố Hông được lợi phải kể đến là ai?
Được chia thêm tiền nhờ đôi sừng ấy làm cho Phán có tâm trạng như thế nào?
– Phán mọc sừng: là người đầu tiên được lợi từ cái chết của cụ cố Tổ là thằng cháu rể bị mọc sừng. Ngay sau cái chết của cụ Tổ hắn đã được bố vợ (cố Hồng) ghé vào tai hứa sẽ chia thêm cho mấy nghìn bạc vì có công trong việc làm cho cụ cố chết bằng chính sự việc bị mọc sừng.
Có được cái lợi ấy, hắn sung sướng hả hê tự hào vì không ngờ rằng đôi sừng trên đầu hắn lại có giá trị to thế.
3. Câu hỏi khám phá: Qua niềm sung sướng ấy của Phán mọc sừng em có suy nghĩ gì về tư cách của hắn?
Phán mọc sừng hiện lên đúng lá một quái thai, hắn cúi mình trước đồng tiền một cách đê tiện nên sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc vợ chồng, danh dự của một thằng đàn ông lấy vinh quang của đôi sừng vô hình trên đầu hắn mà không cảm thấy nhục nhã.
4. Câu hỏi đọc hiểu:
Nhân vật vào lẽ ra phải có trách nhiệm nhiều nhất trong lúc tang gia này?
Tuy nhiên đương lúc tang gia bối rối ấy cố Hồng có thái độ như thế nào?
Thâm chí hắn chỉ mơ tưởng tới điều gì?
Con trai trưởng: cố Hồng lẽ ra là người phải lưu tâm nhiều nhất có trách nhiệm với cái chết của cụ cố Tổ.
Cố Hồng vẫn dửng dưng như không nằm bẹp hút thuốc phiện một cách bình tĩnh, lập lại như một cái máy 1872 câu “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” mà thực chất chả biết cái gì?
Thâm chí hắn chỉ mơ tưởng tới hình ảnh mình “mặc áo xô gai, chống gậy vừa ho lụ khụ vừa mếu máo, sung sướng được thiên hạ chỉ chỏ khen: “ái chà, con giai nhớn của cụ già đến thế kia à?”
5. Câu hỏi khám phá: Qua tâm trạng, thái độ của cố Hồng em đánh giá gì về chân dung nhân vật này?
Cố Hồng là 1 “trưởng giả”, hiếu danh, hủ lậu, hợm hĩnh một cách vô nghĩa lí, vô tình, vô trách nhiệm.
6. Câu hỏi đọc hiểu:
Bà cố Hồng trong lúc tang gia cứ bấn lên vì điều gì?
Rốt cuộc, bà có cảm thấy hạnh phúc trong đám tang không?
Bà cố Hồng là dâu trưởng bà bấn lên không phải vì tang gia bối rối mà vì bây giờ bà mới nhận thấy hết giá trị của ông Đốc tờ Xuân, cụ lo bây giờ Xuân sẽ hối hôn với cô Tuyết cô con gái hư hỏng một cách có lý luận của bà.
Rốt cuộc bà cũng gặt được hạnh phúc, sự sung sướng khi được cậu Tú Tân thông báo có xe, kiệu, lọng, vòng hoa và cả Xuân Tóc Đỏ đến đưa đám. Bà cảm động hết sức vì “ấy giá không có cái món ấy thì là thiếu, chưa được to, may mà ông Xuân đã nghĩa hộ tôi”.
GV bình:
Cái “món ấy” với bà cố Hồng, đó không phải chỉ là xe, lọng, vòng hoa mà quan trọng là vì có ông me xừ Xuân đến giúp đáp phúng viếng, làm danh giá cho đám tang, mà số phận của cô Tuyết như thế cũng được giải quyết êm thấm.
7. Câu hỏi đọc hiểu:
Còn thằng cháu đích tôn (ông Văn Minh) có bộ mặt như thế nào trong lúc tang gia?
Vì sao hắn lại đăm chiêu, nghĩ ngợi đầy vẻ đưa đám thế?
Có một bộ mặt đưa đám vò đầu bứt tóc, mặt đăm chiêu nghĩ ngợi rất hợp thời trong đám ma.
