Tìm Kiếm

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

Bài làm

Những câu tục ngữ, thành ngữ như “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Chết vinh còn hơn sống nhục”,.. đều rất quen thuộc với mỗi chúng ta. Nội dung ý nghĩa của các câu đó đều đề cao lòng tự trọng của mỗi cá nhân. Vậy lòng tự trọng là gì?

Lòng tự trọng là biết coi trọng, giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Nói cách khác đó chính là sự tôn trọng và ý thức được giá trị của bản thân, không làm những việc trái với lương tâm, đạo đức. Lòng tự trọng là một tính cách rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta và được biểu hiện trong nhiều khía cạnh.

Trong học tập, làm việc hay bất cứ hoạt động nào khác, tự trọng là sự trung thực, thành thật, không dối trá, bao biện. Đối với lứa tuổi học sinh, điều đó được thể hiện qua các giờ kiểm tra, thi khảo sát nghiêm túc, không quay cóp hay trao đổi bài trong giờ. Có thể bài kiểm tra sẽ đạt điểm không cao nhưng đó là kiến thức, năng lực của bản thân. Chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn vị trí của bản thân để không ngừng nỗ lực và cố gắng. Đối với công việc, tự trọng là dám chịu trách nhiệm với hành động mình gây ra chứ không đổ trách nhiệm cho người khác. Sống ngay thẳng, trung thực cũng là cách tôn trọng bản thân.

 

Trong sản xuất, các công ty thực phẩm, các nhà sản xuất tiêu dùng có lòng tự trọng là những người không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Chúng ta đã từng biết đến những vụ việc về mất vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng con người hay những vụ việc làm hàng giả, hàng nhái…Nếu họ là người có lòng tự trọng thì họ đã không vì đồng tiền làm mù quáng. Chính họ không biết coi trọng và giữ gìn nhân cách của mình, không biết điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực xã hội  nên đã kéo theo những hậu quả khôn lường.

Lòng tự trọng còn được biểu hiện trong cách cư xử đúng mực với mọi người. Khi đảm nhận một nhiệm vụ nào đó thì cũng phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm với những gì mình đã làm. Chúng ta cần chủ động, tự giác trong mọi công việc để không bị người khác chê trách hay nhắc nhở.Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết giữ lời hứa với chính bản thân và với người khác. Bởi nếu ngay cả chúng ta không biết tôn trọng bản thân, nhân phẩm của mình thì người khác cũng không thể coi trọng chúng ta.

Lòng tự trọng là một phẩm chất tốt đẹp, là thước đo giá trị, nhân cách con người. Nó giúp ta có được tính cách trung thực, ngay thẳng và trách nhiệm, giúp ta vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Vì khi con người sống đúng với lương tâm thì sẽ không có gì phải hối tiếc hay ân hận. Bên cạnh những người có lòng tự trọng  được mọi người yêu quý thì vẫn còn có những cá nhân làm những việc trái với đạo đức, đi ngược lại với những chuẩn mực xã hội làm ảnh hưởng đến cộng đồng, tập thể. Những hành động đó cần lên án và bài trừ.

 

Để rở thành người có lòng tự trọng, trước hết mỗi cá nhân phải xây dựng cho mình một lối sống trung thực, hướng đến những giá trị sống tốt đẹp. Sống có trách nhiệm với những hành động của bản thân, coi trọng bản thân. Đồng thời biết tiếp thu những góp ý của người khác bằng thái độ tích cực để nhân cách bản thân được hoàn thiện.