Tìm Kiếm

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, Bài văn mẫu số 1

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, Bài văn mẫu số 1

Hướng dẫn

Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ ” Chiều tối ” ( Mộ ) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn lớp 11

Bài 1:

Hồ Chí Minh – Tên gọi thiết tha mà tất cả con dân Việt Nam đều ghi tạc trong tim với lòng yêu quý, kính trọng vô bờ bến. Trong quá trình tìm đường cứu nước cho dân tộc, Bác đã phải chịu nhiều gian khó, khổ cực, bị bắt giam nhiều lần, chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác, bị tra tấn giã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, ở Người vẫn ánh lên một niềm lạc quan, một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Bài thơ “ Mộ” ( chiều tối) được rút ra từ tập “ Nhật ký trong tù” đã phần nào thể hiện được tinh thần ấy của Bác. Bài thơ chỉ đơn giản là tả cảnh nơi thôn dã vào buổi chiều tối, nhưng ẩn sâu trong đó là một ước mơ tự do cho bản thân, ước mơ được trở về quê hương để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Sau ba mươi năm, Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước trở về Việt Nam thành lập” Hội Việt Minh”. Tháng 8/1942 với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, Bác sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. sau nửa tháng đi bộ đến Túc Vinh, Quảng Tây, Trung Quốc, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch băt giam vô cớ. Trong mười ba tháng tù, Bác vẫn viết thơ. Bác đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán, viết trong cuốn sổ tay đặt tên là “ Ngục trung nhật ký” ( Nhật ký trong tù). Bài thơ “Chiều tối” ( Mộ) là bài thơ số 31 của tập thơ. Cảm hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao của Bác từ nhà tù Tĩnh Tây đến nhà tù Thiên Bảo vào cuối năm 1942.

Mở đầu bài thơ là bức tranh về thiên nhiên nơi núi rừng lúc chiều tối trên đường Bác bị giải lao. Với vài nét chấm phá, hai câu thơ đầu của bài thơ đã để lại một bức tiểu họa về cảnh thiên nhiên vùng sơn cước ở thời điểm “ Chiều tối”.

“ Quyền điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

( chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Bài thơ mở đầu với vài nét chấm phá: “ cánh chim” và “ chòm mây” mang màu sắc cổ thi rõ nét. Hai hình ảnh ấy tạo bầu không gian cao rộng, khoáng đãng, thể hiện điểm nhìn lên của Bác “ luôn ngẩng cao đầu trong hoàn cảnh tù đày”. Buổi chiều ấy dường như ta đã bắt gặp đâu đó ở trong thơ xưa của bà Huyện Thanh Quan:

 

“ Bước xuống đèo ngang bóng xế tà”

Hình ảnh cánh chim và chòm mây vốn là những thi liệu quen thuộc trong thơ cổ dùng đẻ miêu tả buổi chiều tối như một bút pháp miêu tả thời gian:

“ Chim bay về núi tối rồi”

Điểm mới mẻ ở đây là nếu như trong thơ cổ, cánh chim thường bay về chốn vô cùng vô tận, gợi cảm giác xa xăm, phiêu bạt, chia lìa, mang cái buồn thương, u uẩn thì cánh chim trong thơ Bác lại gợi sự gần gũi, yêu thương hơn bao giờ hết. Nó chỉ là cánh chim bay về tổ ấm sau một ngày mỏi mệt kiếm ăn. Cái hay ở chỗ nhìn cánh chim bay mà thấy được “ quyện điểu”, nhìn dáng chim bay mà thấy được sự mỏi mệt của nó. Điều đó cho thấy Bác có thể nhìn thấy sự vận động bên trong của cánh chim kia. Cái nhìn ấy gợi lên sự hòa hợp và cảm thông giữa tâm hồn Bác với cảnh vật thiên nhiên bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên mênh mông của Bác dành cho mọi sự sống trên đời: bên cạnh” quyện điểu quy lâm” là “ cô vân mạn mạn”. Bài thơ dịch khá uyển chuyển nhưng đã làm mất đi sự lẻ loi, trôi nhẹ, lửng lờ của chòm mây. Người dịch đã bỏ sót từ “ cô” và chưa thể hiện hết ý nghĩa của từ láy “mạn mạn”. Căn cứ vào nguyên âm, chòm mây lẻ loi, lơ lửng, trôi nhẹ trên bầu trời. Nó không chỉ làm cho không gian thêm cao, thêm khoáng đãng mà còn thể hiện nỗi buồn bâng khuâng của người tù cách mạng. Nhưng buồn mà không bị lụy, không hiu hắt như trong thời cổ. Mặc dù trong câu dịch “’ Chòm mây trôi nhẹ giữa tần không” chưa được sát nghĩa nhưng cũng thấy cái hay riêng của nó.Chòm mây trôi nhẹ nhàng như chính tâm hồn người chiến sỹ ung dung, tự tại bị giải tù như đang đi hưởng ngoạn cảnh chiều tối, thả tâm hồn thi sĩ chứ không còn là cảnh khắc nghiệt tù đày nữa. Điều đó cho thấy Bác không hề để lộ sự buồn tủi, cô đơn của mình. Đây chính là “ tinh thần thép” của người tù – thi sĩ cách mạng Hồ Chí Minh. Nhìn chung, với bút pháp miêu tả chấm phá, hình ảnh ước lệ tượng trưng mang nét cổ điển, hai câu thơ đầu của bài thơ đã khắc họa bức tranh phong cảnh chiều tối thật đẹp, đặc trưng, bình dị, gần gũi nhưng đượm buồn, ẩn sâu trong bức tranh ấy là con người yêu thiên nhiên, vượt qua hoàn cảnh khắc của bản thân đẻ hướng lòng mình ra cảm nhận thiên nhiên.

