So sánh bài thơ Tây Tiến và Đất nước của Quang Dũng và Nguyễn Khoa Điềm
Bài làm
Đất nước trong mỗi người, chỉ có một nhưng lại mang hình hài khác nhau, mang theo những câu chuyện khác nhau. Với Quang Dũng, đó là hình ảnh:
- “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
- Áo bào thay chiếu anh về đất
- Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
- (“Tây Tiến” – Quang Dũng)
- “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
- Phải biết gắn bó và san sẻ
- Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
- Làm nên Đất Nước muôn đời”
- (“Đất Nước”- Nguyễn Khoa Điềm)
Quang Dũng và Nguyễn Khoa Điềm được coi là những thế hệ nhà tiêu biểu của hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc: kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu Quang Dũng là bông hoa nở rộ giữa rừng thơ chân thực, dân dã với vẻ đẹp hào hoa, kiêu hùng thì Nguyễn Khoa Điềm lại nổi bật giữa những áng thơ gân guốc, bụi bặm bởi phong cách trữ tình, chính luận rất riêng. Quang Dũng viết “Tây Tiến” từ nỗi nhớ, bằng nỗi nhớ và trong nỗi nhớ. Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ cùng quân đội Lào bảo vệ vùng biên giới Việt-Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Cuối năm 1948, khi buộc phải rời quân đoàn đi làm nhiệm vụ khác, nỗi nhớ về Tây Tiến và núi rừng, con người Tây Bắc đã giúp ông viết lên bài thơ. Còn Nguyễn Khoa Điểm viết “Đất nước” bởi sự ý thức, bằng tinh thần trách nhiệm và hướng tới sự thức tỉnh. “Đất nứơc” là phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng, viết năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang hết sức khốc liệt, tư tưởng của lớp thanh niên trí thức ở miền Nam đang dần bị lung lay. Bài thơ như một sự khẳng định, thức tỉnh và cảnh tỉnh con người.
Đầu tiên, ta có thể cảm nhận được hình ảnh đất nước thật hào hùng mà cũng bi tráng trong sự hi sinh anh dũng của con người:
- “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
- Áo bào thay chiếu anh về đất
- Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Câu thơ là một trong những bức tượng đài bi tráng nhất của người lính Việt Nam. Nơi viễn xứ, những con người ấy chỉ còn là áo vải mong manh. Cái bi, cái mất mát trong chiến tranh là chẳng thể nào chối bỏ. Vì thế, Nguyễn Duy từng đúc kết một cách đau xót: “Kì quan nào chẳng hắt bóng xót xa” (“Đứng trước tượng đài Kiev). Nhưng bi mà không hề lụy. Câu thơ sử dụng hệ thống những từ Hán Việt: “biên cương” “viễn xứ”, “chiến trường”, “áo bào”, “độc hành” làm cho không khí trở nên trang giọng, lời thơ trầm lắng, giọng thơ trầm hùng, bi tráng. Lại một cách nói chủ động: “chẳng tiếc đời xanh” khẳng định khí thế ngang tàng của những bậc nam nhi coi cái chết nhẹ tựa hồng mao. Hình ảnh “áo bào” gợi về bóng dáng những Kinh Kha bên bờ sông Dịch: “Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn” cùng biện pháp nói giảm nói tránh càng làm cho người lính hiện lên cao đẹp. Cái chết đối với họ, đơn giản chỉ là sự trở về khi mình đã sống và chiến đấu hết mình trong một tâm thế ung dung, nhẹ nhàng. Trước đây, khi nhắc đến những câu thơ này của Quang Dũng, người ta thường thấy ở đó những biểu hiện tiêu cực của “mộng rớt”, “buồn rớt” hay “yêng hùng tư sản”. Cái khẩu khí của nhà thơ, của những anh bộ đội Tây Tiến ấy, thực ra, vô cùng đáng trọng. Nó là biểu hiện quyết tâm của những con người yêu giống nòi, sẵn sàng đổ máu hi sinh vì những lẽ sống lớn lao. Họ không phải nạn nhân, những con tốt đen vô danh vô nghĩa trên bàn cờ trận mạc mà là những “chủ thể đầy ý thức của lịch sử”, biết sống đẹp từng giây phút, biết ước mơ, hi vọng và khi cần thì sẵn sàng hiến dâng. Những câu thơ của Quang Dũng thực sự ngang tầm vóc với các chiến sĩ đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Sự ra đi của họ lại được cất lên thành khúc “độc hành” của sông Mã đầy uy nghiêm và trang trọng. Tầm vóc con người đã sánh ngang tầm vũ trụ.