Vẻ nghĩ ngợi, bối rối kiểu đưa đám ấy chẳng qua là vì hắn đang lao lung nghĩ cách hiện thực hoá cái chúc thư của cụ Tổ, làm thế nào để gột rửa cái quá khứ nhơ nhớp của thằng Xuân để gán cho Tuyết.
8. Câu hỏi khám phá: Vậy em nhận xét như thế nào về cái giả, cái thật của con người Văn Minh?
Như vậy con người Văn Minh, cái vẻ đám ma chỉ là giả, nó che dấu cái bản chất vụ lợi có thật trong con người hắn. Hắn chẳng qua cũng là một quái thai, giả nhân giả nghĩa trong gia đình đó, xã hội đó.
9. Câu hỏi định hướng: Đối với bà Văn Minh và Typn cái chết của cụ cố Tổ tạo điều kiện gì cho họ?
Họ đều đang sốt ruột chờ đợi để trình diễn tang phục, bộ đồ xô gai tân thời ở tiệm “âu hoá”.Cái chết của cụ Cố Tổ trở thành dịp may hiếm có để “lăng xê” những mốt quần áo những thứ quần áo tang phục tối thượng tiết kiệm vải được may với quan niệm quần áo không phải để mặc để che mà để phô diễn da thịt, “Có thể ban cho những ai có tang đang đau đớn vì kẻ chết “cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời.
10. Câu hỏi sáng tạo: Vẽ lên những bộ mặt vụ lợi của đám con cháu này nhà văn cho ta thấy điều gì về bộ mặt xã hội tư sản nửa thực dân ở nước ta đầu thế kỷ?
Xã hội tư sản nửa thực dân vừa chào đời đã đầm đìa máu và bùn, con người sống vô tình, vụ lợi, cái chết của một người trở thành dịp kiếm ăn của bao kẻ. Người ta sẵn sàng kinh doanh trên xác người chết. Ngòi bút trào phúng hiện thực của Vũ Trọng Phụng đã không ngần ngại vạch ra chân dung dị dạng đó của nó.
GV bình:
Niềm hạnh phúc nảy sinh từ tang gia cứ thế chảy trong mạch huyết trong đám con cháu cụ Tổ từ già tới trẻ, từ lúc phát tang cho tới lúc hạ huyệt.
11. Câu hỏi đọc hiểu: Tuyết được miêu tả như thế nào trong đám tang này?
Mặc bộ đồ xô gai ngây thơ, chiếc áo dài voan mỏng, trong có coóc xê, nửa kín nửa hở … lượn lờ đi lại mời khách, trên mặt điểm một nét buồn lãng mạn. Đi qua đi lại trước mặt các cụ ngực đầy huân chương làn da trắng và bộ ngực thập thò khiến ai nấy đều cảm động hơn là nghe thấy tiếng kèn xuân nữ ai oán. Tuyết đau khổ một cách chính đáng vì không thấy bạn giai đâu.
GV bình:
Với Tuyết đám ma là cơ hội để phô diễn thân thể, thời trang, trình bày với thiên hạ về sự hư hỏng một cách có lí luận của mình, rằng mình mới chỉ đánh mất nửa chữ trinh.
12. Câu hỏi đọc hiểu: Cậu Tú Tân sướng điên lên vì điều gì?
Đi du học mấy năm không đỗ bằng nào, chỉ đem về được mỗi cái máy ảnh. Cậu đang sướng điên lên vì lâu rồi mới có cơ hội để hiện thực hía vm máy ảnh. Cậu ta chạy lên chạy xuống hào hứng bấm máy tanh tách, thậm chí lúc hạ huyệt còn bắt bẻ điều chỉnh từng người mà dẫm bừa lên mồ mả người ta.
13. Câu hỏi khám phá: Như vậy em nhận xét gì bộ mặt con cháu nội ngoại gia đình cố Hồng?
Gia đình có tang lại là tang cụ cố Tổ nhưng con cháu nội ngoại không một ai khóc thương, suy nghĩ tưởng nhớ. Trái lại họ đều vui vẻ, hả hê. Họ tổ chức đám tang không phải vì là một nghi lễ thiêng liên vĩnh biệt một con người, dứt đi một phần máu mủ mà vì tiền tài, vì danh vọng, vì một mối tình nhem nhuốc, vì một cuộc buôn bán lén lút xấu xa. Mỗi người trong họ đều có một động cơ riêng, một niềm hạnh phúc riêng tây trong đám tang này nhưng họ đều giống nhau ở chỗ bất hiếu, bất nhân, vô đạo đức, mất hết nhân tâm, nhân phẩm.
