Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn lớp 11. đề 9
Hướng dẫn
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XII | ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN |
TRƯỜNG THPT CHUYÊN SƠN LA | LỚP 11 |
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT | (Đề gồm có 01 trang, 02 câu) |
Câu 1 (8 điểm)
Năm 1985, học giả Bách Dương, người Trung Quốc đã xuất bản cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” – một tập tiểu luận phơi bày những thói tật của người Trung Quốc và nền văn hóa đất nước này. Cuốn sách đã từng bị cách nhà chức trách liệt vào dạng sách cấm vì dám bôi nhọ người Trung Quốc. Tuy nhiên cùng với thời gian cuốn sách ngày càng được đón nhận nồng nhiệt và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Theo anh/ chị có thể dùng cách nói “Người Việt xấu xí” để nói về người Việt Nam không? Hãy viết bài luận bày tỏ những suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề này.
Câu 2 (12 điểm)
“Văn chương cần cho nhu cầu sống một cách sâu sắc của con người vì nó mang lại tiếng nói cho bất cứ những gì còn chưa được lên tiếng, mang lại tên cho những gì còn chưa có tên. Muốn thế, nhà văn phải là người khai phá những vùng chưa ai khai phá và biến các khám phá đó trở thành những địa hạt sống còn của tâm thức cộng đồng”.
(Phỏng vấn Italo Calvino- nhà văn Ý nổi tiếng đương đại- do tạp chí The Paris Review thực hiện năm 1983. Lâm Vũ Thao trích dịch).
Anh (chị) hiểu điều đó như thế nào?
…………………HẾT…………………
Người ra đề Vũ Thị Hồng Mai
HƯỚNG DẪN CHẤM
MÔN: NGỮ VĂN, LỚP:11
Lưu ý: Các cách giải khác hướng dẫn chấm, nếu đúng cho điểm tối đa theo thang điểm đã định.
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Giải thích: – Tính từ “xấu xí” được dùngở đây không nhằm đánh giá về hình thức bề ngoài của con người mà nhằm hướng tới những biểu hiện xấu xí trong nếp nghĩ, tính cách, thói quen, cũng như cách hành xử của con người trong cuộc sống. Đây là cách nói mang tính hàm ẩn, đề cập đến những mặt hạn chế, khuất tất, cần khắc phục trong cộng đồng người Việt nam nói chung. – Mượn nhan đề cuốn tiểu luận của học giả Bách Dương, đề bài đặt ra vấn đề: người Việt chúng ta có thực sự xấu xí trên những phương diện đó? | 2.0 |
Bàn luận: – Nhìn vào thực tế, quả thực ta hoàn toàn có thể khẳng định người Việt có những biểu hiện “xấu xí” từ suy nghĩ đến hành vi, từ tư duy đến lối sống: + Chỉ ra một số biểu hiện xấu xí của người Việt: > Trong tư tưởng và suy nghĩ: lối sống thụ động, tâm lí hưởng thụ dễ thỏa mãn với những gì mình có; bộc lộ quan điểm dè dặt, giữ mình; bệnh ham thành tích, bệnh thích hoành tráng, bệnh hiếu kì…thiếu tính kỉ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm… > Trong thói quen và hành vi: ăn uống, nói năng, cách cư xử, giữ vệ sinh, mua bán, công việc… + Nguyên nhân:hệ lụy của xã hội nông nghiệp cổ truyền khép kín; và giờ đây là sự tiếp thu không tỉnh táo những ảnh hướng xấu từ bên ngoài; nền kinh tế kém phát triển; đời sống văn hóa- tinh thần của con người chưa được chú trọng… + Hệ quả: hình ảnh người Việt trong con mắt người nước ngoài ngàymột xấu đi, giá trị của người Việt bị giảm sút, mất niềm tin với chính mình và bạn bè quốc tế… Đây là một sự thật đau lòng khiến cho những người Việt có lương tâm cảm thấy hổ thẹn và nhức nhối. | 3.0 | |
– Song nhìn một cách khách quan, không phải người Việt nào cũng như vậy. Người Việt không thiếu những người tốt, cách suy nghĩ và hành xử đáng tôn trọng…Đó là những tấm gương hi sinh vì cộng đồng, những con người đam mê sáng tạo, những con người với trái tim nhân ái… (Chứng minh bằng dẫn chứng cụ thể) Chính họ đã mang lại niềm tin rằng người Việt chúng ta không hoàn toàn xấu xí, góp phân tạo dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam trước bạn bè quốc tế. | 2.0 | |
Bài học: – Ý thức rõ mình là người Việt Nam, mình có những ưu điểm và nhược điểm gì, từ đó biết nỗ lực phản tỉnh, biết tách mình ra khói mình đề tự đánh giá và phê bình mình một cách khách quan và chân thực nhất – Phát huy những nét đẹp, bản sắc truyền thống và dần loại bỏ những tư tưởng, lối sống hủ lậu không phù hợp – Tích cực giao lưu, hội nhập với bạn bè quốc tế; chú trọng việc quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam | 1.0 | |
2 | Giải thích: | 2.0 |
