Tìm Kiếm

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, Bài văn mẫu số 4

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, Bài văn mẫu số 4

Hướng dẫn

Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ ” Chiều tối ” ( Mộ ) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn lớp 11

Bài 4:

Nhắc đến chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài sự nghiệp chính trị lừng lẫy, người ta còn biết bác là nhà văn, nhà thơ lớn. Trong sự nghiệp thơ văn của Bác, chắc có lẽ Nhật ký trong tù là tập thơ tiêu biểu nhất. “ Nhật ký trong tù” được Bác sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tướng Giới Thạch bắt giam tháng 8- 1942 đến tháng 9 – 1943. Tập thơ gồm 134 bài được viết bằng chữ Hán và được ghi vào một cuốn sổ tay. Tập thơ là bức chân dung tự họa của một nhà chính trị, đại nhân, đại dũng.

Chiều tối bài thơ số 31 là tác phẩm đặc sắc tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Cũng giống như nhiều tác phẩm khác, “Chiều tối” hiện lên con người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, luôn ung dung tự tại, lạc quan.

“ Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Ma túc bao hoàn lô dĩ hồng.”

Bức tranh thiên nhiên chiều tối được hiện lên qua ánh nhìn, qua cặp mắt của người tù tay đeo gông, chân vướng xiềng.

 

“ Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch thơ:

“ Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Tầng mây lơ lửng giữa tầng không”

Với biện pháp tả cảnh ngụ tình “ chim mỏi” tác giả cũng thấy mệt mỏi sau một ngày chuyển lao giống như chim kiếm ăn sau một ngày cũng sẽ trở về tổ. Buổi chiều thường là lúc đoàn tụ, có khi cũng là niềm cô đơn đối với người không có chốn để về.

Trên tầng không chỉ có chòm mây nhẹ trôi. Giữa thiên nhiên rộng lớn, bao la và hùng vĩ thì con người và cảnh vật dừng lại, còn chòm mây ấy cứ nhẹ nhàng trội. Chòm mây như Bác vậy, trong cảnh tù tội, cô đơn ấy vẫn phải bước đi. Mây nhẹ nhàng trôi, cô đơn lặng lẽ Bác cũng lặng lẽ cô đơn.

Bức tranh thiên nhiên đẹp, gần gũi, bình dị nhưng đượm buồn. Ẩn đằng sau ta thấy hiện lên là một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, vượt lên hoàn cảnh của bản thân và hướng lòng mình ra để cảm nhận thiên nhiên.

Nếu ở hai câu đầu là bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng đẹp và đượm buồn thì hai câu sau là bức tranh gần gũi, giản dị của một địa phương ven núi, nổi bật trong đó là hình ảnh cô gái lao động.

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

 

Ma túc bao hoàn lô dĩ hồng.”

Dịch thơ:

“ Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay xong lò than đã rực hồng”

Hình ảnh cô thôn nữ hiện lên như một điểm sáng, làm cho bài thơ sinh động hơn, vui tươi hơn. Đó là vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh. Trong bức tranh có sự xuất hiện của con người lao động khỏe khoắn, dẻo dai. Bác sự dụng biện pháp điệp ở cuối câu ba và đầu câu bốn như những vòng xoay của cô gái tiếp nối nhau hay sự tuần hoàn của thời gian, trời đã tối – tối dần.. Một từ “ Hồng” được đặt đúng chỗ làm bừng sáng cả bài thơ, làm ấm áp không gian yên tĩnh, lạnh lẽo của thiên nhiên, hình ảnh lò than gắn với hình ảnh sinh hoạt của người lao động gợi lên sự mơ ước về một gia đình của tác giả.

Bác luôn là như vậy, qua hai câu trên cho ta thấy tâm hồn nhà cách mạng. Yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống luôn khao khát hòa bình, hạnh phúc.

Góp phần vào sự thành công của tác phẩm, ta không thể không nhắc đến những đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ. Đầu tiên, về việc tác giả đã sử dụng các từ ngữ cô đọng, hàm súc. Tác giả cũng đã sử dụng linh hoạt biện pháp đối, điệp liên hoàn. Đồng thời tác giả cũng cho thấy sự kết hợp hài hòa giũa bút pháp cổ điển và hiện đại. Với những điều này, bài thơ đã khắc sâu ấn tượng trong lòng người đọc.

 

“Chiều tối” đã thể hiện rõ tâm hồn nhân cách của người nghệ sỹ – chiến sỹ Hồ Chí Minh, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống, luôn kiên cường vượt qua mọi cảnh ngộ của cuộc đời, luôn ung dung tự tại và lạc quan trong đời sống.

Xem thêm: Những bài văn mẫu phân tích bài thơ Chiều tối: Chiều tối

Theo Sachvanmau.com