Tìm Kiếm

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn lớp 11. đề 8

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn lớp 11. đề 8

Hướng dẫn

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XII

TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN

TỈNH THÁI NGUYÊN

ĐỀ THI ĐÈ XUẤT

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

LỚP 11

(Đề này có 2 trang, gồm 2 câu)

Câu 1 (8 điểm):

VAI KỊCH CUỐI CÙNG

Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.

Một buổi chiều, ông thường ra nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.

Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.

Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: “Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người.”

Hôm sau người em thấy ông mở chiếc vali hóa trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc veston cũ, mặc rồi chống gậy đi. Ông nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu…”

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.

Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào của nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.

Anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ vê câu chuyện trên.

Câu 2 (12 điểm):

“Thế giới nghệ thuật của một tác giả được tạo nên từ những phát hiện riêng về chân lý đời sống và những triết lý riêng về nhân sinh “

(Trích “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” – Nguyễn Đăng Mạnh, NXB Giáo dục, 2002).

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua các sáng tác của Xuân Diệu hoặc Nam Cao.

………………..HẾT…………………

Người ra đề:Trần Thị Minh Tâm.

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN: Ngữ Văn, LỚP: 11

CâuNội dungĐiểm

1

1. Ý nghĩa câu chuyện:

– Câu chuyện diễn ra ở một ngôi làng vắng vẻ ở một vùng núi. Ở nơi đó ngày nào cũng có một cậu bé ngồi đợi chuyến tàu đi qua. Với cậu chuyến tàu đó là hình ảnh đẹp đẽ, nhộn nhịp, tươi vui nhất. Chuyến tàu mang đến những điều mới lạ, đầy hy vọng. Ngày nào cậu cũng đợi trong sự hồi hộp, khi chuyến tàu đi qua cậu háo hức đưa tay vẫy, hi vọng sẽ có người vẫy chào, nhận ra niềm hạnh phúc trong ngóng trông của cậu. Hình ảnh cậu bé đợi tàu, vui mừng đón chào chuyến tàu băng qua là biểu tượng của khát khao giao hòa cùng cuộc sống, tìm kiếm niềm vui, làm tươi sáng cuộc đời cậu nơi vùng núi vắng vẻ. Trái tim đó không bình lặng mà luôn khao khát, luôn ấp ủ những ước mơ trong cuộc sống.

– Thế nhưng bao nhiêu ngóng trông, bao nhiêu xúc cảm của cậu như bị chặn lại trước sự lạnh lùng của những hành khách. Không một ai trong chuyến tàu vẫy chào cậu, dù hình bóng của cậu, hành động của cậu luôn lặp lại ngày này qua ngày khác với rất nhiều chuyến tàu lướt qua. Họ mỏi mệt sau nhiều giờ dài ngồi tàu và bỏ rơi hình ảnh một câu bé đang vẫy tay rất tươi vui và đầy nhiệt thành. Sự mệt mỏi làm cho con người trở nên lạnh lùng, thờ ơ và vô cảm. Sự ích kỷ cá nhân đã lấn át trái tim yêu thương và sự sẻ chia của con người trong cuộc đời. Điều đó như một lưỡi dao giết chết niềm tin, ước mơ, khát vọng của con người trong cuộc sống.

– Thái độ của hành khách trên xe dù đáng buồn nhưng không dập tắt được những ước mơ, ý chí của cậu bé. Ngày nào cũng thế cậu vẫn mải miết, kiên nhẫn đợi chuyến tàu đi qua. Bóng dáng bé nhỏ của chú bé đã ánh lên tinh thần, niềm tin bất diệt của con người, không có một khó khăn hay trở ngại nào có thể làm trái tim kia lung lay và từ bỏ khát vọng. Mỗi ngày trôi qua, ngóng chờ những chuyến tàu vụt qua, cậu bé đang nuôi dưỡng, bồi đắp thêm cho hy vọng của cuộc đời cậu một cách nhẫn nại.

– Hành động, thái độ vô vọng của cậu bé đều được người diễn viên già chứng kiến. Ngày tháng cứ mòn mỏi trôi, ông không thể vô tình coi như không có chuyện gì xảy ra. Người diễn viên đó quyết định đóng một vai phụ – một hành khách trên chuyến tàu và vẫy chào cậu bé. Việc làm rất nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa. Nó đã khích lệ tinh thần cậu bé, tiếp thêm cho cậu sức mạnh và niềm tin, là bệ đỡ cho những bước đường tương lai của cậu. Ngưỡi diễn viên già đã sắm một vai trên “sân khấu cuộc đời”, một vai diễn xuất phát từ tình yêu thương, sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc, biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh. Hành động tuy nhỏ nhưng làm cuộc sống trở nên ấm áp, thức tỉnh bao trái tm con người.