 

Trong cảnh thiên nhiên mênh mông, đượm buồn nơi núi rừng lúc chiều tối, bỗng xuất hiện con người:

“ Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lỗ nhĩ hồng”

( Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

Sinh thời Hồ Chí Minh chỉ có một ao ước mà ao ước đó luôn hướng về nhân dân, nhân dân ở đây không chỉ là dân tộc Việt Nam mà còn là nhân dân cần lao trên thế giới. Đó chính là tinh thần nhân đạo lớn lao của Quốc tế cộng sản. Câu thơ nguyên bản “ Sơn thôn thiếu nữ” dịch là “ Cô em xóm núi” đã làm mất đi cái nhìn trân trọng của Bác đối với con người, giọng điệu trang trọng trong câu nguyên bản không được thể hiện trong lời dịch. Hình ảnh người phụ nữ đã xuất hiện nhiều lần trong thơ chữ Hán, nhưng phần lớn họ đều thuộc tầng lớp thượng lưu. Phần lớn họ mang nỗi buồn thương man mác vì chiến tranh sinh li từ biệt hay lỡ dỡ tình duyên. Cái mới trong thơ Bác là cũng viết về hình ảnh người phụ nữ lao động mang sự trân trọng, yêu thương và niềm vui của tình cảm nhân đạo.Hai chữ “ thiếu nữ” gợi vẻ trẻ trung, tươi tắn cùng hoạt động xay ngô làm hiện lên vẻ đẹp khỏe khoắn, nhịp nhàng trong lao động. Trong thơ xưa, hình ảnh con người xuất hiện làm tăng thêm vẻ hùng vĩ của thiên nhiên như Bà Huyên Thanh Quan đã viết:

“ Lom khom dưới núi tiều vài chú”

Đến vơi thơ bác, hình ảnh con người trở thành hình ảnh trung tâm của bức tranh thiên nhiên. Hình ảnh ấy đã làm xôn xao cả buổi chiều cô quạnh, làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh cuộc sống của con người.

Không chỉ vậy, nét hiện đại trong hai câu thơ cuối cũng chính là nghệ thuật biểu hiện tài hoa của Bác ở chỗ tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh chiều tối mà không hề dùng một tính từ chỉ thời gian nào. Cả bài thơ không xuất hiện chữ “ tối” mà người đọc vẫn thấy được chữ “ tối”. Bác đã dùng ánh lửa của lò than để chỉ thời gian( trời đã tối mới nhìn thấy lò than rực hồng). Hơn thế nữa, chúng ta còn cảm nhận được bước đi của thời gian. Cô gái xay ngô khi trời còn sáng, xay ngô xong rồi thì trời đã tối. Biện pháp điệp liên hoàn “ ma bao túc – bao túc ma hoàn” gợi cho người đọc cảm thấy thời gian đang vận động, đang xoay theo từng vòng quanh của chiếc cối xay ngô. Vòng quay của cối xay ngô chấm dứt, công viếc kết thúc cũng là lúc ánh lửa lò than vừa đỏ, ánh lửa ấm nồng xuất hiện thật bất ngờ, tỏa sáng cả màn đêm, xua tan đi cái lạnh lẽo nơi núi rừng. Chữ “ Hồng” tạo thần thái cho cả bài thơ, hai câu thơ cuối đã gợi lên sự đồng cảm của tâm hồn

 

“Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng”

Bài thơ đã cho thấy sự vận động của mạch thơ, mạch tư tưởng của thi sĩ – người tù cách mạng: từ tối đến sáng, từ buồn sang vui, từ tàn lụi đến sinh sôi nảy nở, từ cô đơn lạnh lẽo sang ấm nóng tình người. Tất cả góp phần khắc họa lên bức tranh thiên nhiên, đồng thời miêu tả về con người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ung dung, tự tại trong mọi cảnh ngộ.

Sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, sử dụng biện pháp điệp liên hoàn cùng với hình ảnh ước lệ tượng trưng đã góp phần không nhỏ trong việc miêu tả bức tranh thiên nhiên, con người nơi núi rừng Quảng Tây.

Qua bài thơ, người đọc không chỉ thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người mà còn là hình ảnh của một con người vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt luôn ung, tự tại trong mọi cảnh ngộ của thi sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh.

Xem thêm: Những bài văn mẫu phân tích bài thơ Chiều tối: Chiều tối

Theo Sachvanmau.com