Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Bài làm
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh; nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ. Thơ của ông vừa hồn nhiên, vừa tinh tế mang vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng đậm chất lãng mạn. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng, và trong số đó không thể nào không nhắc tới bài thơ “Tây Tiến” của ông. Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô”.
Tác giả Quang Dũng đã lí giải hoàn cảnh sáng tác của bài thơ “Tây Tiến” để người đọc có thể hiểu rõ hơn về bài thơ. Tây Tiến là một đơn vị bộ đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt-Lào, và đánh tiêu hao sinh lực địch ở Thượng Lào và miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng: từ Mai Châu, Châu Mộc sang Sầm Nưa rồi vòng về phía tây tỉnh Thanh Hóa. Lính Tây Tiến phần đông là thanh niên, sinh viên Hà Nội. Họ chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn lạc quan yêu đời. Quang Dũng làm đại đội trưởng ở đơn vị đó một thời gian rồi chuyển vào đơn vị khác năm 1948. Xa đơn vị cũ không lâu, tại làng Phù Lưu Chanh, vì nhớ anh em, đồng đội nên Quang Dũng đã sáng tác ra bài thơ này. Bài thơ lúc đầu có tên gọi là “Nhớ Tây Tiến” về sau tác giả bỏ chữ “nhớ” chỉ còn là “Tây Tiến”, bởi chữ Tây Tiến đã bao hàm cả nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến.
Mạch cảm xúc và tâm trạng là sợi dây liên kết cả bốn đoạn của bài thơ. Bài thơ được viết trong nỗi nhớ trào dâng, trong những kỉ niệm đầy ắp về đoàn quân Tây Tiến, cùng với cảnh trí miền tây với thiên nhiên thơ mộng. Nhà thơ như được sống trong không khí của những kí ức và kỉ niệm hào hùng. Tài hoa của hồn thơ Quang Dũng đã làm cho những kí ức và kỉ niệm của mình như được sống cùng với người đọc.
Ở đoạn thơ đầu tiên, tác giả gợi nhớ về hình ảnh những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và cảnh trí hoang sơ, hùng vĩ của vùng đất phía tây của Tổ quốc. Khơi nguồn mạch cảm xúc cho bài thơ chính là nỗi nhớ. Nỗi nhớ da diết về đồng đội, về những năm tháng không thể nào quên phủ khắp bài thơ
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Nỗi nhớ dường như không thể kìm nén nổi, “chủ thể” nhớ phải thốt lên thành tiếng gọi. Và nỗi nhớ như được cụ thể hóa, hình tượng hóa bằng từ láy “chơi vơi” rất gợi cảm và tạo cảm xúc cho những dòng thơ tiếp nối với những cảnh núi cao, vực thẳm, rừng sâu xuất hiện. Theo dòng hoài niệm của nhà thơ, bức tranh thiên nhiên Tây Bắc dần được hiện ra một cách hết sức sống động.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Sài Khao, Mường Lát là tên những đất, tên làng mà đoàn quân Tây Tiến đã hành quân qua. Tác giả sử dụng từ “sương lấp” để gợi tả một vùng đất hoang sơ, quanh năm bị sương mù bao phủ. Chỉ với ba chữ “đoàn quân mỏi” thôi đã đủ để gợi lên hình ảnh những người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân đầy gian khổ, dãi dầu, đây chính là một cảm hứng hiện thực của nhà văn. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh rất đặc biệt “hoa về trong đêm hơi”, đó là hoa của thiên nhiên hay con người? Chỉ biết rằng nó gợi một cảm giác nhẹ nhàng, êm ả, đẩy lùi nỗi nhọc nhằn của người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân. Điều này xuất phát từ cảm hứng lãng mạn qua con mắt của nhà thơ.
Bốn câu thơ được coi là tuyệt bút của nhà thơ, là một bằng chứng về thi trung hữu họa:
“Dốc lên khúc khỉu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Người đọc có thể hình dung ra một bức tranh kì vĩ với những cung bậc cảm xúc khác nhau qua những câu thơ trên. Đó là khung cảnh rất hoang vu và hiểm trở, là nơi hoạt động của đoàn quân Tây Tiến. Sự hoang vu và hiểm trở ấy được diễn tả bằng những từ ngữ rất giàu sức tạo hình như: khúc khỉu, thăm thẳm, heo hút, cồn mây, súng ngửi trời. Từ láy khúc khỉu, thăm thẳm, heo hút diễn tả sự hiểm trở với những con đường quanh co, gập ghềnh, đứt đoạn của núi rừng Tây Bắc. Câu thơ “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, như bị bẻ gãy làm đôi, rất dứt khoát, mạnh mẽ làm cho người đọc như thấy rất rõ chiều cao của núi, độ cao của dốc và con tim không khỏi hồi hộp vì lo sợ cho những bước chân của người lính. Nếu như ở câu thơ trên, diễn tả cái nhìn lên, nhìn xuống thì câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại diễn tả cái nhìn ngang. Cái nhìn này mang đến cho người đọc một cảm giác tận hưởng, nhẹ nhàng, bình lặng, như giải tỏa được nỗi lo sợ cho những bước chân của người lính. Câu thơ gồm toàn thanh bằng đã góp phần tích cực vào việc diễn tả cái cảm giác này.
