Trong cuộc sống, có những điều mà chúng ta chưa hề biết. Những kiến thức đơn giản thì hiển hiện xung quanh chúng ta, còn những điều mới lạ, hấp dẫn thì lại ẩn chứa trong xã hội. Chính vì vậy để có được kiến thức thì chúng ta phải biết tìm hiểu, học hỏi, khám phá. Đó cũng chính là ước nguyện của ông cha ta nên tục ngữ mới có câu rằng: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Câu tục ngữ này mang hai vế đối xứng với nhau. “Một” đối với “một”, đó chính là hình thức đối xứng độc đáo. Câu tục ngữ này ý khuyên nhủ chúng ta hãy biết đi đây, đi đó để được ở mang, tích luỹ kiến thức, tầm nhìn về xã hội. “Ngày đàng” ở đây là một phép ẩn dụ. Nó không phải là con số cụ thể quy ước mà chỉ một khoảng thời gian mà chúng ta tiếp nhận những điều hay lẽ phải ngoài xã hội. Không chỉ vậy, ngụ ý của tác giả dân gian còn được bộc lộ rằng không phải bất kì cái mới mẻ nào cũng có thể tiếp nhận mà hãy chắt lọc, thấm hiểu để nhận ra sự mới mẻ nào có ích, sự mới mẻ nào có hại mà biết đường đề phòng tránh hay học tập. Điều đó được thể hiện qua từ “sàng khôn”. Không chỉ vậy câu tục ngữ này còn nói lên thế giới đa dạng và phong phú, nếu biết tiếp nhận nó một cách khéo léo thì kết quả thu được sẽ rất lớn. Thật vậy. Ngoài xã hội có rất nhiều những điều hấp dẫn đối với những người mới tiếp xúc. Đó là nơi văn minh, là nơi giao lưu học hỏi của các tầng lớp, cũng là nơi trao đổi , buôn bán, có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, những công nghệ độc đáo, hay những kiến thức khoa học huyền bí. Từ những cách ăn nói ngoài xã hội đến những hình thức ứng xử, tất cả đều là kiến thức, được khoác nhiều bộ áo trên nhiều phương diện. Mặt tích cực không nhỏ nhưng mặt tiêu cực cũng không phải là ít. Những tệ nạn xã hội, những trò đùa lôi kéo sự đam mê của con người dẫn đến sự lu mờ về đạo đức, nhân phẩm. Có nhiều người mặc dù biết được tác hại của nó nhưng đã dấn chân vào rồi thì khó lòng rút ra được. Do đó ý thức của chúng ta trong việc tiếp nhận kiến thức tốt đẹp là hoàn toàn cần thiết. Ngày xưa, thời kì vật chất còn xơ xài, ông cha ta ăn vất vả cực nhọc nên ý thức đã nhận ra rằng sự học hỏi là thiết yếu trong việc thay đổi cuộc sống thêm tiến bộ, nhưng có mấy khi có điều kiện để vượt khỏi luỹ tre làng. Vì vậy đó là một ước vọng lớn lao của ông cha ta. Không chỉ thời bấy giờ mà ngày này, xã hội ngày một văn minh, đất nước đổi mới, con người đang bước sang kỉ nguyên hiện đại, yếu tố học hỏi là không thể không tồn tại. Để theo kịp những tiến bộ khoa học, con người cũng phải tìm hiểu, học tập lẫn nhau để xứng đáng là một phần tử của đất nước, xứng đáng là một con người văn minh, lịch sự. Chính những sự giàu đẹp của đất nước ngày một tăng cao đã là sự thúc giục trong ý thức học hỏi ngoài đời của mỗi con người. Trong tất cả các môi trường học tập thì dường như xã hội là một nơi sâu thẳm về kiến thức, là nơi chứng kiến biết bao kinh nghiệm của con người và cũng là kho tàng để chúng ta tích luỹ. Có biết bao nhiêu điều hay lẽ phải đang chờ chúng ta. Chắc chắn mỗi người đi ra ngoài xã hội đều vấp phải những trở ngại, khó khăn, nhưng chính những điều đó lại càng tăng thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên thì không phải học tập ngoài xã hội chỉ đơn thuần như vậy mà còn cần phải học khôn, học chọn lọc những tinh tuý, còn những điều tiêu cực thì lại là mặt trái để chúng ta biết tránh xa.
Nói tóm lại câu tục ngữ trên khuyên răn chúng ta về cách mở rộng hiểu biết, mở rộng vồn kiến thức để tạo nên những thành quả vượt bậc và cách sống cao đẹp.
Tham khảo thêm
Từ ngàn xưa, dù việc học chưa được coi trọng, trường lớp chưa được xây dựng nhiều, nhưng ông cha ta đã biết được tâm quan trọng của việc học hỏi tri thức. Muốn khôn lớn, thành người phải luôn học hỏi. Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông cha ta đã đúc kết câu tục ngữ: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn".
