Tìm Kiếm

Trình bày hoàn cảnh ra đời của vở kịch “Hồn Trương Ba- Da hàng thịt”

Trình bày hoàn cảnh ra đời của vở kịch “Hồn Trương Ba- Da hàng thịt”

Hướng dẫn

Đề bài: Trình bày hoàn cảnh ra đời của vở kịch “Hồn Trương Ba- Da hàng thịt” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Bài tham khảo

Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài của nền văn nghệ Việt Nam, không chỉ viết văn, làm thơ mà ông đặc biệt thành công trong lĩnh vực kịch nói. “Hồn Trương Ba- Da hàng thịt” là một trong những vở kịch nổi tiếng, gây được nhiều tiếng vang nhất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Vở kịch không chỉ mang đến một câu chuyện, một số phận mà qua đó còn gửi gắm bao thông điệp, triết lí về cuộc đời và những giá trị nhân sinh của cuộc đời.

Vở kịch “Hồn Trương ba- da hàng thịt” được sáng tác năm 1981, đây là giai đoạn khá đặc biệt đối với nền văn học của Việt Nam. Hòa bình lập lại năm 1975, cuộc sống con người hoàn toàn bước sang một trang mới với những cơ hội và thách thức mới. Cùng với sự thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị và trong chính cuộc sống con người đã kéo theo nhu cầu đổi mới của nền văn học trong giai đoạn mới bởi xét cho cùng văn học là tấm gương phản chiếu của đời sống xã hội.

Nhận thức được nhu cầu đổi mới và bằng những cảm nhận tinh tế của người nghệ sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề thế sự, những câu chuyện đời thường nhưng lại có ý nghĩa lớn lao. Vở kịch “Hồn Trương Ba-da hàng thịt” được sáng tác năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới được ra mắt công chúng. Vở kịch được sáng tác trong không khí đổi mới tư duy văn học, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đi sâu khám phá để phát hiện bi kịch trong con người hiện đại, đó là sự mâu thuẫn giữa phần hồn và phần xác, giữa nhu cầu vật chất chính đáng và nhu cầu tinh thần cao đẹp.

 

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được bắt nguồn cảm hứng từ câu chuyện dân gian nhưng được phát triển và thêm thắt tình tiết để truyền tải những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vở kịch bao gồm 7 cảnh, trong đó đoạn trích “Hồn Trương ba, da hàng thịt” trong sách giáo khoa thuộc cảnh cuối cùng của vợ kịch.

Thông qua việc xây dựng xung đột giữa phần hồn thanh sạch của Trương Ba với thể xác phàm tục của da người hàng thịt, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã khắc sâu bi kịch tha hóa bên trong chính con người và cuộc đấu tranh gay gắt để bảo vệ và hoàn thiện nhân cách của con người. Qua vở kịch tác giả đã phê phán những hiện tượng xã hội tiêu cực trong xã hội và gửi gắm quan niệm nhân sinh về nhu cầu thống nhất giữa thể xác và tâm hồn.

Theo Vanmau.top