Quang Dũng đã sử dụng từ ngữ vô cùng táo bạo “súng ngửi trời”, vừa diễn tả được độ cao, cái hiểm trở mà người lính phải trải qua, lại vừa bộc lộ tính hóm hỉnh của người lính ngay cả khi gian khổ, khó khăn nhất. Núi cao tưởng chừng như ngập trên mây, mây nổi lên từng cồn heo hút. Câu thơ giúp người đọc có thể nhận thấy người lính đang ở vị trí nào đó rất cao trên đỉnh đèo nên mới có cảm giác như súng trạm được đến cả bầu trời. Tài năng của Quang Dũng đã được bộc lộ rất rõ qua bốn câu thơ trên.
Núi rừng Tây Bắc đâu chỉ có núi cao hiểm trở, ở nơi đây còn có thác gầm, cọp dữ
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Ngòi bút tài hoa của Quang Dũng đã phát huy trí tưởng tượng, sử dụng nhiều yếu tố cường điệu, phóng đại, những thủ pháp đối lập để tao nên ấn tượng mạnh mẽ về sự hùng vĩ dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc.
Hình ảnh thiên nhiên đã làm nền cho hình ảnh con người xuất hiện. Trong cuộc hành quân vất vả, người lính Tây Tiến hiện lên không tránh khỏi sự vất vả “đoàn quân mỏi”. Quang Dũng đã ghi lại hiện thực đó. Thậm chí không giấu giếm được sự hi sinh
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Người lính Tây Tiến coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cái bi đã được nâng đỡ bằng đôi cánh lãng mạn làm cho cái bi trở thành bi tráng. Trên chặng đường hành quân, người lính Tây Tiến ở lại một bản làng và bữa cơm đầu mùa tỏa hương nếp mới đã xua tan nhọc nhằn đời lính và đưa họ về cuộc sống đời thường
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Bằng bút pháp lãng mạn, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc và hình ảnh người lính trong cuộc hành quân đầy gian khổ.
Ở đoạn thứ hai, nhà thơ đã nhớ về những kỉ niệm đẹp của tình quân dân và cảnh sông núi miền tây đầy thơ mộng của Tổ quốc. Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng đã đẩy lùi cảnh núi rừng hoang vu, hiểm trở, dữ dội mà mở ra một thế giới khác vùng Tây Bắc. đó là cảnh đêm liên hoan văn nghệ, cảnh sông nước mênh mang trong buổi chiều sương. Khi màn đêm buông xuống cũng chính là lúc buổi liên hoan văn nghệ bắt đầu “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”. Hình ảnh em trong đoạn thơ chính là trung tâm là linh hồn của buổi văn nghệ
“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Đó là cô gái dân tộc dịu dàng, duyên dáng trong bộ trang phục của dân tộc, trong vũ điệu của dân tộc. Tất cả đã tạo nên vẻ thu hút của người con gái đối với những người lính Tây Tiến.
Nếu đêm liên hoan văn nghệ mang đến cho người đọc không khí say mê, ngây ngất, thì cảnh sông nước vùng Tây bắc gợi lên cảm giác mênh mông, huyền ảo
“Người đi Châu Mộc chiều hôm ấy
Có thấy hồn ai nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Nhà thơ không tả mà chỉ gợi, vậy mà cảnh vật hiện lên vẫn rất thơ mộng. Trên dòng sông ấy là một cô gái duyên dáng, uyển chuyển, khéo léo trên chiếc thuyền độc mộc, giữa dòng nước lũ. Hình ảnh đó tạo nên một vẻ đẹp lãng mạn cho bức tranh thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Ngòi bút tài hoa của tác giả được thể hiện tập trung ở đoạn này, chất nhạc hòa quyện chất thơ. Bằng bút pháp lãng mạn,tác giả đã vẽ ra bức tranh thiên nhiên thơ mộng, duyên dáng, mĩ lệ của núi rừng Tây Bắc.
Đến với đoạn thơ thứ ba, nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa chân dung của người lính Tây Tiến. Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện lên vừa lãng mạn, vừa bi tráng vừa kiêu hùng. Bằng bút pháp lãng mạn, nhà thơ đã khắc họa thành công bức tượng đài bất tử của người lính Tây Tiến. Nhớ đến Tây Tiến, tác giả nhớ đến những tháng ngày đẹp đẽ, hào hùng, say mê. Xa Tây Tiến nhưng tâm hồn, tình cảm của tác giả vẫn gửi gắm ở nơi ấy, những nơi mà đoàn quân Tây Tiến đã đi qua
“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
“Tây Tiến” là một bài thơ toàn bích. Bài thơ đã tái hiện được vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng của đoàn quân Tây Tiến. Qua bài thơ này, ta thấy tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó với đoàn quân Tây Tiến của tác giả. Bài thơ kết tinh nhiều sáng tạo nghệ thuật của tác giả: bút pháp tạo hình đa dạng, ngôn ngữ vừa quen thuộc vừa độc đáo,vừa có nét cổ kính vừa có nét mới lạ, bút pháp lãng mạn và tinh thần bi tráng.