Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như
một nước giàu có, một xã hội thịnh vượng. Kinh tế nước ta xưa nay chủ yếu là
nước trồng lúa và làm tiểu thương. Mãi gần đây, nước ta mới trở thành một nước
xuất khẩu nông sản và thủy sản, nhưng giá trị xuất khẩu chưa phải lớn đối với
một quốc gia trong thế giới ngày nay.
Công nghiệp
Việt Nam mới ở giai đoạn ứng dụng các máy móc, công nghệ nước ngoài. Sản phẩm
lắp ráp theo thiết kế, thương hiệu, linh kiện nước ngoài vẫn là chủ yếu. Các
sản phẩm hàng công nghiệp và tiêu dùng có tính cạnh tranh của Việt Nam chưa có
mấy, so với các nước ASEAN đã yếu, so với toàn thế giới thì rất yếu.
Việt
Nam chưa có gì đáng tự hào về khoa học. Gần đây, một số người Việt nổi lên, có
tên tuổi trong các lĩnh vực Toán, Vật lý, nhưng họ đã là công dân của các nước
khác, sống và làm việc ở nước ngoài.
Những
thứ thiết yếu cho cuộc sống như giáo dục, y tế, giao thông của nước ta yếu kém,
lạc hậu rất nhiều so với thế giới. Văn học, điện ảnh nước ta hầu như không ra
khỏi được biên giới nước ta, thậm chí thua ngay trên sân nhà.
Bề
ngoài, hầu hết lĩnh vực nước ta tỏ ra sẵn sàng hội nhập quốc tế, cầu thị học
hỏi, tiếp thu, ứng dụng tri thức nhân loại và các kinh nghiệm thực tiễn tiên
tiến. Một trong những việc khởi động của nhiều đề án hoàn thiện, cải cách, nâng
cấp quản lý nhà nước, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế nói chung, khoa học,
kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa... là đi khảo sát ở nước ngoài. Trong các đề
án, có vô vàn thông tin, số liệu, minh họa, ví dụ ở Mỹ, Anh, Pháp, Australia,
Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tính thuyết phục cho các chính sách, giải
pháp, kế hoạch hành động, ngân sách mà cơ quan chủ trì đề xuất. Thấy đúng quá
rồi, yên tâm quá, làm thôi!
Nhưng
tại sao ta cầu thị như thế, học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại và kinh nghiệm
tiên tiến của thế giới như thế, mà các lĩnh vực nước ta cứ yếu kém, đì đẹt mãi
vậy, càng đi, khoảng cách với thế giới càng xa vậy? Sự thật cay đắng là chúng
ta chưa đủ trình độ để học hỏi và tiếp thu tinh hoa và kiến thức nhân loại, kể
cả những thứ chẳng ai giữ bản quyền và đòi tiền bản quyền.
Chúng
ta hay chê Trung Quốc chỉ giỏi làm "hàng nhái". Nhưng "hàng
nhái" mà là tàu vũ vụ, máy bay, tàu phá băng, tàu hoả cao tốc, giàn khoan
viễn dương... thì họ đã phải ở trình độ nào mới "nhái" nổi của thiên
hạ chứ? Chúng ta thử "nhái" cái tủ lạnh, lò vi sóng, bàn là, máy
giặt, máy hút bụi... xem có ra gì không, có cạnh tranh được về chất lượng, giá
cả không?
Tóm
lại, nếu nói đến những thứ làm cho thế giới phục Việt Nam, ngoài giỏi đánh giặc
ngoại xâm, Việt Nam ta chưa giỏi việc gì khác. Là một nước yếu toàn diện về
kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, Việt Nam sẽ luôn là
"miếng mồi" của các cường quốc, những kẻ thèm muốn chiếm mảnh đất
này, dù theo kiểu xâm lược cũ hay các kiểu xâm lược mới. Họ nghĩ Việt Nam đủ
yếu để họ xâm lược và sẽ tìm cách xâm lược nước ta một khi họ vẫn nghĩ là nước
ta nghèo yếu và chia rẽ. Nhưng chắc chắn là họ sẽ sai lầm, sẽ thất bại giống
như những gì đã xảy ra với các cuộc xâm lược nước ta từ xưa đến nay.