GV bình:
Đúng như cụ cố Tổ khi ốm cũng nói với họ: “Để tao chết. Sống cũng nhục! Cố chạy chữa thì chạy chữa cho cái thanh danh nhà tao mà bọn chúng mày đang bôi nhọ”. Và quả thực chúng đã để cụ cố chết nhưng cũng không chạy chữa thanh danh. Họ đang sống một cách nhốn nháo nhưng đang nêu gương cho cả xã hội.
14. Câu hỏi đọc hiểu: Ngoài gia đình cố Hồng người đầu tiên được sung sướng là ai?
Xuân Tóc đỏ: Hắn đang từ kẻ có tội bỗng trở thành có công. Vênh vang, danh giá vì nhờ hắn mà cụ cố Tổ lăn đùng ra chết. Ngay lập tức được gia đình cố Hồng chào đón nhiệt liệt, tin cậy …
15. Câu hỏi đọc hiểu: Trước khi cố Tổ chết bọn cảnh sát Min Đo Min Toa sống trong cảnh tượng nào? và chúng được gì từ đám tang này?
Bọn cảnh sát MinĐơ MinToa đang sống trong cảnh “thất nghiệp”, buồn như nhà buôn vỡ nợ vì chả rình phạt được ai bỗng nhờ có đám tang thành thử lại có công ăn việc làm vì thế mà chúng dốc lòng phục vụ đám tang tận tình.
16. Câu hỏi đọc hiểu: Đám đông bạn bè gia đình cố Hồng được miêu tả như thế nào trong đám tang?(Họ đến dự đám tang làm gì với bộ dạng như thế nào?)
Đám đông bạn bè gia đình cố Hồng dự tang lễ đông đủ nhưng không phải là đến chia buồn chẳng qua thấy đây cũng là một cơ hội phô trương thanh thế, kheo mẽ cái mã hào nhoáng của bọn trưởng giả. Vì thế mà đến dự tang các cụ trên ngực đầy huân chương nào là Bắc Đẩu bội tinh, long bội tinh, cao niên bội tinh, Vạn tượng bội tinh. Trên mép và cằm đều đủ râu ria hoặc dài hoặc ngắn hoặc đen hoặc hung hoặc lún phún hay rầm rậm … Các cụ đến dự đám tang nhưng lòng cảm động biết bao khi trông thấy Tuyết …
GV bình:
Vũ Trọng Phụng thực sự thành công khi khắc hoạ nhân vật đám đông, những con người không tên tuổi nhưng nhân cách đều nhem nhuốc.
17. Câu hỏi đọc hiểu: Còn hàng phố thì sao, họ có vui không,vui vì điều gì?
Hàng phố: Vui vì lâu quá rồi mới được xem một đám ma to thế.
18. Câu hỏi định hướng: Tại sao Vũ Trọng Phụng hướng ngòi bút miêu tả những niềm hạnh phúc lây lan bên ngoài gia đình cố Hồng?
Vũ Trọng Phụng không chỉ dừng ở vịêc miêu tả bộ mặt hạnh phúc trong gia đình Cố Hồng mà hướng ngòi bút ra khái quát toàn bộ gương mặt xã hội để phản ánh sự thật trong 1 xã hội 1 thời đại “chó đểu’, kẻ nào nhân cách cũng nhem nhuốc. Đằng sau cái vẻ ngoài là đi đưa tang, vẻ hết lòng tận tụy phục vụ đám ma, bộ đồ xô gai, vẻ mặt đăm chiêu… đều là sự giả rối …
19. Câu hỏi đọc hiểu: Hình ảnh trào phúng nào nổi bật ở đoạn trích?
Đám ma gương mẫu là hình ảnh trào phúng nổi bật, gây cười.
