Tìm Kiếm

Phân tích cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến

Phân tích cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến

Bài làm

Hồ Chí Minh từng nói “Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy.”. Không nằm ngoài vòng quy luật, văn học chính là tấm gương phản ánh thực tại mà nó ra đời. Chẳng thế mà đọc “Tây Tiến” của Quang Dũng, ta vừa thấy cảm hứng lãng mạn lại vừa thấy âm hưởng bi tráng của một thời đại chiến đấu đau thương mà hào hùng của dân tộc.

Một tác phẩm mang cảm hứng lãng mạn là tác phẩm mà ở đó ta thấy sự thăng hoa của cảm xúc, tình cảm của nhân vật trữ tĩnh, trí tưởng tượng được phát huy tận độ, những cái tuyệt mĩ được tô đậm. Vì nó đề cao những cái phi thường nên cách diễn đạt phóng đại, đối lập, ngôn ngữ giàu sức gợi hình gợi cảm được sử dụng rộng rãi.

Cảm hứng lãng mãn của “Tây Tiến” được thể hiện ở nỗi nhớ tha thiết của tác giả:

  • “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
  • Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Cụm từ “Tây Tiến ơi” như hợp nhất lại với tựa đề “Tây Tiến” để cất thành tiếng gọi, từ ngôi làng Phù Lưu Chanh gửi đến vùng núi Tây Bắc xa xôi mà thân thương máu thịt. Con sông Mã cuồn cuộn chảy và hình ảnh Tây Tiến nay đã lùi vào quá khứ, đã “xa rồi” nhưng tiếng gọi da diết như vậy, nặng tình đến thế, ai dám bảo đã quên? Mà nhớ lại “nhớ chơi vơi”, một nỗi nhớ khó diễn tả bằng lời, khó nắm bắt nhưng lại cuộn sóng trong lòng. Chữ “ơi” hợp với “chơi vơi’ tạo nên âm hưởng vang vọng, tựa như tiếng gọi “Tây Tiến ơi” – tiếng lòng của nhà văn đang lan rộng trong không gian mênh mông của miền quá khứ.

Cứ như thế, sau tiếng gọi ấy là một nỗi nhớ trải rộng vào không gian Tây Tiến, những sông những núi cứ hiện ra tựa như là thực tại đang diễn ra chứ không phải là trong quá khứ nữa. Đó là thiên nhiên hùng vĩ và hiểm trở với “Sài Khao sương lấp”, là “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, là những cồn mây “heo hút” và “ngàn thước lên cao”. Hình ảnh Tây Tiến hiện lên là miền sơn cước chứa đầy những hiểm nguy cận kề, luôn sẵn sàng làm mỏi bước hành quân của con người. Thế nhưng trong nỗi nhớ, trong ánh nhìn của nhân vật trữ tình thì trong cái hùng vĩ là một nét lãng mạn nên thơ: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Những câu thơ với âm điệu dịu nhẹ như tiếng nói của tình cảm, của chất lãng mạn trong ngòi bút nhà thơ và cũng đồng thời vẽ ra một Tây Tiến thật khác”: thơ mộng và trữ tình. Hai câu thơ toàn thành bằng đối lập với những câu thơ toàn thành trắc tạo cho đoạn thơ chất lãng mạn rất đậm. Vượt lên trên nỗi nhớ về thiên nhiên đơn thuần, dòng kí ức của nhà thơ còn đưa ta về với những kỉ niệm găn bó với miền xa xôi ấy:

  • “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
  • Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
 

Nhớ về Tây Tiến là nhớ cái hùng vĩ, là cảnh núi non trập trùng, cảnh “cọp trêu ngươi” nhưng cũng là nhớ cái khói của cơm tỏa, nhớ cái thơm của hương xôi. Khung cảnh không dữ dội mà cũng không hẳn là nên thơ tựa như cảnh Mường Lát, nó bình bình, nhẹ nhàng và dịu êm như “em”, nó ấm áp của tình nghĩa đong đầy trong những nếp cơm nếp xôi của dân bản. Lại một lần nữa nỗi nhớ được thốt lên “nhớ ôi”, một lần nữa tiếng lòng không thể kìm nén mà bật ra thành câu cảm thán pha lẫn chút tiếc nuối nhẹ vì đây chỉ là nhớ mà thôi.

