Tìm Kiếm

Phân tích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Phân tích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Bài làm

Đất nước – một khái niệm tưởng chừng như mơ hồ với nhiều người nhưng bỗng trở nên cụ thể hơn bao giờ hết qua tác phẩm cùng tên của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, “Đất nước” là những trải nghiệm, suy ngẫm của tác giả về vai trò và những hi sinh của nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Mở đầu đoạn trích là giọng thơ nhẹ nhàng , thủ thỉ như những lời tâm tình:

“Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa

Ngày xưa mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.”

Đất nước hiển hiện ở ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi con người. Đất Nước ở trong những câu chuyện cổ tích của mẹ, miếng trầu của bà, … Đất hiện lên bình dị, thân thuộc và thấm được tình cảm gia đình:

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.

Đất nước còn là thành quả của nhân dân lao động:

Cái kèo cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó .

Theo quan điểm của nhà thơ, “Đất nước” chính là:

Đất là nơi anh đến trường

 

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nươc là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm .

Cụm từ “Đất nước” được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tách bạch để giả thích nghĩa của từng từ một cách cặn kẽ, khúc chiết. Đất nước không chỉ thấm được tình cảm gia đình, mà còn nồng ấm tình cảm lứa đôi. Nhà thơ còn khéo léo sử dụng hình ảnh “chiếc khăn” – vốn rất quen thuộc trong các câu ca dao – để giải thích. Đất nước mang trong mình những bài ca dao tâm tình của đôi lứa yêu nhau.

Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

Con cá ngư ông móng nước biển khơi

Hình ảnh đất nước bỗng trở nên tráng lệ và kì vĩ. Trải qua bao thăng trầm, qua bao thế hệ, đất nước vẫn mãi là nơi “dân mình đoàn tụ” là nơi để ta nhớ về và nhắc nhở nhau nghe:

Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Giọng thơ trầm ngâm, như lời dặn dò của thế hệ đi trước gửi gắm cho thế hệ sau.

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần đất nước

Đất nước là máu thịt con người. Mỡi người trong chúng ta sinh ra và lớn lên đều mang trong mình một phần của đất nước. Vì vậy ai cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ nó để: “Làm nên đất nước muôn đời”.

 

Từ đó, nhà thơ khẳng định: Nhân dân chính là người đã góp phần tạo nên Đất nước:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi ! Đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta .

Trong lịch sử giữ và bảo vệ đất nước, nhiều người đã hi sinh thầm lặng:

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất nước

Mạch cảm xúc lắng tụ lại để cuối cùng dẫn tới cao trào, làm nổi bật lên tư tưởn cốt lõi của cả bài thơ:

Đất nước này là Đất nước nhân dân

Đất nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại

Tình yêu quê hương đất nước dường như đã được nhà thơ gửi trọn vào tác phẩm. “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ giúp ta thêm yêu, trân trọng văn hóa, bản sắc quê hương mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.