Nhận thức được điều đó, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định một lần nữa:
- “Em ơi em
- Đất Nước là máu xương của mình
- Phải biết gắn bó và san sẻ
- Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
- Làm nên Đất Nước muôn đời”
Đoạn thơ mở đầu bằng đại từ xưng hô “Em”- một người vô danh, là người en gái, những “em gái hái măng một mình” trong thơ Tố Hữu? Hay là tất cả những thế hệ đi sau, phía sau? Cũng là lời gửi gắm đến chính mình. “Em ơi em” là cho câu thơ như mềm ra, nhẹ nhàng như những lời tâm sự, dặn dò ân cần của “anh” cho “em”. Chính điều đó giúp cho thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết về chính trị mà không khô khan, là chính luận nhưng cũng đậm chất trữ tình. Em phải nhớ: “Đất nước là máu xương của mình”. Một cách định nghĩa rất cụ thể và rất mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm: ý niệm phi hình thể được hữu hình như “máu xứng của mình” – là một phần cơ thể, không thể thay thế, không thể cắt bỏ, tách rời; đồng thời cũng là máu xương, mồ hôi và cả linh hồn của những người lính như người lính Tây Tiến phải chịu cảnh “rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Vì thế chúng ta “phải biết gắn bó và san sẻ” – sự yêu thương và sẻ chia, đoàn kết; “hóa thân cho dáng hình xứ sở”- biết bỏ cái tôi, cái ích kỷ để làm một phần của đất nước, sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng dâng hiến. Điệp từ “Phải biết”, không chỉ đơn giản là sự gợi nhắc mà đã trở thành yêu cầu, là sự thức nhận ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, thể hệ trẻ đối với hai tiếng “Đất nước” đã cưu mang mình để làm nên “đất nước muôn đời” mãi mãi vững mạnh.
Như vậy, đối với cả Quang Dũng hay Nguyễn Khoa Điềm, đất nước là tất cả những gì rất thiêng liêng và cao cả nhưng cũng rất đỗi gần gũi, giản dị. Với Quang Dũng, đất nước là sự hào hùng, bi tráng của những con người đã dũng cảm “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Hiểu được Điều đó, Nguyễn Khoa Điềm đã tái khẳng định cũng như xác nhận trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước. Cuối cùng, đều chính là tư tưởng đóng góp, dâng hiến hết mình cho Tổ quốc. Nhưng nếu “Tây Tiến” đã trở thành địa chỉ của thương nhớ với những từ Hấn Việt trang trọng, giọng thơ dứt khoát, âm hưởng hào hùng thì “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm lại là cái nhìn mới mẻ, sâu sắc, toàn hiện về những khái niệm tưởng như đã quá quen thuộc được viết bằng thể thơ tự do, từ ngữ giản dị, giọng điệu tâm tình thủ thỉ. Dòng chảy của văn học Việt Nam đã qua được ngàn đời và còn tiếp tục chảy dài bởi sự tiếp thu và cách tân, bởi những điểm gặp gỡ và độc đáo riêng như vậy.
Bom đạn đã qua đi, những chiến tuyến được lập lên rồi lại san bằng nhưng những câu thơ kia còn sống mãi. Đó là câu thơ của một thời, của chân lí thời đại.