Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn lớp 11. đề 12
Hướng dẫn
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ VII TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG – TỈNH QUẢNG NINH
| ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN LỚP 11 (Đề này có 02 câu; gồm 01 trang) |
Câu 1 (8 điểm):
Anh/chị hãy viết một bài văn với chủ đề: Những con đường để làm giàu trí tuệ cho bản thân mình.
Câu 2 (12 điểm):
Bàn về Giọng điệu trong thơ trữ tình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, giọng điệu bao giờ cũng được tổ chức một cách công phu bởi nó là một cách nói, một phương diện bộc lộ chủ thể tác giả nhà văn.”
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Chứng minh qua việc phân tích giọng điệu một bài thơ trữ tình trong phong trào Thơ mới anh/chị đã học ở chương trình Ngữ văn 11.
——— HẾT ———-
(Người ra đề:
Nguyễn Minh Huệ –
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn: Ngữ văn (Lớp 11)
(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | ||
Anh/chị hãy viết một bài văn với chủ đề: Những con đường để làm giàu trí tuệ cho bản thân mình. | 8,0 | |
I. Yêu cầu về kĩ năng: – Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội theo hướng mở, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, đưa ra ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề. – Bài viết có bố cục mạch lạc; hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng; dẫn chứng thuyết phục; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau: | ||
1. Giải thích: Con đường làm giàu cho trí tuệ: Cách con người lựa chọn hướng đi để tìm kiếm tri thức cho bản thân, giúp con người có nhận thức, có hiểu biết về cuộc sống, giúp con người ngày càng hoàn thiện hơn… | 0,5 | |
2. Phân tích, bàn luận: | 7,0 | |
a. Tại sao con người cần phải làm giàu trí tuệ cho bản thân mình? – Đó là nhu cầu tất yếu của con người, phân biệt thế giới loài người với các loài khác. Đó là cách để con người tồn tại, phát triển và hoàn thiện bản thân mình. – Làm giàu trí tuệ của bản thân để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển đất nước… – Nếu không tìm ra những con đường để làm giàu trí tuệ cho bản thân, con người sẽ trở nên tụt hậu, kéo theo đó là sự tụt hậu của xã hội… | 1,5 | |
b. Những con đường làm giàu cho trí tuệ – Con đường học tập: Học tập qua trường lớp, sách vở… – Con đường trải nghiệm thực tế của bản thân (Đi, thấy, lắng nghe, Cảm nhận, Thấu hiểu, Ghi nhớ…) (HS đề xuất ý kiến riêng của mình một cách hợp lí và thuyết phục, đi kèm với lí lẽ là các dẫn chứng minh họa) | 4,0 | |
3. Bình luận mở rộng – Muốn tìm được con đường làm giàu trí tuệ cho bản thân mình, trước hết mỗi người phải có khát vọng lên đường. Mỗi chúng ta đã lựa chọn con đường nào cần phải quyết tâm bước đi để tới đích. Phải có đam mê, trí tuệ bản thân mới được phát huy một cách tích cực nhất. Trí tuệ và đam mê khiến con người ta tạo nên kì tích. – Mỗi con đường dẫn ta đến với tri thức đều có vẻ đẹp và những chông gai, trắc trở riêng. Bởi vậy, việc lựa chọn con đường đi cần phải phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của bản thân. – Con đường làm giàu cho trí tuệ của mỗi người luôn phải song hành với con đường làm giàu cho tâm hồn, trái tim. Trí tuệ sáng suốt chỉ ở trong một tâm hồn đẹp, chỉ nằm trong trái tim biết yêu thương. – Phê phán những kẻ lười nhác không chịu bước đi tìm kiếm tri thức, những kẻ lầm đường lạc lối. | 1,5 | |
4. Liên hệ bản thân – Xác định con đường phù hợp để bước đi tìm kiếm tri thức – Là một học sinh, trước hết cần tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục để bồi dưỡng cho mình cả về tri thức, đạo đức và các kĩ năng sống… | 0,5 | |
2 | Bàn về Giọng điệu trong thơ trữ tình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, giọng điệu bao giờ cũng được tổ chức một cách công phu bởi nó là một cách nói, một phương diện bộc lộ chủ thể tác giả nhà văn.” Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Chứng minh qua việc phân tích giọng điệu một bài thơ trữ tình trong phong trào Thơ mới anh/chị đã học ở chương trình Ngữ văn 11. | 12,0 |
