Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, Bài văn mẫu số 3
Hướng dẫn
Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ ” Chiều tối ” ( Mộ ) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn lớp 11
Bài 3:
Hồ Chí Minh là một nhà thơ yêu nước, trên con đường giải phóng dân tộc của mình Người đã phải chịu biết bao gian lao cực khổ, nhiều lần bị bắt giam và chuyển hết từ nhà lao này đến nhà lao khác nhưng trong người vẫn ánh lên một tinh thần lạc quan, yêu đời. Bài thơ “Mộ” chính là một bài thơ như thế. Bài thơ được trích trong tập “Nhật kí trong tù” đã thể hiện được phần nào tinh thần ấy của Người. Bài thơ
Không chỉ thể hiện bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng mà còn là nỗi lòng của người chiến sĩ cách mạng đầy lạc quan yêu đời- tinh thần “thép” Hồ Chí Minh.
Mở đầu bài thơ là phong cảnh nơi núi rừng được cảm nhận qua con mắt người tù tay gông cùm, chân vướng xiềng:
“ Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Hình ảnh cánh chim, chòm mây là những hình ảnh thường thấy trong thơ đường hiện lên bằng vài nét chấm phá, gợi chữ không tả, tạo nên vẻ đẹp cổ điển cho bài thơ. Bác đang trong quá trình chuyển lao đầy cực khổ nhưng cảm hứng thi ca lại đến với bác rất tự nhiên. Trong khi những người khác nghỉ ngơi giữ sức thì Bác lại nhìn lên bầu trời cảm nhận thiên nhiên hòa mình với thiên nhiên. Hình ảnh cánh chim quyện điểu là hình ảnh gần gũi gợi không gian cao, rộng, mênh mông. Chim sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi cũng trở về tổ của mình. Cũng giống như trong thơ xưa, trong ca dao cổ thơ bác cũng có hình ảnh cánh chim nhưng lại là cánh chim mỏi chứ không phải chim đang giang rộng cánh bay. Làm sao bác biết là cánh chim mỏi và làm sao có thể nói chắc rằng chim đang bay về rừng tìm chỗ ngủ như từ trong lòng chim mà ra. Phải chăng đó là sự đồng điệu giữa tâm hồn nhà thơ và vạn vật thiên nhiên. Sự đồng điệu đó bắt nguồn từ tình yêu thương vô bờ bến của bác dành cho mọi sự sống trên đời.
Hình ảnh cô vân là hình ảnh gần gũi gợi một không gian bao la rộng lớn. trên không trung chỉ lửng lơ một chòm mây làm sao Bác lại có thể cảm nhận được chuyển động của chòm mây cô đơn ấy để có thể ngắm nhìn những vận động của thiên nhiên, người nhìn phải có một tâm thế ung dung, thư thái. Từ đó ta có thể thấy được tâm thái ung dung, bình tĩnh, yêu đời, yêu thiên nhiên của người tù cách mạng.
“ Cô vân mạn mạn độ thiên không” ý thơ dịch tuy hay nhưng không sát nghĩa với từ “ cô vân”, phần dịch thơ dịch thành trôi nhẹ chưa thể hiện được sự cô đơn, đơn độc của chòm mây. Từ trôi nhẹ cũng chưa thể hiện rõ ý của mấy từ “ mạn mạn độ”. “ Độ thiên không” là khoảng cách từ chân trời này đến chân trời kia, đường đi của chân mây mới xa vời biết bao. Hình ảnh “ cô vân” phải chăng là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác. Một người tù bị lưu đày xa xứ, xa quê hương biết đến bao giờ mới được về lại quê hương để tiếp tục sự nghiệp còn giang dở.
Hai câu thơ đầu của bài thơ đã vẽ lên một phong cảnh miền núi tuyệt đẹp, tinh tế, ẩn chứa trong đó là nỗi niềm khao khát tự do của người tù cách mạng. Trong khi hai câu thơ trước nói về cảnh núi rừng hoang vu thì trong hai câu thơ tiếp đã xuất hiện cảnh sinh hoạt của con người:
“ Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
( Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Hình ảnh “thiếu nữ xay ngô và lò than hồng” là những hình ảnh chân thực, sinh động là điểm nhấn của toàn bài thơ. Cũng chính hai hình ảnh này đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho toàn bài thơ, câu thơ có sự xuất hiện của con người, có hoạt động khỏe khoắn của con người tạo nên sự trẻ trung, sức sống tươi mới cho bài thơ. Câu thơ “ cô em xóm núi xay ngô tối” chưa dịch đúng với từ “ thiếu nữ” của Bác. “Thiếu nữ” thể hiện sự trân trọng của Bác với cô gái lao động xóm núi, còn phần dịch thơ thì không. Phần dịch thơ cũng chưa làm rõ được nghệ thuật điệp liên hoàn. “ ma bao túc”, “ bao túc ma hoàn” chỉ sự vận động của thời gian theo những vòng xoay của cô gái, trời đang tối dần, tối dần.
Hình ảnh bếp lửa hồng chính là điểm nhấn của toàn bài thơ. Bếp lửa hồng là biếu tượng cho sự sum họp gia đình, không khí ấm cúng cùng quây quần bên bếp lửa. Phải chăng ẩn chứa sâu trong đó là khao khát về nỗi nhớ gia đình, quê hương của nhà thơ khi còn đang bị đày ải nơi xứ người. Trần Trung Thông từng nói: chỉ với một chữ “ hồng” Bác đã làm sáng rực lên toàn bài thơ, xóa tan đi mọi sự mệt mỏi, sự nặng nề, sự vội vã của ba câu thơ đầu, sáng rực lên khuôn mặt của cô em xóm núi sau khi xay ngô tối xong. Trong thơ Đường chữ “ Hồng” người ta gọi là “ con mắt thơ” ( thị nhãn hay nhã tự) nó sáng bừng lên, nó cô tụ lại chỉ với một chữ “ Hồng” cùng hai bảy chữ khác dù có nặng nề đến đâu đi chăng nữa thì vói chữ “ Hồng” ấy có ai còn cảm giác nặng nề, mệt nhọc nữa đâu.
Bài thơ cho thấy sự vận động của mạch thơ, mạch cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ – người tù cách mạng từ tối đến sáng, từ buồn sang vui, từ tàn lụi đến sinh sôi nảy nỡ, từ cô đơn lạnh lẽo đến ấm nóng tình người. Tất cả góp phần thêm hiện rõ niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của chiến sỹ cách mạng Hồ Chí Minh, luôn ung dung tự tại trong mọi cảnh ngộ cuộc đời.
Qua bài thơ với thủ pháp đối lập, biện pháp điệp liên hoàn, cùng với những từ ngữ cô động hàm súc, bút pháp cổ điển kết hợp với hiện đại, nhà thơ đã khắc họa thành công bức tranh phong cảnh thôn dã cùng niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của người chiến sỹ cách mạng.Bài thơ chính là tâm hồn và nhân cách Người luôn yêu cuộc sống, luôn ung dung, tự tại, lạc quan yêu đời trong mọi cảnh ngộ cuộc đời.
Xem thêm: Những bài văn mẫu phân tích bài thơ Chiều tối: Chiều tối
Theo Sachvanmau.com