(1)Văn chương cần cho nhu cầu sống một cách sâu sắc của con người vì nó mang lại tiếng nói cho bất cứ những gì còn chưa được lên tiếng, mang lại tên cho những gì còn chưa có tên – “Mang lại tiếng nói cho bất cứ những gì chưa được lên tiếng”: Cất tiếng nói thay cho những điều thiếu vắng của cuộc sống, những giá trị bị trấn áp, sự thật bị vùi lấp… – “Mang lại tên…” không chỉ có nghĩa là đặt tên, tìm cách định danh cho những điều còn khuyết danh mà hàm ẩn về việc văn học đề xuất giá trị mới hoặc định nghĩa lại, cắt nghĩa lại những sự vật hiện tượng tồn tại vô danh, thầm lặng không được quan tâm, là kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh nhằm khai sáng cho nhận thức của con người. | 1.0 | |
(2) Khai phá những vùng chưa ai khai phá – “Khai phá những vùng chưa ai khai phá”: Đòi hỏi nhà văn sáng tạo, nhà văn phải là người khai vỡ những đề tài mới. – “Biến nó thành địa hạt…”: Những điều mới mẻ, vùng đất mới mà nhà văn khám phá không thể chỉ mang tính cá nhân mà phải là những vấn đề nóng bỏng, nhức nhối và phải đạt tới giá trị phổ quát, trở thành cho tiếng nói chung của nhân loại. | 1.0 | |
Phân tích, chứng minh | 7.0 | |
“Lên tiếng cho những gì chưa được lên tiếng” – Văn học phản ánh, nhận thức cuộc sống con người theo quy luật của cái đẹp, của điều thiện do đó nó luôn hướng tới tìm kiếm những giá trị bị vùi lấp. Người cầm bút thường thay mặt cho chân lí, sự công bằng, cái đẹp mà lên tiếng. – Trong lịch sử văn học người ta thấy nơi công bằng bị trấn áp, nơi ước mơ không tồn tại ta có truyện cổ tích; Chỗ tình yêu bị bóp nghẹt ta có ca dao; Nơi sự thật bị che dấu ta có các thiên phóng sự… | 2.0 | |
“Mang lại tên những gì còn chưa có tên – Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ văn học có khả năng khám phá điều ẩn mật, khuất lấp của thế giới, kéo nó ra khỏi vùng khuyết danh; vật thế hóa cái trừu tượng, biến ý niệm thành hình tượng. – Mỗi tác phẩm văn học là sự thể hiện những kinh nghiệm cá nhân, những kiến giải riêng của tác giả về cuộc sống vì thế người nghệ sĩ đến với văn học là tìm cách đặt tên cho những gì còn chưa có tên nhằm đề xuất những giá trị mới giữa những giá trị quen thuộc…Ví dụ: “Người đàn bà làng chài” của Nguyễn Minh Châu gọi tên cho những người đàn bà vô danh, định danh, định giá lại sự hy sinh, lòng khoan dung, thấu hiểu mới thực sự là đức tính cao đẹp ở người phụ nữ khi văn học sử thi mải mê tôn vinh những phẩm chất lớn lao: “bất khuất”, “kiên cường”; “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải “đặt lại tên”- thẩm định lại giá trị: bà Hiền không phải là tư sản mà là tên gọi của bản lĩnh, lòng tự trọng, giá trị văn hóa thanh lịch thầm lặng tạo nên vẻ đẹp của nếp sống Hà Nội; “Thuốc” gọi đích danh căn bệnh “quốc dân tính” của người dân Trung Quốc… | 2.0 | |
“Muốn thế nhà văn phải là người khai phá những vùng chưa ai khai phá biến nó thành địa hạt sống còn của vùng tâm thức…” – Bản chất văn chương là lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, văn chương không chấp nhận sản phẩm cũ mòn.Nhà văn thực sự phải là người có phong cách, có thể khám phá những đề tài quen thuộc nhưng phải tạo ra được cách nhìn mới. – Nhưng những điều nhà văn khám dẫu mới mẻ nhưng nếu chỉ có ý nghĩa cá nhân, không có khả năng khái quát, không điển hình và không phải là vấn đề nhức nhối, liên quan đến vấn đề nhân sinh, chuyện sống còn của cả cộng đồng (sống hay chết, ấu trĩ hay tiến bộ, văn hóa – văn minh… ) thì văn học sẽ không có sức sống lâu bền. Và cách “mang lại tên mới” “mang lại tiếng nói” mới khi đó sẽ xa lạ, lạc loài, nhanh chóng bị vùi lấp. | 3.0 | |
Đánh giá: | 3.0 | |
– Nhận định đề cao thiên chức nhận thức, lí giải cuộc sống của văn học cũng như phẩm chất sáng tạo của người nghệ sĩ. – Cất tiếng nói cho những điều còn bị vùi lấp, mang lại tên cho những gì còn chưa được vinh danh, văn học chân chính góp phần thể hiện ý thức đối thoại giữa tiếng nói ngầm với những tiếng nói công khai, giữa khuyết danh và hữu danh đồng thời giúp con người nhận thức cuộc sống sâu sắc hơn, đưa văn học đến gần hơn với cuộc sống, cải tạo cuộc sống. – Cần thấy “lên tiếng”, “mang lại tên” cho những gì chưa được lên tiếng, chưa có tên luôn không phải là cố tình “lạ hóa” nhằm tạo ra sự khác biệt |
Theo Sachvanmau.com