Nhiều bạn cho rằng những thói quen này có thể khiến họ được điểm cao trong kì thi, nhưng thực thì không phải…
Nếu muốn đạt kết quả tối ưu nhất, hãy hạn chế những điều sau đây.
Học nhiều trong một khoảng thời gian ít
Nếu bạn có thể làm 50 bài tập toán trong 1 tiếng, hoặc học được 10 trang
Sinh học trong 30 phút, đừng vội mừng. Rất có thể bạn sẽ bị nhầm lẫn
kiến thức hoặc hay mắc phải những lỗi sai nhỏ khi kiểm tra chính thức.
Đừng nhồi nhét quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn vì bạn sẽ chẳng
nhớ gì cả. Thay vào đó bạn sẽ dễ mệt và mất hứng thú học tập. Học ít
thôi, nhưng có hiệu quả và học đều đặn.
Vừa học vừa chơi
Khi bạn vừa học Văn vừa xem tivi, vừa làm Toán vừa ăn uống, hay học
thuộc Sử trong lúc đang nghe đài… thì khi làm bài kiểm tra rất có thể
đến một đoạn nào đó, thay vì nhớ kiến thức môn học, bạn lại nghe tiếng
tivi, lại nhớ tới một món ăn hoặc bỗng dưng một câu nào đó trong radio
chợt văng vẳng bên tai… rất nguy hiểm. Chúng ta không thể nào làm được
nhiều việc cùng lúc. Vì vậy, hãy cố gắng tập trung hoàn thành cho xong
một việc mà thôi.
Học 30 phút, nghỉ ngơi 3 tiếng
Đây là trường hợp phổ biến của những bạn lười. Khi học họ thường “đếm
giờ” để thời gian trôi qua mau và sau đó “tự thưởng” bằng cách nghỉ ngơi
hàng giờ, để rồi khi quay lại bàn học thì không còn hứng thú nữa. Việc
nghỉ ngơi như thế sẽ gia tăng sự lười biếng và khiến bạn dễ xao nhãng.
Hãy áp dụng ngược lại: “Cứ học 3 tiếng thì nghỉ ngơi 30 phút”. Có như
vậy thì bạn mới tự ép mình vào khuôn khổ được.
Thuộc lòng không cần hiểu
Khi kì thi đến quá gần và thời gian không còn nhiều, vài bạn chấp nhận
học thuộc lòng mà không cần hiểu nội dung. Để rồi khi chưa đọc kĩ câu
hỏi thì đã trả lời như 1 cái máy và kết quả là…trật tủ. Bạn có thể nhớ
sơ sơ, không cần thuộc, nhưng phải hiểu để có thể tự diễn đạt theo cách
của riêng mình. Hiểu bài tốt sẽ học thuộc được nhanh hơn, tiết kiệm thời
gian hơn.
Học chung với bạn thân
Đừng quá tin tưởng bạn thân. Họ không giúp bạn học tốt lên mà còn khiến
bạn lười học hơn nữa. Bởi vì học chung với bạn thân thì bạn sẽ có chuyện
để “tám”, có cớ để “lười” và sẵn sàng bỏ ngang nếu như cả hai cùng
thiếu động lực học tập. Hãy chọn học với một ai đó thật sự chăm chỉ,
nghiêm khắc, và đặc biệt là người đó không
phải bạn thân
Nghe nhạc quá to khi đang học bài
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy nghe nhạc giúp não bộ tập trung tốt hơn, từ
đó mang lại hiệu quả cao trong học tập. Chính vì vậy, nhiều teen thường
vin vào cớ này để vừa làm bài vừa nghe nhạc với mức âm lượng cực lớn.
Tuy nhiên teen nên nhớ rằng chỉ có các thể loại nhạc êm dịu, không quá
ồn ào và được điều chỉnh với mức âm lượng vừa phải mới có thể tăng khả
năng làm việc của bộ não và giúp chúng ta thoải mái hơn khi học bài thôi
!
Nhạc Baroque sẽ giúp kích thích tư duy và bạn sẽ tập trung hơn.
Học môn này, nhưng lại nhớ đến môn khác
Với số lượng môn học nhiều như hiện nay, nhiều bạn thường than phiền rằng bản thân không thể nào tập trung được vào một môn nhất định lúc học bài ở nhà. Thậm chí khi đến giờ, có teen còn bày hết sách vở các môn của ngày mai ra bàn, thỉnh thoảng lại ngó qua mỗi môn một chút. Thực tế điều đó sẽ khiến tốc độ tiếp thu và khả năng ghi nhớ kiến thức của chúng ta giảm đi rất nhiều.
Thức khuya học bài
Ban đêm thường là khoảng thời gian yên tĩnh nên rất nhiều bạn thích học bài vào lúc này. Bên cạnh đó, có những bạn giải thích là mình khó có thể dậy sớm để học. Thế nhưng việc thức quá khuya sẽ đem lại rất nhiều tác hại cho sức khỏe như giảm trí nhớ, khiến cơ thể uể oải, thiếu sức sống, ù tai, thị lực giảm, da bị nổi mụn và sần sùi, nhợt nhạt, tăng cân… Dù bài vở rất nhiều, nhưng các teen cần nhớ phải sắp xếp lịch học hợp lí để đảm bảo sức khỏe !
Vừa xem tivi vừa học
Đây là thói quen rất có hại thường thấy ở học sinh. Không chỉ làm giảm khả năng tập trung mà còn khiến bạn mất nhiều thời gian hơn trong việc giải quyết các bài tập dù rất đơn giản. Ví dụ thay vì chỉ mất khoảng 15 phút để làm xong một bài thì việc vừa xem tivi vừa học sẽ lấy của bạn 30 phút – gấp đôi thời gian so với thời gian bạn phải bỏ ra, thậm chí có thể hơn.
Chúng ta thường tự nhủ chỉ cần nghe tiếng tivi chứ không cần nhìn màn hình, nhưng trên thực tế, khi một bộ phim bạn yêu thích đến hồi cao trào thì việc bạn phớt lờ nó là rất khó có thể xảy ra.
Bỏ qua những lỗi bài tập cơ bản
Hãy chắc chắn rằng bạn đã sửa tất các lỗi trong phần bài làm trước khi tiếp tục một việc nào khác. Điều thường thấy ở học trò là chúng ta luôn bỏ qua các lỗi nhỏ tưởng chừng không đáng kể. Dù nhận ra lỗi sai, nhưng các bạn lại nghĩ bản thân mình đã ghi nhớ rồi và không cần thiết phải sửa. Kết quả là ở những kì thi quan trọng, các bạn lại sai ngay những lỗi nhỏ ấy và bị trừ điểm rất đáng tiếc.
Theo: Những thói quen ôn thi không có hiệu quả