Quan niệm của Lênin về nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội của tôn giáo
Về nguồn gốc nhận thức: Kế thừa quan niệm của Mác-Ăngghen về nguồn gốc nhận thức của tôn giáo, Lênin chỉ ra một cách cụ thể các khía cạnh nguồn gốc nhận thức của tôn giáo là:
- Sự bất lực của những người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép mầu nhiệm[1].
- Chính quan điểm sai tận gốc của chủ nghĩa duy tâm cho rằng “xét đến cùng tính khách quan của những vật thể vật lý, mà chúng ta gặp trong kinh nghiệm của chúng ta, là dựa vào sự kiểm tra lẫn nhau và sự xét đoán ăn khớp với nhau của những người khác nhau. Nói chung, thế giới vật lý tức cái kinh nghiệm ăn khớp về mặt xã hội, hài hòa về mặt xã hội. Tóm lại, là cái kinh nghiệm được tổ chức về mặt xã hội- dẫn họ đến chủ nghĩa tín ngưỡng, dù họ có phủ định chủ nghĩa tín ngưỡng”[2]. Đây là nguồn gốc nẩy sinh các giáo lý tôn giáo.
- Chính chủ nghĩa bất khả tri của Cant, Hium trong vấn đề tính nhân quả mà những người theo chủ nghĩa Ma Khơ lập lại, là một trong những nguồn gốc nhận thức của tôn giáo[3].
- “Cũng như tất cả những người theo phái Ma Khơ, Badarốp đã lạc đường khi lẫn lộn tính khả biến của những khái niệm của con người về không gian và thời gian, tính chất hoàn toàn tương đối của những khái niệm ấy với tính bất biến của cái sự thật này là: Con người và giới tự nhiên chỉ tồn tại trong không gian và thời gian, còn những vật ở ngoài thời gian và không gian được bọn thầy tu tạo ra và được duy trì bởi óc tưởng tượng của quần chúng dốt nát và bị áp bức thì chỉ là sản phẩm của một ảo tưởng ốm yếu, những mánh khóe lừa bịp của chủ nghĩa duy tâm triết học, sản phẩm vô dụng của một chế độ xã hội xấu xa”[4]. Vậy phủ định tính thực tại khách quan của thế giới và không gian là một nguồn gốc nhận thức của tôn giáo. Bởi lẽ, không gian, thời gian là hình thức tồn tại của vật chất.
- Chính tình trạng không hiểu phép biện chứng, mà phương pháp siêu hình trong các khoa học tự nhiên đã dẫn các nhà khoa học này đến với chủ nghĩa duy tâm, đến với tôn giaó[5].
(Tham khảo thêm: Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978-1981, Tập 12 tr 169 - 171, tập 17 tr 515, 517, tập 18 tr 145, 199, 200, 222, 223, 381, 382. tập 29 tr 385, 393)
Về nguồn gốc xã hội: Phát triển các quan niệm của Mác và Ăngghen về nguồn gốc xã hội của tôn giáo, Lê nin đã cụ thể hoá các nguồn gốc xã hội của tôn giáo ở các khía cạnh:
- Chừng nào và bất cứ đâu quần chúng nhân dân còn bị áp bức về mặt tinh thần và còn phải khốn khổ, bần cùng, cô độc và phải lao động cho người khác hưởng đều làm cho tôn giáo nảy sinh:
“Tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần, luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đè nặng lên quần chúng khốn khổ vì phải lao động suốt đời cho người khác hưởng, vì phải chịu cảnh bần cùng và cô độc”[6].
Bởi lẽ, sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đánh chống giai cấp bóc lột đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, tin vào thần thánh, vào ma quỷ và những phép màu: “Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng giống y như sự bất lực của những người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ vào những phép màu...”[7].
Tình trạng nô lệ về mặt kinh tế là nguồn gốc thực sự của sự mê hoặc nhân loại bằng tôn giáo.
- “Cảm giác về sự phụ thuộc là cơ sở của tôn giáo” - cái chết làm nẩy sinh sự sợ hãi, lòng tin vào thượng đế - Đó là nguồn gốc tâm lý xã hội của tôn giáo[8]. Điều này được Lênin cụ thể ra ở các mặt:
+ Tính ích kỷ theo nghĩa triết học, là gốc rễ của tôn giáo[9].
+ Gia-cốp-Bômơ là “người hữu thần duy vật”, không những ông thần thánh hóa tinh thần, mà ông còn thần thánh hóa cả vật chất nữa. Ở ông thượng đế có tính vật chất - chủ nghĩa thần bí của ông là ở chỗ đó - “ở chỗ nào con mắt nhìn đến và bàn tay mò đến thì chỗ đó các thần thánh không tồn tại nữa”. Như vậy, nếu thần thánh hóa vật chất và thực sự chỉ lệ thuộc vào vật chất cũng là một nguồn gốc xã hội của tôn giáo[10].
+ Khi lý tưởng của con người không hướng tới sự phù hợp với giới tự nhiên, mà hướng tới lý tưởng siêu tự nhiên, khi đó tôn giáo nẩy sinh[11].
+ Sự phiến diện, cứng nhắc, thấy cây mà không thấy rừng, chủ nghĩa chủ quan và mù quáng chủ quan sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy tâm và là nguồn gốc của tôn giáo[12].
+ Trong tôn giáo cũng như trong nền dân chủ, chúng ta đều thấy có nguyện vọng chung là giải phóng. Nhưng chúng ta thấy rằng, về mặt này, dân chủ đi xa hơn và tìm sự giải phóng không phải trong tinh thần, mà chính trong xác thịt, trong hiện thực vật chất, thực tế, nhờ tinh thần của con người[13]. Nếu chỉ hướng sự giải phóng con người đến sự giải phóng tinh thần, thì đó là nguồn gốc xã hội cho tôn giáo nẩy sinh. Chính trị phi kinh tế tự nó làm nhục nó.
(Tham khảo thêm: Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matsxcơva,1978 - 1981 - tập 12 tr 169 - 171, 175. Tập 17 tr 513 - 516. Tập 18 tr 145, 222, 223, 382. Tập 26 tr 363. Tập 29 tr 51, 52, 62 - 66, 385, 446. Tập 37 tr 221)