=> Câu chuyện cảm động đã nêu lên một bài học cuộc đời sâu sắc: Sống và nuôi dưỡng niềm tin, kiên trì nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ; hãy luôn yêu thương, đừng lạnh lùng vô cảm.

2. Bình luận:

– Niềm tin và tình yêu thương là những tình cảm nồng nhiệt, đẹp đẽ của con người, tình cảm cho đi không cần nhận lại, giúp con người có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn thử thách, là động lực để con người ngày càng hoàn thiện hơn, khi đó đau khổ vơi bớt, hạnh phúc được nhân đôi, giúp con người bước tới thành công.

– Đánh mất niềm tin cuộc sống, sống lạnh lùng vô cảm, con người sẽ chìm trong âm u, đen tối và hèn kém..

3. Mở rộng, liên hệ:

– Câu chuyện về cậu bé đợi tàu và hành động của người diễn viên già đã cho chúng ta một bài học ứng xử quý giá trong cuộc sống.

Thấy được vai trò niềm tin và tình yêu thương trong cuộc sống, mỗi người phải bồi đắp cho mình những tìm cảm nhân văn cao đẹp để hoàn thiện bản thân, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

3,5 điểm

2

1. Giải thích:

– Thế giới nghệ thuật là hiện thực thứ hai mà người nghệ sĩ tạo ra để phản ánh cuộc sống, đó là một thế giới sinh động, là sự kết hợp hài hòa giữa cá tính nghệ sĩ và hiện thực khách quan. Nó là kết quả của tình yêu thương, những rung động lớn lao, sâu sắc và khả năng tiếp nhận xử lý thông tin một cách tài tình.

+ Thế giới nghệ thuật là những phát hiện riêng của người sáng tạo,biểu hiện những khát vọng chân thiện mĩ của chủ thể sáng tạo. Ở đó chứa đựng những triết lý riêng của người viết về nhân sinh – một thứ triết lý đầy tình cảm cảm xúc và nhiều hình tượng có sức ám ảnh.

– Phát hiện riêng về chân lý đời sống: là cách nhìn, cách nhận thức đúng đắn, tiến bộ, tinh nhạy, in đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ về cuộc sống.

– Triết lý nhân sinh riêng: là những lý luận, kiến giải, quân điểm lập trường của người nghệ sĩ về cuộc đời, về con người, những triết lý đó luôn cao đẹp, là sự trăn trở của những trái tim yêu thương vĩ đại.

=> Nhà văn phải có tài năng khám phá cuộc sống bằng trái tim nhiệt huyết, tạo dưng nên một thế giới nghệ thuật độc đáo, không trộng lẫn, từ đó bộc lộ triết lý cuộc sống cao đẹp của mình về cuộc đời.

=> Mỗi nhà văn là một thế giới, nhà văn này không thể thay thế nhà văn kia. Cho nên mỗi nhà văn bằng tài năng và cá tính sáng tạo của mình đều đóng góp cho sự phong phú đa dạng của một nền văn học.

2. Bình luận:(3 điểm)

Đây là một ý kiến đúng đắn vì:

– Hiện thực vô biên là nguồn nuôi dưỡng vô tận cho mọi cảm xúc thăng hoa. Mỗi người nghệ sĩ phải hòa mình vào cuộc sống để chắt được những mật ngọt của đời. Những con mắt nhìn tinh tế sẽ cảm nhận, nắm bắt, khám phá, phát hiện những điều khác thường trong những điều bình thường của ngàn vạn những lớp sóng cuộc đời. Sự nhạt nhòa, hời hợt hay rập khuôn, khô cứng trong việc phản ánh cuộc sống, xây dựng hình tượng sẽ bị chìm lấp trong sự quên lãng. Bởi vậy mỗi nhà văn luôn có ý thức đào sâu, tìm tòi, khơi nguồn để sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật vang ngân giọng điệu của riêng mình.

