Phân tích chi tiết cho chữ trong chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Hướng dẫn
Nhắc đến Nguyễn Tuân, ta không thể không nhắc đến phong cách viết văn đầy “chất ngông” của ông. Trước cách mạng tháng tám, Nguyễn Tuân sống trong lòng xã hội, luôn khát khao đi tìm cái đẹp tuyệt mĩ, độc đáo, tuy mang một chút cực đoạn, nhưng những tác phẩm của ông ra đời trong hoàn cảnh này đều rất xuất sắc và độc đáo. Trong đó có truyện ngắn chữ người tử tù, ra đời năm 1939 in trong tập vang bóng một thời. Điều đặc biệt ở truyện ngắn này đã diễn tả một chi tiết, được xem là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”
Truyện kể về Huấn Cao, một nhân vật nổi danh trong thiên hạ, mà theo như viên quan ngục nghe được “ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục”. Người mà thầy thơ lại còn luyến tiếc: “Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm”. Huấn Cao hiện ra trong đầu câu truyện, đã là một người danh bất hư truyền, không những giỏi viết chữ đẹp, lại có tài năng đặc biệt.
Huấn Cao không may bị rơi vào án chém tử hình, bị giải đến nơi viên quản ngục là người đứng đầu. Vì lý do hoàn cảnh, Huấn Cao đã không biết được tấm lòng của viên quản ngục, một người xanh vỏ đỏ lòng, tuy sống trong cảnh tù lao, nhưng cái tâm luôn trong sáng, hướng thiện, và là một người có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật. Có thể thấy, viên quan ngục và Huấn Cao, tuy trên bình diện xã hội, là những người đối lập nhau. Nhưng trên bình diện nghệ thuật, họ lại là những người tri âm tri kỉ, theo đuổi những sở thích tao nhã, đẹp đẽ. Sau khi được thầy thơ lại nói lại, Huấn Cao rồi cũng hiểu ra vì sao trong những ngày ở trong lao, lại được viên quản ngục đối đãi tử tế đến thế. Xúc động trước tấm lòng của một người, một người có “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Xúc động trước thiện ý của viên quan coi ngục, Huấn Cao đã chấp nhận viết chữ cho ông. Và chính từ hoàn cảnh này, đã sinh ra một trong những chi tiết đắt giá nhất của câu truyện, và cũng là một trong những hiện tượng đặc sắc, một cảnh tượng được ví là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”
Đêm hôm đó, “lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh” một buổi đêm ảm đạm, u tối, với không gian bên ngoài nhà tù chỉ là bóng đêm tĩnh mịch, và đó cũng là đêm cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao. Nguyễn Tuân đã sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập, đối lập giữa màn đêm tăm tối, dày đặc, hoang vắng bên ngoài với cảnh cho chữ “một không khi khói tỏa như đám cháy, áng sáng rực của một bó đuốc tẩm dầu”, đối giữa không gian nhà tù “tăm tối, chật hẹp ẩm ướt” với cảnh cho chữ rất đẹp, tươi sáng và rực rỡ. Nếu lúc đầu, quản ngục được coi là người đứng đầu đề lao, là người phải có tâm thế làm chủ, thì trong hoàn cảnh này, Nguyễn Tuân đã sử dụng việc đảo lộn ngôi thứ, viên quản ngục trở thành người khúm núm, thầy thơ lại thì “gầy gò, run run bưng chậu mực” họ đều thành tâm cúi lạy trước cái đẹp. Huấn Cao trong cảnh cho chữ càng toát lên vẻ đẹp của mình, một người tù tuy “cổ đeo gông” “chân vướng xiềng” nhưng lại hiện lên một vẻ đường hoàng, đĩnh đạc, hiên ngàng. Đầu tác phẩm họ đều là những người khác nhau, những con người sống những hoàn cảnh khác nhau, nhưng sau cùng, họ lại xuất hiện với vẻ đẹp của những người yêu cái đẹp, gần gũi nhau như những tri âm tri kỉ thực sự.
Nguyễn Tuân đã thành thạo việc sử dụng, khắc họa cái nhìn giàu chất điện ảnh, hội họa, nhờ ngôn ngữ phong phú đã diễn tả đậm nét cảnh cho chữ trong nhà tù. Nổi bật lên một phong cách lớn, luôn biết truy tìm và thể hiện những điều độc đáo, những vẻ đẹp tuyệt mĩ của mình.
Theo Sachvanmau.com