Theo nghĩa đen của câu tục ngữ, "đi một ngày đàng" tức là đi đường một ngày, "học một sàng khôn" tức là học hỏi được nhiều thứ. Nhưng tại sao lại phải "đi một ngày đàng"? Trở về thời xa xưa, chúng ta sẽ thấy lúc bấy giờ ông bà ta quanh năm chỉ quẩn quanh với lũy tre làng, với đồng ruộng, nương rẫy. Mấy khi được bước ra khỏi làng, khỏi xóm. Có lẽ vì vậy mà nếu có dịp đi đâu xa, họ như khám phá ra nhiều điều mới lạ. Những chuyến đi xa luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí họ, để khi có dịp họ lại kể cho con cháu, bạn bè cùng nghe. Ở thời đó, những người được đi nhiều, được giao du đây đó, thường là những người hiểu biết nhiều thứ hơn những người quanh năm quanh quẩn xó bếp. Dùng "học một sàng khôn", ông cha ta đã mượn hình ảnh của một đồ vật rất chân thật, gần gũi với con người để nói lên lợi ích của việc đi nhiều sẽ biết nhiều, sẽ "khôn" hơn.
Thật vậy, bất kể ở nơi đâu ta đến cũng luôn có những điều hay, cái đẹp để ta chiêm ngưỡng, học hỏi. Đất nước ta trải dài từ Bắc tới Nam, nơi đâu cũng có nhiều cảnh đẹp để ta khám phá. Và ở mỗi nơi, con người luôn có những đặc điểm, tính cách, văn hóa riêng. Mỗi người ta gặp là mỗi bài học quý giá, ai cũng có những điều hay đáng để ta học hỏi. Hơn nữa, khi thực sự bước chân vào cuộc sống, ta mới cảm nhận hết những niềm vui, nỗi khổ trong đời, ta sẽ hiểu được những số phận, những cuộc đời, biết mở rộng lòng, thông cảm và thấu hiểu cho những con người bất hạnh hơn mình. Lúc bấy giờ, ta mới biết mình cần gì, muốn gì ở cuộc đời này. Mặt khác, khi ra đi, sẽ có lúc ta gặp những khó khăn, vấp ngã. Mã mỗi lần vấp ngã, khi đứng dậy được, ta sẽ thấy mình khôn lớn, trưởng thành hơn, thấy mình tự tin, vững chãi hơn trong cuộc sống, cũng như sẽ có những ứng xử thông minh, khéo léo hơn. Đầu óc rộng mở, giúp con người càng trở nên khoan dung, độ lượng, biết nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Vì thế ông bà ta cũng hay thường xuyên khuyến khích việc đi đây đi đó:
Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
Ngày nay, việc "đi một ngày đàng" trở nên hết sức bình thường. Khi xã hội phát triển, khoảng cách về địa lý đã không còn là vấn đề khó khăn. Con người có thể đi khắp nơi Bắc, Trung, Nam, thậm chí ra nước ngoài để du lịch, học tập...Do đó, họ có điều kiện để mở rộng tầm mắt, để học tập và tiếp thu những điều mới lạ. Việc học hỏi, tiếp thu cái mới càng trở nên cần thiết.
Tuy nhiên, khi "đi một ngày đàng" không phải bao giờ ta cũng gặp được những điều tốt đẹp. Mà trái lại, xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp, cái xấu, cái tốt lẫn lộn. Cũng như khi ra nước ngoài, ta sẽ nhìn thấy những điều hay và những điều không phù hợp với văn hóa nước ta. Do đó, quan trọng nhất là mỗi người phải có bản lĩnh để phân biệt, nhìn nhận cái nào đáng cho ta tiếp thu, học hỏi, cái nào ta nên đề phòng, né tránh. Có như vậy, khi "đi một ngày đàng" chúng ta mớ "học một sàng khôn".
Thường xuyên đọc sách báo, xem tin tức cũng là cách học nhằm bổ sung tri thức. Tuy nhiên, nếu chỉ có đọc sách, xem tivi mà không tận mắt nhìn thấy, không thực hành thì dù có đọc trăm ngàn cuốn sách cũng hoài công, vì lí thuyết mà không ứng dụng thì chỉ là lí thuyết suông, và "trăm nghe không bằng một thấy".
Rõ ràng, việc đi đây đi đó để học hỏi, tiếp thu tri thức là việc làm bổ ích và cần thiết cho mỗi người. Nếu biết kế hợp giữa đọc sách báo, xem tin tức và đi đây đi đó, bước chân vào cuộc sống xã hội, con người sẽ ngày càng hiểu nhiều biết rộng, khôn ngoan và vững chãi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải xác định rõ mục tiêu cần học, đồng thời phải có phương pháp để tiếp thu, phải biết chọn lọc, chủ động và sáng tạo trong quá trình học hỏi. Ngoài ra, học tập tri thức là việc lâu dài, chúng ta nên kiên trì trau dồi, bổ sung kiến thức để không bị lạc hậu, tụt hậu so với người khác.
Câu tục ngữ: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" được đúc kết để nâng cao hiểu biết. Đồng thời câu tục ngữ trên cũng thể hiện niềm khát khao, mơ ước của ông cha ta được thoát ra khỏi ngôi làng nhỏ bé, đi đay đi đó để mở rộng tầm nhìn, mở mang đầu óc.
Tìm Kiếm
Home » Unlabelled » Giải thích và chứng minh câu tục ngữ "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn"