I. về thể loại
1. Ca dao, dân ca là
tên gọi chung của các thể loại trữ tình dân gian kết hợp giữa lời và nhạc, diễn
tả đời sống nội tâm của con người. Hiện nay còn phân biệt ca dao và dân ca: Dân ca là những sáng tác kết hợp giữa lời
và nhạc, ca dao là lời thơ của dân
ca, ngoài ra còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật
chung với lời thơ dân ca.
2. Ca dao, dân ca thuộc
loại trữ tình, phản ánh tâm tư tình cảm, thế giới tâm hồn của con người (trữ: phát ra, bày tỏ, thể hiện ; tình: tình cảm, cảm xúc). Nhân vật trữ tình
phổ biến trong ca dao, dân ca là những người vợ, người chồng, người mẹ, người
con,... trong quan hệ gia đình, những chàng trai, cô gái trong quan hệ tình bạn,
tình yêu, người nông dân, người phụ nữ,... trong quan hệ xã hội. Cũng có những bài ca dao châm biếm phê phán những thói hư
tật xấu của những hạng người và những sự việc đáng cười trong xã hội. Ca dao châm
biếm thể hiện khá tập trung những nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian
Việt Nam.
3. Bên cạnh những đặc điểm chung với thơ trữ tình (có vần,
nhịp, sử dụng nhiều biện pháp tu từ,...), ca dao, dân ca có những đặc thù riêng:
+ Ca dao, dân ca thường rất ngắn, đa số là những bài gồm
hai hoặc bốn dòng thơ.
+ Sử dụng thủ pháp lặp (lặp kết cấu, lặp dòng thơ mở đầu,
lặp hình ảnh, lặp ngôn ngữ,...) như là một thủ pháp chủ yếu để tổ chức hình tượng.
4. Ca dao, dân ca là mẫu mực về tính chân thực, hồn nhiên,
cô đúc, về sức gợi cảm và khả năng lưu truyền. Ngôn ngữ ca dao, dân ca là ngôn
ngữ thơ nhưng vẫn rất gần với lời nói hằng ngày của nhân dân và mang màu sắc địa
phương rất rõ.
II. Kiến thức cơ bản
1. Căn cứ vào nội dung câu hát có thể
thấy: bài ca dao thứ nhất là lời của người mẹ hát ru con, bài thứ hai là lời của người con gái lấy chồng xa
quê nói với mẹ, bài thứ ba là lời của con cháu đối với ông bà, bài thứ tư là lời
của cha mẹ dặn dò con cái hoặc lời anh em tâm sự với nhau.
2. Bài 1, tác giả ví công cha, nghĩa mẹ
như núi ngất trời, như nước ở ngoài biển Đông là lấy
cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên để so sánh, làm nổi
bật ý nghĩa: công ơn cha mẹ vô cùng to lớn, không thể nào cân đong đo đếm hết được.
Ví công cha với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, ví nghĩa mẹ như nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng.
Đây cũng là một nét tâm thức của người Việt. Hình ảnh mẹ không lớn lao, kì vĩ như
hình ảnh cha nhưng sâu xa hơn, rộng mở và gần gũi hơn. Đối công cha với nghĩa mẹ, núi với biển
là cách diễn đạt quen thuộc, đồng thời cũng làm cho các hình ảnh được tôn cao
thêm, trở nên sâu sắc và lớn lao hơn.
3. Ngày xưa, do quan niệm "trọng nam
khinh nữ", coi "con gái là con người ta" nên những người con gái
bị ép gả hoặc phải lấy chồng xa nhà đều phải chịu nhiều nỗi khổ tâm. Nỗi khổ lớn
nhất là xa nhà, thương cha thương mẹ mà không được về thăm, không thể chăm sóc,
đỡ đần lúc cha mẹ đau ốm, bệnh tật.
Nỗi nhớ mẹ của người con gái trong bài
ca dao này rất da diết. Điều đó được thể hiện qua nhiều từ ngữ, hình ảnh:
- Chiều chiều: không phải một lần, một lúc mà chiều
nào cũng vậy.
- Đứng ngõ
sau: ngõ sau là ngõ vắng, đi với chiều chiều càng gợi lên không gian vắng lặng, heo hút. Trong khung cảnh ảm đạm, hình
ảnh người phụ nữ cô đơn thui thủi một mình nơi ngõ sau càng nhỏ bé, đáng thương hơn nữa.
- ruột đau chín
chiều: chín chiều là "chín bề", là "nhiều bề". Dù là nỗi đau nào thì
cái không gian ấy cũng làm cho nó càng thêm tê tái. Cách sử dụng từ ngữ đối xứng
(chiều chiều - chín chiều) cũng góp phần làm cho tình cảnh và tâm
trạng của người con gái càng nặng nề, đau xót hơn.
4. Bài 3 diễn tả nỗi nhớ và
sự yêu kính đối với ông bà. Để diễn đạt những tình cảm ấy, tác giả dân gian đã
dùng biện pháp tu từ so sánh: nỗi nhớ được so sánh như nuộc lạt buộc trên mái
nhà (rất nhiều).
Cái hay của cách diễn đạt này
nằm ở cách dùng từ “ngó lên” (chỉ sự thành kính) và ở hình ảnh so sánh: nỗi nhớ
– nuộc lạt trên mái nhà. Hình ảnh “nuộc lạt” vừa gợi ra cái nhiều về số lượng
(dùng cái vô hạn để chỉ nỗi nhớ và sự yêu kính ông cha) vừa gợi ra sự nối kết bền
chặt (tình cảm máu mủ ruột rà, tình cảm huyết thống của con cháu với ông cha).
5. Bài 4 là những câu hát về
tình cảm anh em. Anh em là hai nhưng cũng là một, vì: “Cùng chung bác mẹ,
một nhà cùng thân” (cùng một cha mẹ sinh ra, cùng chung sống, cùng chung buồn
vui, sướng khổ). Quan hệ anh em còn được ví với hình ảnh chân – tay (những bộ
phận gắn bó khăng khít trên một cơ thể thống nhất). Hình ảnh đó nói lên tình
nghĩa và sự gắn bó thiêng liêng của anh em.
Bài ca dao là lời nhắc nhở
chúng ta: anh em phải hoà thuận, phải biết nương tựa lẫn nhau thì gia đình mới ấm
êm, cha mẹ mới vui lòng.
6. Những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu
trong cả bốn bài ca dao:
- Thể thơ lục bát.
- Cách ví von, so sánh.
- Những hình ảnh gần gũi, quen thuộc
trong đời sống hàng ngày.
- Đặc biệt, ngôn ngữ vẫn mang tính chất hướng ngoại nhưng
không theo hình thức đối đáp mà chỉ là lời nhắn nhủ, tâm tình.
IIi. rèn luyện kĩ năng
1. Cách đọc
Các bài ca dao đều được viết theo thể lục bát, nhịp 2/2
hoặc 4/4, do đó cần đọc trầm và nhấn giọng, thể hiện mối quan hệ tình cảm chân
thành, thắm thiết.
2. Tình cảm được diễn tả
trong bốn bài ca là tình cảm gia đình. Những câu ca thuộc chủ đề này thường là những lời ru của mẹ, lời cha mẹ, ông
bà nói với con cháu hoặc ngược lại nó là lời con cháu nói với cha mẹ ông bà nhằm
bày tỏ những tình cảm về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, tình anh em ruột
thịt.
3. Có thể kể thêm một số câu
ca dao sau:
- Công
cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
- Chiều
chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
- Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò.
những câu hát về tình yêu
quê hương, đất nước, con người
I. Về thể loại
(Xem bài Những câu hát về tình cảm gia đình).
II. Kiến thức cơ bản
1. Đáp án đúng là:
b) Bài ca có hai phần: phần đầu là câu hỏi của
chàng trai, phần sau là lời đáp của cô gái.
c) Hình thức đối đáp rất phổ biến trong ca
dao.
Ví dụ:
- Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng.
Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng
- Chàng hỏi thì thiếp xin vâng.
Tre non đủ lá, nên chăng hỡi chàng?...
2. Trong bài 1, chàng trai và cô gái lại dùng những
địa danh với nhưng đặc điểm của từng địa danh như vậy để hỏi - đáp nhau, vì đây
là lời mà các chàng trai và các cô gái hát giao duyên trong chặng hát đố – chặng
hát thử tài hiểu biết của nhau về lịch sử, địa lí,…của các vùng miền.
Những địa danh trong
bài 1 là những địa danh ở vùng Bắc Bộ nước ta. Nó gắn với những đặc điểm lịch sử,
địa lí, văn hoá của nhiều vùng đất. Người hỏi đã chọn được nhiều nét tiêu biểu để
đố, trong khi đó, người đáp cũng trả lời rất đúng. Cuộc hỏi đáp diễn ra như vậy
chính là cơ sở để các chàng trai và các cô gái bày tỏ tình cảm với nhau.
3. Ca dao có nhiều bài mở đầu bằng cụm từ "Rủ nhau": Rủ nhau đi cấy đi cày..., Rủ nhau đi tắm hồ sen... Người ta thường
"rủ nhau" khi người rủ và người được rủ có quan hệ gần gũi, thân thiết
và cùng chung mối quan tâm, cùng muốn làm một việc gì đó. Điều này là một trong
những yếu tố thể hiện tính chất cộng đồng của ca dao.
Trong bài 2 có cảnh Rủ
nhau xem cảnh Kiếm Hồ. Kiếm Hồ tức Hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là Hồ Gươm), một
thắng cảnh thiên nhiên đồng thời cũng là một di tích lịch sử, văn hoá, gắn với
truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nơi Rùa Vàng nổi lên đòi lại thanh gươm
thần từng giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh hung bạo ngày nào. Câu "Rủ nhau
xem cảnh Kiếm Hồ" thực ra là một câu dẫn, hướng người đọc, người nghe đến
thăm hồ Gươm với những tên gọi nổi tiếng (cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, Đài Nghiên,
Tháp Bút), góp phần tạo nên vẻ đẹp hài hoà, đa dạng vừa thơ mộng vừa thiêng liêng.