20. Câu hỏi định hướng: Nhìn bao quát ta thấy đám ma ấy như thế nào
Nhìn bao quát:
+ Nhìn bao quát đám ma trong cụ cố tổ được tổ chức to tát, linh đình nào xe, lọng, vòng hoa đủ cả, có tới 300 câu đối, vài trăm người đưa…
+ Đám ma lủng củng, hỗn loạn được tổ chức theo cả lối tá, Tây, tàu, đua kèn, Kiệu, bát cống, lợn quay đi lọng, lốc bốc xoảy, kèn bú dích…
21. Câu hỏi định hướng: Cái tính chất tính lủng củng linh đình ấy của đám ma khiến nhà văn phải so sánh với hình ảnh nào?
Cái tính chất lủng củng linh đình ấy cùa đám ma khiến nhà văn phải so sánh với hình ảnh một hội chợ, giả thật lẫn lộn và thật nực cười khi nó càng cố phô trương càng giống một phường chèo hay một đám rước.
22. Câu hỏi khám phá: Hành trình đưa tiễn của cái đám rước ấy diễn ra như thế nào?
Hành trình đưa tiễn của “đám cưới” ấy diễn ra chậm chạp diễn qua lần phố này lại qua phố khác. Nhưng câu văn “đám cứ đi …” cứ lặp đi lặp lại và những cái dấu chấm lửng gợi cho người đọc liên tưởng tới những “đám rước” thực sự như một phường chèo bát nháo.
23. Câu hỏi khám phá: Mô tả cái hành trình đưa tiễn với vẻ chậm chạp đơn điệu nhà văn nêu bật lên điều gì ở cái đám tang to tát này?
Cái hành trình đưa tiễn được mô tả chậm chạp thực chất không phải vì đó là cuộc đưa tiễn linh thiêng nuối tiếc mà chẳng qua là vì nhằm phô trương, kheo mẽ.
GV bình:
Như vậy cái vẻ to tát, lủng củng, đưa tiễn nặng nề chậm chạp đều là cái vô hình thức giả dối nực cười vì thanh thế gia đình mà thôi. Cái thực chất của hình ảnh trào phúng ấy được nhà văn quay cận cảnh kỹ lưỡng.
24. Câu hỏi khám phá: Nhìn cận cảnh đám ma ấy hiện ra như thế nào?
Nhìn cận cảnh
+ Người đi đưa đông nhưng đặc biệt toàn mặc kiểu quần áo tang tân thời ở tiệm may Âu Hoá thu hút mọi người xem đám.
+ Họ dự đám nhưng không có những tiếng khóc, nỗi niềm ai oán, trái lại họ toàn trò chuyện với nhau, chim nhau, cười tình với nhau. Cả đám tang chỉ vang lên những tiếng thì thầm về nhà cửa, vợ con, quần áo, sắc đẹp … Toàn những chuyện tầm phào đại loại “thằng ấy bạc tình bỏ mẹ”, “Con bé nhà ai kháu thế – Gớm cái ngực đầm quá đi mất”.
25. Câu hỏi sáng tạo: Nhận xét gì về nghệ thuật miêu tả của VTP?
Nhà văn sử dụng khả năng quan sát tinh tế của một nhà phóng sự bóc trần sự thật trần trụi, cùng với bút pháp, ngôn ngữ trào phúng tô đậm, chân dung kí hoạ trang phục nhiều hơn là thái độ người đưa mạ, lặp đi lặp lại điệp ngữ: “Những người đưa ma, rất xứng với những người đưa ma” tái hiện chân dung đám đông ối a ba phèng, toàn những người giả trá, vô tình.
26. Câu hỏi đọc hiểu:
Hình ảnh đám ma kết thúc ở cảnh nào?
Cảnh hạ huyệt của đám ma diễn ra gây ấn tượng bởi những chi tiết tác phẩm nào?
Rồi đám ma cũng đến lúc hạ huyệt.
Đám ma đến cảnh hạ huyệt càng đáng nhớ hơn:
– Cậu Tú Tân làng xăng bắt bẻ từng người này là chống gậy, gục đầu, cong lưng, lau mắt như thế này đi làm cậu chụp ảnh. Bạn bè cậu quýnh lên dẫm bừa bãi lên mồ mả nhà người ta.