Bị
ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm - đó là định mệnh của Việt Nam. Chúng ta
thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu
chúng ta thích nó, hãy cứ sống như chúng ta đã và đang sống. Chắc chắn lịch sử
sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ lại có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị
tướng lừng danh thế giới. Nhưng Việt Nam ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh
doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh
hưởng với thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ
bị xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ giàu
có, hiện đại và văn minh.
Nếu
chúng ta muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt
đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới. Họ sẽ học
hỏi và tiếp thu tinh hoa, kiến thức của nhân loại, nhưng với sự nghiêm túc học
hỏi và chất lượng tiếp thu cao hơn rất nhiều so với các thế hệ chúng ta. Những
thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay. Họ sẽ nghĩ không hay
ho gì ba lần đại thắng quân Nguyên như cái giá của một nghìn năm Bắc thuộc. Tốt
nhất là nước ta không bị họ xâm lược và vì thế không cần phải thắng họ.
Hội
đồng bảo an Liên Hiệp quốc có 5 cường quốc là ủy viên thường trực thì nước ta
đã buộc phải đánh nhau với 3 nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền, với tổng thời
gian chiến tranh trên 100 năm. Chúng ta đã chiến thắng họ một cách vang dội
trong quá khứ. Nhưng các thế hệ người Việt mới sẽ biết cách để tránh chiến
tranh trong tương lai. Họ biết cách làm sao để các kiểu "quân Nguyên"
sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế,
khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh
hưởng của Việt Nam với thế giới. Chúng ta cần đầu tư mạnh vào các thế hệ người
Việt mới như vậy.
Giống
như Malaysia rộng lớn, đông dân chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc "thu
hồi" Singapore nhỏ bé từng là một phần trước kia của họ. Singapore đã thay
đổi được định mệnh của mình. Họ đã bắt đầu từ giáo dục. Đối với Singapore, ông
Lý Quang Diệu không chỉ là người lập quốc, ông còn là nhà tư tưởng và nhà giáo
dục đại tài. Bằng việc áp dụng những gì tốt nhất của các nền giáo dục Anh, Mỹ,
Singapore đã trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của giới.
Nền giáo dục tiên tiến đã thay đổi toàn diện quốc đảo này. Người Singapore hiện
nay tư duy rất khác ông cha họ đến từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ. Đối với các
nước chưa thân thiện với Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ nói một câu: "If
you beat me, I will beat you, and damage may be more on your side!"
("Nếu anh đánh tôi thì tôi sẽ đánh lại anh và có thể anh sẽ bị thiệt hại
nhiều hơn đấy!). Singapore nói được, làm được.
Trước
đó, từ năm 1868, được thuyết phục và khích lệ bởi tư tưởng "thoát Á"
của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, Minh Trị Hoàng Đế nước Nhật đã thực hiện
cuộc cải cách giáo dục hiếm có cả về chiều rộng và chiều sâu, giũ bỏ các tư
tưởng, giá trị giáo dục cũ để xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới cho nước
Nhật. Bức ảnh trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản không phải của một
ông vua hay một ông thủ tướng, mà của nhà tư tưởng - nhà giáo Fukuzawa Yukichi,
người sáng lập Đại học tổng hợp Keio, tác giả của "Thoát Á Luận".
Gần
đây nhất, Hàn Quốc đã nổi lên như một ví dụ đầy thuyết phục về sự thay đổi định
mệnh quốc gia. Trong vòng chỉ hơn 40 năm, Hàn Quốc đã trở thành một nền kinh tế
lớn của thế giới, với công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ hiện đại. Đồng thời,
nền giáo dục, khoa học Hàn Quốc đạt được rất nhiều thành tựu lớn, tiến sát các
nước phát triển nhất. Về bản chất, Hàn Quốc là một quốc gia "thoát Á"
thành công sau Nhật Bản và Singapore.
Với
tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của
đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và điều đó
chỉ có thể làm được thông qua giáo dục. Nói đúng hơn - thông qua cải cách và
chấn hưng giáo dục, trên tinh thần khai sáng.
Lương Hoài Nam