Tìm Kiếm

Soạn bài: “Bài ca ngất ngưởng” (Nguyễn Công Trứ) – văn lớp 11

Soạn bài: “Bài ca ngất ngưởng” (Nguyễn Công Trứ) – văn lớp 11

Bài làm

Câu 1: Trong “Bài ca ngất ngưởng”, từ “ngất ngưởng” được sử dụng mấy lần ? Anh (chị) hãy xác định nghĩa của từ “ngất ngưởng” qua các văn cảnh sử dụng đó.

Gợi ý trả lời:

– Trong “Bài ca ngất ngưởng”, từ “ngất ngưởng” được sử dụng nhiều lần, ngoài nhan đề, tác giả có tới bốn lần sử dụng từ “ngất ngưởng”.

–  Từ “ngất ngưởng” trong bài thơ được hiểu theo nghĩa là sự ngang tàng, phá cách, phá vỡ khuôn mẫu, hành vi “khắc kỉ phục lễ” của nhà nho để hình thành một lối sống thực hơn, dám là chính mình, dám khẳng định bản lĩnh cá nhân. Người ngất ngưởng dám xem thường lễ, đối lập với lễ giáo, bỏ qua danh tiếng mà theo tự nhiên.

–  Trong bốn lần sử dụng từ ngất ngưởng, ngoài từ “ngất ngưởng” ở cuối bài thơ, ba từ còn lại được dùng gắn với hai hoàn cảnh và môi trường khác nhau:

+  Trước hết, Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng khi hành đạo. Khi làm quan, thực hiện các chức phận, ông luôn tỏ ra tháng thắn, thậm chí dám kiến nghị, góp ý cả cho vua. Có được phong cách ngạo nghễ như vậy vì ông có tài năng thực sự và tận tâm với sự nghiệp, không hề luồn cúi để vinh thân phì gia. Trong đời thực, Nguyễn Công Trứ đã từng lập nhiều công trạng và là người có tài năng nhiều mặt, mặc dù vậy ông vẫn phải chấp nhận một cuộc đời làm quan không mấy thuận lợi minh chứng ở việc ông bị thăng giáng thất thường.

+  Hoàn cảnh thứ hai là sau khi từ quan, cách ông nghỉ và chơi cũng rất ngông, rất khác thường. Ông đeo mo vào đuôi bò nói là để “che miệng thế gian”, ông dẫn các cô gái trẻ lên chơi chùa, ông đi hát ả đào và tự đánh giá cao các việc làm ấy. Ông có quyền ngất ngưởng vì ông về hưu trong danh dự, sau khi đã làm được nhiều việc hữu ích cho dân cho nước. Theo ông, điều quan trọng nhất của nhà nho là hoạt động thực tiễn chứ không phải là nếp sống uốn mình theo dư luận. Ông thích hát nói vì đó là môn nghệ thuật ông say mê từ nhỏ. Vì thế khi về hưu ông vẫn đi hát vì không muốn tỏ ra mình là một bậc phi phàm, khác đời như các thánh nhân.

 

Câu 2: Dựa vào văn bản “Bài ca ngất ngưởng”, anh (chị) hãy giải thích vì sao Nguyễn Công Trứ biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng vẫn ra làm quan ?

Gợi ý trả lời:

Dựa vào văn bản “Bài ca ngất ngưởng”, ta có thể thấy rằng Nguyễn Công Trứ biết làm quan là mất tự do và ông coi chốn quan trường như cái lồng giam hãm con người vậy (Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng). Thế nhưng, ông vẫn ra làm quan vì đó là phương tiện để ông thể hiện tài năng và thực hiện hoài bão của mình. Cũng bởi ông quan niệm rằng mình đã cống hiến hết tài năng và nhiệt huyết cho xã hội, cho triều đại. Do đó, “nghĩa vua tôi” ông đã thực hiện trọn vẹn và ông có quyền “ngất ngưởng” nhất so với các quan lại trong triều. Tóm lại, ngất ngưởng thực chất là một phong cách sống tôn trọng sự trung thực, tôn trọng cá tính, không chấp nhận  sự “khắc kỉ phục lễ” nghĩa là ông không hề uốn mình theo lễ giáo và luật lệ của nho gia.

Câu 3: Ở bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ tự kể về mình. Vì sao ông cho mình là ngất ngưởng ? Ông đánh giá sự ngất ngưởng của mình như thế nào ?

Gợi ý trả lời:

Trong bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ đã tự kể về mình và ông tự đánh giá bản thân là một người ngất ngưởng. Qua lời tự thuật, tự đánh giá về bản thân, với giọng điệu tự thuật khảng khái, đầy cá tính một lần nữa cho thấy ông là con người sòng phẳng, thẳng thắn và có ý thức rõ ràng về phong cách sống của mình. Nguyễn Công Trứ tự hào vì đã có một cuộc sống hoạt động tích cực trong xã hội, không uổng công dùi mài kinh sử, không bỏ phí tài năng trời cho, không phụ công lao sinh thành của cha mẹ. Ông cũng tự hào vì dám sống cho mình, bỏ qua sự gò bó của lễ giáo và luật lệ phong kiến, gạt bỏ những ý kiến của người đời đánh giá về mình.

 

Câu 4: Đọc diễn cảm bài hát nói này. Hãy chỉ ra những nét tự do của thể tài hát nói so với thơ Đường luật và cho biết ý nghĩa của tính chất tự do đó.

Gợi ý trả lời:

Đến đầu thế kỉ XIX, thể hát nói đã phát triển rất mạnh và là một thể thơ bác học do các tác gia người Việt sáng tạo trong môi trường văn hoá song ngữ Hán Nôm thời trung đại. Nhiều nhà nho, nhà thơ cũng như các chính trị gia nổi tiếng lúc đó, dường như đều gửi gắm tâm sự của mình trong hát nói. Có thể nói, so với các bài thơ Đường luật gò bó, chật chội, hát nói phóng khoáng hơn nhiểuẻ Hát nói có quy định về số câu, về cách chia khổ nhưng nhìn chung người viết hoàn toàn có thể phá cách toàn bộ điều này để tạo nên một tác phẩm tự do về số câu, số chữ, về cách gieo vần, nhịp điệu,… Nhờ đó mà thể loại này nhanh chóng chiếm được vị trí độc tôn và trở thành một khuynh hướng văn học của thời đại. Sự phóng khoáng của thể thơ đặc biệt thích hợp với việc chuyển tải những quan niệm nhân sinh mới mẻ của tầng lớp nhà nho tài tử khao khát khẳng định mình, sống theo mình, coi thường những ràng buộc chật chội của lễ nghi, của xã hội.