Tìm Kiếm

Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

Bài làm

Nhắc đến Tố Hữu là ta đang nói về một chiến sĩ cách mạng, một nhà thơ đậm chất trữ tình gắn liền với từng chặng đường lịch sử dân tộc. Thơ của ông luôn đậm đà tính dân tộc nhưng không tách rời tính hiện đại, trong đó, tiêu biểu phải kể đến bài thơ “” – được coi là đỉnh cao của thơ Tố Hữu. Được sáng tác sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà thơ là những kí ức một thời kháng chiến gian khổ và hào hùng, thể hiện nghĩa tình sâu nặng của những con người kháng chiến đối với nhân dân và mảnh đất Việt Bắc. Đoạn trích đã làm hiện lên một bức tranh tứ bình của núi rừng Việt Bắc đẹp nên thơ, trữ tình.

” Rừng xanh, hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Mùa đông Việt Bắc bạt ngàn một sắc xanh của cây cỏ. Nổi bật trên nền xanh ấy, những bông hoa chuối nở bập bùng như ánh lửa đỏ làm sưởi ấm cả ngày đông lạnh lẽo, hoang vu. Ngước nhìn lên đèo, ta thấy nắng lan tỏa rộng khắp. Đôi mắt của người chiến sĩ cách mạng như chú tâm vào ánh sáng từ con dao gài thắt lưng của người lao động. Có vẻ như ánh nắng đã được phản chiếu qua lưỡi dao tạo thành một tia chói chang. Nó tạo cảm giác như con người đang làm chủ thiên nhiên, núi rừng.

 

Đông qua xuân tới, hoa mơ nở trắng xóa che lấp đi cả sắc xanh vốn là màu chủ đạo của mùa đông vừa qua:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Giữa nền hoa trắng, nổi bật lên hình ảnh một người dân cần mẫn ngồi đan nón khiến cho không gian trở nên yên bình và êm đềm đến lạ thường. Và cuộc sống thực sự sinh sôi, nảy nở khi hạ đến:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Tiếng ve kêu râm ran dường như kéo cả ánh nắng vàng bao trùm rừng phách. Nhưng ta cũng có thể hiểu là rừng phách đã chuyển sang sắc vàng rực rỡ đón chào mùa hạ tới. Người con gái Việt Bắc vẫn đang cặm cụi, chăm chỉ hái măng. Tố Hữu gọi người con gái ấy là “cô em gái” – một cách gọi trìu mến, thân thương xiết bao! Có vẻ như yêu thiên nhiên Việt Bắc, ông yêu cả những con người cần mẫn lao động nơi đây.

Thu đến đem lại cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, bình yên với ánh trăng dịu hiền lan tỏa khắp muôn nơi:

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”

Đây không chỉ đơn thuần là ánh trăng nữa, mà là ánh sáng của niềm tin, của hi vọng và một tương lai tốt đẹp cho đất nước, dân tộc. Giữa cảnh sắc nên thơ và bình dị ấy, tiếng hát của con người cũng trở nên thân thương và bình dị hơn bao giờ hết. Đó là tiếng hát của kẻ đi hay là của người ở lại ? Không ai rõ điều đó, nhưng ta tin chắc rằng đó là tiếng hát của tình yêu, của lòng thủy chung, nhớ thương da diết. Cảnh và người Việt Bắc đáng quý đáng nhớ đến vậy đấy!

 

Chỉ bằng tám câu thơ, bức tranh thiên nhiên Việt Bắc đã được tái hiện đầy đủ với bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Mỗi mùa mang một nét đẹp riêng và tạo một ấn tượng riêng trong lòng người đọc. Phải là một người gắn bó tình cảm tha thiết với Việt Bắc, Tố Hữu mới có thể miêu tả được hết cái hồn của Việt Bắc qua từng con chữ như vậy.