Chất lãng mạn của bài thơ còn được thể hiện đậm nét qua hình ảnh của đoàn quân Tây Tiến. Thiên nhiên Tây Bắc rộng lớn hùng vĩ đã trở thành bức phông nền làm nổi bật ý chí vượt khó của những người lính:

  • “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây, súng ngủi trời
  • Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
  • Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

“Súng ngửi trời”, ấy là hình ảnh tả thực. Núi cao quá, mây cũng xà thật thấp xuống khiến cho ngọn súng tưởng như đang chạm vào trời cao. Nhưng, “súng ngửi trời”, ấy cũng là hình ảnh mang nghĩ ẩn dụ. Đó là cái hóm hỉnh của người lính, cao hơn là ý chí để vượt qua những dốc những thước cao ấy. Nói cách khác, chất lãng mạn tượng như một cán cân cân bằng cho cảnh vật và tâm hồn người, để người lính thấy nhẹ nhõm sau những bước mỏi, để ta thấy một Tây Bắc đẹp, lãng mạn từ cảnh vật cho đến con người. Tâm hồn người lính không chỉ dừng ở chất hóm hỉnh, mà nó còn được nâng cao lên thành tình thần lạc quan, tinh thần lạc quan trở thành tiền đề cho người lính vượt mọi gian khổ:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm.”
 

“Không mọc tóc” là bởi căn bệnh sốt rét rừng. “Xanh màu lá”, cũng bởi cơn bệnh ấy mà nước da xanh xao. Nhưng câu thương lại không có nửa phần bi thương mà chỉ thấy mười phần kiên cường, có một chút tự tại. “Không mọc tóc”, cụm từ nghe có chút ngang tàn, tựa như họ chủ động không mọc tóc chứ không phải vì bệnh. “Quân xanh màu lá” nhưng lại chẳng ốm yếu mà lại quật lên sức mạnh “dữ oai hùm”. Sức mạnh ấy là để nuôi dưỡng giấc mộng

  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Mộng qua bên kia đất nước là mộng lập công, còn mộng về Hà Nội là giấc mộng giai nhân. Ý chí kiên cường vừa là để giành lại độc lập, giành lấy tự do, giành lấy cả vinh quang thắng trận, vừa là để đượ trở về Hà Nội thủ đô để gặp giai nhân. Học trẻ tuổi nên cũng trẻ lòng, nên mộng lập công và mộng giai nhân cũng là điều dễ hiểu. Hai giấc mộng tưởng như đối lập nhưng lại song hành cùng nhau, tạo nên chất lính rất riêng của một thời đại lịch sử chiến đấu oanh liệt.

Mỗi cuộc chiến tranh qua đi, dù có hào hùng thì vẫn là mất mát. Và đoàn bình Tây Tiến cũng thế, bài thơ “Tây Tiến” cũng đậm chất bi tráng. Bi tráng nghĩa là có cái hào hùng của tráng ca, tựa như những trang cổ sử, nhưng cũng lại có cái bi bởi đau thương. Âm hưởng bi tráng trong tác phẩm được thể hiện qua những dòng thơ tác giả viết về cái chết:

  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh “

Tính từ “rải rác” gợi ra hình ảnh những nấm mồ thưa thớt nhưng lại thật nhiều, tựa như mỗi bước hành quân đề có người ngã xuống, có người hi sinh. Nó tựa như không có điểm dừng vậy, xa xôi và hoang vắng đến lạ. Câu thơ sử dụng từ Hán Việt khiến cho cái chết trở nên thiêng liêng, trở nên đáng trân trọng như cái chết của những anh hùng thiên cổ, có đau thương nhưng lại hùng tráng. Câu thơ không bi quan ủy mị mà được nâng đỡ bởi tinh thần quật cường: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. “Đời xanh” là tuổi trẻ, là thanh xuân một đi không trở lại. Nhưng có hề gì chứ, đã lên đường là quyết chí, là không sợ hi sinh. Câu thơ vang lên như một lời thề vững bước không lùi. Cái chết hiện ra lại nhẹ tựa lông hồng: “chẳng tiếc”.

 

Các tráng sĩ ngày xưa lấy da ngựa bọc thây. Nhưng những người lính thời ấy chỉ có áo nâu nhuộm bùn:

  • “Áo bào thay chiếu, anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành“

Họ hi sinh mà chẳng có một manh chiếu che thấn, chỉ đắp tạm chiếc áo nâu mỏng. Những cái chết thiêng liêng quá, áo nâu giản dị cũng thành áo bào hào hùng thiêng liêng. Các anh chết vì nghĩa cử cao đẹp quá, vì tổ quốc rộng lớn, vì đồng bào dân tộc, nên cái chết của các anh cũng cảm hóa ngoại cảnh, để áo nâu thành áo bào, để con sông Mã cùng “gầm lên khúc đọc hành”. Thiên nhiên tựa như đang nói lời chia ly, tựa như đang cất tiếng đưa các anh về nơi suối bạc, về những ngày xưa xa xôi để tổ quốc và đồng bào tạc tên mà ghi nhớ.

Giàu lãng mạn, nhưng bài thơ không sa vào cái xa vời thực tế. Mang âm hưởng bi tráng nhưng lại không quá đau thương hay quá hào sảng như thời cổ. Đó là một “Tây Tiến” rất riêng của Quang Dũng, là nét pha trộn của những điều tưởng như đối lập, của những điều hiện đại và cổ xưa.