Thủ pháp ở đây là gợi chứ không tả, hay nói cách khác là tả bằng cách gợi.
Chỉ dùng phương pháp liệt kê, tác giả dân gian đã gợi lên một cảnh trí thiên
nhiên tuyệt đẹp ngay giữa thủ đô Hà Nội.
Những địa danh và cảnh trí đó gợi lên tình yêu, niềm tự hào
về cảnh đẹp, về truyền thống lịch sử, văn hoá của đất nước, quê hương.
Câu cuối bài 2 (Hỏi
ai xây dựng nên non nước này) là một câu hỏi tu từ, có ý nghĩa khẳng định,
nhắc nhở về công lao xây dựng non nước của ông cha ta. Hồ Gươm không chỉ là một
cảnh đẹp của thủ đô, nó đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp, cho truyền thống văn
hoá, lịch sử của cả đất nước. Đó cũng là lời nhắc nhở các thế hệ mai sau phải
biết trân trọng, gìn giữ, xây dựng và tiếp nối truyền thống đó.
4. Cảnh trí xứ Huế trong bài 3 được tác giả dân
gian phác hoạ qua vẻ đẹp của con đường. Đó là con đường được gợi nên bằng những
màu sắc rất nên thơ, tươi tắn (non xanh, nước biếc). Cảnh ấy đẹp như trong
tranh vẽ (“tranh hoạ đồ”) – ngày xưa cái gì đẹp thường được ví với tranh (đẹp
như trong tranh). Bức tranh xứ Huế như thế vừa khoáng đạt, lại vừa gần gũi quây
quần. Biện pháp so sánh vẫn là biện pháp tu từ chủ đạo tạo nên vẻ đẹp trong những
câu ca dao này.
Đại từ “Ai” trong lời mời, lời nhắn gửi (“Ai
vô xứ Huế thì vô”) là một từ phiếm chỉ (đa nghĩa, có thể chỉ trực tiếp người
mà tác giả quen nhưng cũng có thể hiểu đó là lời nhắn gửi đến mọi người). Lời mời
ấy vừa có hàm ý tự hào về cảnh thiên nhiên xứ Huế, vừa như muốn chia sẻ nó với
tất cả mọi người.
5. Trong nhóm bài ca dao này, hầu hết các câu được sáng tác
theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể. Riêng hai câu đầu của bài 4 lại có hình
thức khác thường. Mỗi câu được kéo dài ra thành 12 tiếng để gợi sự to lớn, rộng
rãi của cánh đồng. Bên cạnh đó, các biện pháp điệp từ, điệp ngữ, đảo ngữ, đối xứng
giữa câu 1 với câu 2 càng tô đậm cảm giác về một không gian rộng rãi, tràn đầy
sức sống.
6. Hai câu cuối của bài 4 có nhiều cách hiểu. Cách hiểu
phổ biến hơn cả cho rằng đây là hai câu ca dao miêu tả vẻ đẹp của cô gái. Trước
cánh đồng mênh mông, bát ngát, hình ảnh cô gái có vẻ nhỏ bé nhưng cô chính là
người làm ra cánh đồng "mênh mông bát ngát" đó, và hình ảnh của
cô "như chẽn lúa đòng đòng - Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai"
thật đẹp, vẻ đẹp kết tinh từ sắc trời, hương đất, từ cánh đồng "bát ngát
mênh mông" kia.
7. Theo cách hiểu trên thì đây là lời chàng trai đang ngắm
cô gái đứng trên cánh đồng. Chàng trai thấy cánh đồng mênh mông bát ngát và thấy
cô gái hồn nhiên, trẻ trung, đầy sức sống. Nhưng ngoài ra, còn có cách hiểu khác
cho rằng đây là lời của cô gái. Đứng trước cánh đồng "bát ngát mênh mông"
rợn ngợp, nhìn đâu cũng không thấy bờ, cô gái cất lên những tiếng than về thân
phận nhỏ bé, vô định.
IIi. rèn luyện kĩ năng
1. Cách đọc
Có thể coi phần lớn
các bài ca dao này được viết theo thể lục bát nhưng một số dòng được kéo dài
ra: Sông nào / bên đục / bên trong. Núi nào
thắt cổ bồng / mà có thánh sinh?
Do đó, cách hiệp vần cũng không hoàn toàn theo kiểu bình
thường: Nước sông Thương / bên đục / bên trong. Núi Đức Thánh Tản / thắt cổ bồng
/ lại có thánh sinh.
2. Khác với chùm bài ca dao về
tình cảm gia đình đã học, ở nhóm bài này ngoài thể thơ lục bát còn có loại lục
bát biến thể (bài 1 và bài 3 – tự khảo sát từng câu để nhận ra sự khác biệt)
và thể thơ tự do (hai câu đầu bài 4). Mỗi thể loại như đã nêu lại có những
ưu điểm khác nhau trong việc thể hiện tình cảm cảm xúc (xem lại phần phân tích ở
trên).
3. Tình cảm chung thể hiện
trong các bài ca dao là tình yêu quê hương, đất nước, con người.