I. Yêu cầu về kĩ năng: – Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, biết lựa chọn tác phẩm tiêu biểu, biết phân tích, cảm thụ để làm sáng tỏ vấn đề. – Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, thuyết phục. – Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: | ||
1. Giải thích: – Giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo: Giọng điệu là yếu tố riêng của quá trình sáng tạo, đi cùng với nhạc điệu để tạo thành âm điệu cho tác phẩm văn học. Giọng điệu là thái độ, cảm xúc của chủ thể đã được hình thức hóa. Đó là tinh chất của cảm xúc, thuộc về phần hồn của một phát ngôn. – Giọng điệu bao giờ cũng được tổ chức một cách công phu: Để tạo nên giọng điệu của một tác phẩm, người nghệ sĩ cần tổ chức ngôn từ theo một logic và hệ thống nhất định: các lựa chọn, sắp xếp từ ngữ, sự phối hợp thanh điệu, nghệ thuật ngắt nhịp, gieo vần… – Giọng điệu là một cách nói, một phương diện bộc lộ chủ thể tác giả nhà văn: giọng điệu thể hiện thái độ, lập trường, quan điểm của chủ thể phát ngôn về đối tượng được nói đến và đối tượng mà lời văn ấy hướng tới. Tìm hiểu giọng điệu chính là tìm hiểu ngôn ngữ chủ thể – nhân lõi tạo thành phong cách nghệ thuật của nhà văn. Giọng điệu chứa đựng thông điệp của chủ thể sáng tạo. => Nhận định đã khẳng định vai trò và đặc điểm của giọng điệu trong tác phẩm trữ tình nói riêng và trong văn học nói chung. | 1,0 | |
2. Phân tích, bình luận: | 10,0 | |
2.1. Đặc điểm và vai trò của giọng điệu trong tác phẩm trữ tình: – Thơ – điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu, vì vậy giọng điệu chính là linh hồn của của một tác phẩm trữ tình. – Giọng điệu trong thơ không chỉ là âm điệu được tạo nên bởi thanh điệu, vần điệu và cách ngắt nhịp mà còn là điệu tâm hồn của thi nhân, là những cung bậc cảm xúc trữ tình được thăng hoa qua âm thanh ngôn ngữ. – Giọng điệu trong thơ là yếu tố quan trọng bộc lộ tư tưởng chủ đề tác phẩm, góp phần định hình phong cách của người nghệ sĩ… – Do cấu trúc và đặc điểm thể loại, giọng điệu trong thơ khác với giọng điệu trong văn xuôi. Nếu giọng điệu trong văn xuôi thường mang tính khách quan lạnh lùng thì giọng điệu trong thơ lại đẫm chất chủ quan. | 2,0 | |
2.2. Phân tích chứng minh qua tác phẩm cụ thể: HS lựa chọn phân tích, cảm nhận về giọng điệu của một bài thơ bất kì thuộc phong trào Thơ mới trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Song, cần làm nổi bật được yêu cầu của đề bài: Giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, bao giờ cũng được tổ chức một cách công phubởi nó là một cách nói, một phương diện bộc lộ chủ thể tác giả nhà văn -Người viết cần đi từ các tín hiệu ngôn ngữ để xác định giọng điệu của tác phẩm: + Cách lựa chọn, sắp xếp từ ngữ, xây dựng câu thơ theo đặc trưng thể loại + Cách gieo vần, ngắt nhịp, phối hợp thanh điệu bằng trắc để tạo giọng điệu + Cách sử dụng các tín hiệu nghệ thuật, các phương tiện ngôn ngữ… – Từ đó chỉ ra giọng điệu bên trong (điệu tâm hồn của củ thể trữ tình) + Xác định tư thế của phát ngôn (Tư thế trữ tình) trong bài thơ với những đặc trưng riêng về hoàn cảnh. Đó là yếu tố quan trọng chi phối đến giọng điệu của bài thơ. + Chỉ ra những cung bậc trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ trình + Từ giọng điệu, rút ra tư tưởng, cảm xúc của tác giả, cũng như những thông điệp mà tác giả gửi gắm. + Từ giọng điệu của bài thơ, nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà thơ. | 8,0 | |
3.Đánh giá, mở rộng: -Giọng điệu trong tác phẩm trữ tình là yếu tố vô cùng quan trọng, nó làm nên nét đặc trưng thể loại, làm nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. – Giọng điệu tác phẩm biểu hiện giọng điệu nhà văn, giọng điệu nhà văn là cơ sở để tạo nên âm hưởng thời đại. – Tìm hiểu giọng điệu trong tác phẩm nói chung và tác phẩm trữ tình nói riêng, chúng ta càng nhận rõ vai trò của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. | 1,0 |
Lưu ý:
– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.
– Điểm bài thi là tổng điểm của 2 câu, làm tròn đến 0,5 điểm.
——————— HẾT——————–
Theo Sachvanmau.com