– Thế giới nghệ thuật là sự phản ánh hiện thực. Từ những yêu thương, cảm thông, căm giận… những tàn ác, xấu xa được phản ánh trong tác phẩm, nhà văn bộc lộ những kiến giải riêng về các cư xử của con người, về đạo đức cuộc sống, về số phận cuộc đời…Những kiến giải đó không trộn lẫn, mang cá tính và bản lĩnh của người nghệ sĩ sẽ ánh lên những bài học đáng quý về lẽ sống, có khả năng làm phong phú đời sống của người đọc khi tiếp cận tác phẩm. Những triết lý đó được kết tinh từ những trăn trở, nung nấu của người nghệ sĩ làm nên tư tưởng nghệ thuật lớn lao.

– Xây dựng nên một thế giới nghệ thuật riêng biệt là yếu tố làm nên sức sống vững bền cho một tác phẩm và vị trí của một tác giả trong dòng chảy văn học dân tộc..

– Để tạo dựng nên một thế giới nghệ thuật riêng cho mình nhà văn phải sống những tình cảm chân thành mãnh liệt của một trái trái tim vẹn tròn, phải cọ xát, va chạm với hiện thực cuộc sống, nhạy bén và tinh tế với những vận động đa dạng của hiện thực khách quan. Đặc biệt phải vận dụng điêu luyện phương tiện nghệ thuật từ ngôn ngữ, hình ảnh, cách tổ chức, sắp xếp các chi tiết để tạo dựng hình tượng nghệ thuật, tạo dấu ấn riêng của mình.

3. Chứng minh: Lựa chọn tác giả, tác phẩm để chứng minh

* Chứng minh qua sáng tác của Nam Cao:

Dù là người đến với làng văn khi đã có những tên tuổi lẫy lừng cả ở hai mảng đề tài: người nông dân và người trí thức, nhưng dường như đó là sự sắp đặt của tạo hóa để thử thách tài năng văn học, Nam Cao vẫn phát huy mạnh mẽ bản sắc độc đáo của mình.

– Đi vào thế giới nghệ thuật của ông ta nhận thấy hình tượng ám ảnh, cứ trở đi trở lại dù là người trí thức hay nông dân, đều là những con người bị đặt vào tình huống “áo cơm ghì sát đất” hoặc bị lăng nhục bởi miếng ăn và cái đói. Tuy nhiên Nam Cao không đơn thuàn dựng nên một cảnh đói nghèo vì sự áp bức, bóc lột mà vạch trần sự tha hóa của con người từ nhân hình đến nhân tính. Bởi vậy cùng là một người Nông dân bị bần cùng hóa nhưng nhân vật Chí Phèo vẫn điển hình và có sức sống bền vững hơn cả. Điều đó xuất phát từ cái nhìn bén nhạy, trái tim nồng nhiệt với cuộc sống và tài năng tạo dựng hình tượng của nhà văn

– Thông qua những hình tượng đó Nam Cao cũng thể hiện một quan niệm nhân sinh đầy tinh thần nhân văn: Hãy cứu lấy nhân phẩm của con người.

* Chứng minh qua tác giả Xuân Diệu:

– Xuân Diệu là đỉnh cao của phong trào Thơ mới, mà thơ mới là tiếng nói văn học của cái tôi các nhân cá thể. Xuân Diệu hơn bất kể một nhà thơ mới nào khác, không muốn hào tan cái tôi của riêng mình vào trong cái biển đời vô danh nhạt nhẽo “mờ mờ nhân ảnh”. Cái tôi cá nhân phải được tồn tại một cách đầy ý nghĩa trong đời sống. Xuân Diệu khẳng định cái tôi trong sự hòa hợp với cuộc đời. Con người ấy sợ sự cô độc, khát khao đến đau đớn được sống mãi với đời, được giao với tất cả. Ông muốn ôm tất cả cuộc sống này, riết lấy tất cả trong đôi tay hăm hở của mình. VÌ thế trong thơ ông mọi cảnh sắc đều phải ở độ tuyệt mĩ.

– Trong thế giới nghệ thuật của mình, ông xây dựng một quan niệm mĩ học chưa từng có trong thơ ca, nêu cao tư tưởng sống ‘vội vàng, cuống quít’ để tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống, luôn trân trọng cuộc sống hiện thực.

4. Đánh giá chung:

– Xây dựng thế giới nghệ thuật mang hình sắc riêng luôn là vấn đề trở trăn của bất cứ người nghệ sĩ nào. Đó là cơ sở khẳng định tài năng, vị trí của người cầm bút và những đóng góp của học trong quá trình sáng tạo.

– Nam Cao hay Xuân Diệu là những cây bút bản lĩnh, có biệt tài làm nên “cái giọng riêng biệt của chính mình “

2 điểm

3 điểm

 

Theo Sachvanmau.com