– Cảnh hạ huyệt diễn ra nhanh chóng sau 3 tiếng khóc như cố nặn ra của Phán mọc sừng “Hứt … Hứt … hứt…” người mềm oặt ra nhưng dúi nhanh vào tay Xuân …
27. Câu hỏi sáng tạo: Với những chi tiết ấy VTP đã thực sự làm sáng tỏ điều gì ở cái đám tang này?
Tất cả đều là giả dối từ lúc đưa cho tới lúc hạ huyệt. Sự giả dối ấy bộc lộ rõ nhất ở cảnh cuối, người ta chỉ mau chóng vùi cho xong một xác chết. Mọi sự gục đâù, lau nước mắt đều để chụp ảnh, có duy nhất một tiếng khóc “Hứt … hứt.. hứt ” của Phán mọc sừng chẳng qua cũng để che khuất 1 hành động mua bán xấu xa giữa Phán và Xuân.
28. Câu hỏi ghi nhớ: Hình ảnh đám tang của cụ cố Tổ gợi cho em nhớ tới hình ảnh đám tang nào trong một tác phẩm của Ban Zắc?
Hình ảnh đám tang này gợi liên tưởng tới hình ảnh đám tang của lão Gôriô trong tác phẩm Lao Gôriô của Ban Zắc.
29. Câu hỏi tích lũy: Hãy so sánh nghệ thuật miêu tả của nhà văn Ban Zắc và Vũ Trọng Phọng khi dựng hình ảnh đám tang?
– Nếu Ban Zắc sử dụng cái bi, vẽ nhanh, vẽ ít và ít ra ở đám tang của lão Gô ri ô vẫn còn giọt nước mắt của tình người của Rastinhắc để làm nổi bật bi kịch cô độc của con người cho tới lúc chết.
– Thì Vũ Trọng Phụng sử dụng cái hài, vẽ chậm, vẽ nhiều chi tiết, và cũng có một tiếng khóc nhưng là tiếng khóc giả để tổ đậm bộ mặt rởm đời của những kẻ đang sống: Lũ con cháu bất hiếu, giả trả vô nhân đạo.
30. Câu hỏi khám phá: Anh chị đánh giá như thế nào về giá trị của đoạn trích?
Nội dung
+ Qua màn bi hài kịch này nhân văn tố cáo bộ mặt quái gở, vô nghĩa lý, chó đểu toàn hạng người nhân cách nhem nhuốc hiếu danh, hủ lậu, lưu manh, hám lợi … tất cả đều bất hiếu, nhẫn tâm.
Nghệ thuật
+ Nghệ thuật trào phúng xuất sắc xây dựng được tình huống trào phúng, mâu thuẫn trào phúng, chân dung trào phúng, hình ảnh trào phúng một cách độc đáo, khiến cho tiếng cười, cái hào được khai sinh một cách vẻ vang bóc trần bộ mặt rởm đời của một xã hội văn minh “chó đểu”.
31. Câu hỏi củng cố: Em suy nghĩ gì về ngôn từ được nhà văn sử dụng xây dựng đoạn trích?
– Sử dụng đa dạng ngôn từ:
– Ngôn từ tương phản: Bên cạnh những “tiếng kèn xuân nữ ai oán” là “ai cũng vui vẻ sung sướng, hả hê, vênh váo”, bên cạnh”Những bộ mặt nghiêm chỉnh” là “người ta chim nhau, cười tình với nhau …”
– Điệp ngữ: “Đám cứ đi..” “những người đi đưa ma”, “rất xứng với những người đi đưa ma” như gợi ra cách nói mỉa mai, châm biếm…
– Những từ gợi âm thanh kỳ cục: “Hứt … Hứt …,” “lốc bóc xoảng … “
– Ngôn từ ấy như những lớp sóng làm nổi bật màn hài kịch kỳ quái có thật ở xã hội tư sản nước ta trước cách mạng tháng 8.
Xem thêm:
Tuyển tập đề thi về Hạnh phúc của một tang gia:Hạnh phúc của một tang gia
- Giáo án Ngữ văn 10
- Giáo án Ngữ văn 11
- Giáo án Ngữ văn 12
Theo Sachvanmau.com