Vào những trưa hè nắng gắt chỉ mong có trong tay được những cốc nước mía ngon lành, mát lạnh là cái nóng lập tức bị xua ngay đi. Những cây mía từ lâu đã trở thành người bạn thân quen của làng quê Việt Nam, là thứ đồ giải khát mùa hè với những gióng mía ngon tuyệt của các bác nông dân dù ở nhà hay ra ngoài đồng ruộng, là thức uống khoái khẩu của những đứa trẻ nhỏ. Với thứ cây thân quen này, các bạn sẽ được gặp một lần nữa với đề bài văn thuyết minh về cây mía trong chương trình Ngữ Văn 9. Những bài thuyết minh luôn yêu cầu kiến thức khoa học, chính xác nên cần có những hiểu biết nhất định về đối tượng. Cần giới thiệu cho người đọc biết về nguồn gốc, các bộ phận cây, về sinh trưởng, những công dụng và ý nghĩa của cây mía trong cuộc sống hằng ngày. Với những bạn còn bă khoăn hay chưa hiểu rõ về loại cây này, những bài văn sau sẽ là những ví dụ minh họa, sự tham khảo hữu ích của các bạn. Chúc các bạn học tập tốt!
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 THUYẾT MINH VỀ CÂY MÍA
Nước Việt Nam được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu nóng ẩm, đất đai màu mỡ, là nơi sinh trưởng của rất nhiều loại cây. Có loài cho bóng mát, có loại cho hoa, có loại cho quả, và cũng có loại cho dòng nước mát lành, trong đó có cây mía. Mía là loại cây vô cùng quan trọng và mang nhiều ý nghĩa với cuộc sống của chúng ta.
Mía là loại cây rất đặc biệt bởi nó là loại cây khổng lồ trong các cây họ Hòa Thảo, là một loại cỏ sống lâu năm, được tìm thấy và gieo trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới hoặc ôn đới. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều mía và trên khắp đó đây của tổ quốc, ta có thể bắt gặp những khóm mía đứng chụm vào nhau thành những cụm mía xanh tốt.
Mía là loại cây không có cành mà chúng chỉ gồm một thân, lá và rễ. Thân mía, tùy vào điều kiện sinh sống mà nhỏ hoặc to. Nhưng so với các loại cỏ cùng loài thì mía là loại có thân mập, cao khoảng hai đến sáu mét. Thân mía thẳng và chắc như những cây gậy gộc nhỏ với nhiều đốt, mỗi đốt dài tầm một gang tay người trưởng thành. Bao bọc bên ngoài thân là lớp áo màu tím, hơi cứng để bảo vệ lớp “thịt mía” phía trong. Dù thẳng nhưng khi mọc, cây mía thường nghiêng một góc ba mươi độ so với mặt đất vì mía quá dài và mảnh khảnh, khó để phát triển lên thẳng như những loài cây vững chãi khác. Đầu thân, hay còn gọi là ngọn mía, đâm trổ những lá dài, thuôn nhọn như thanh kiếm, màu xanh thẫm, được phủ một lớp lông nhỏ và cứng, sờ vào thấy hơi ram ráp và ngứa. Khi gió thổi qua từng khóm, lá mía chạm vào xanh, tạo ra âm thanh xào xạc vui tai mà êm ái, hòa vào khúc điệu lá của những cây ngày nắng hạ. Một số giống mía còn cho ra hoa, hoa mía hay còn gọi là bông cờ không mọc riêng lẻ mà thường mọc thành từng chùm. Vì trong gieo trồng, người ta thường chọn các giống mía không ra hoa hoặc sử dụng các biện pháp can thiệp để hạn chế mía ra hoa, nên ít khi ta thấy hay nhắn đến hoa mía.
Thân mía khi tách lớp vỏ tím bên ngoài thì có vị ngọt, phần gốc sẽ ngọt hơn phần ngọn mía. Điều kiện sinh trưởng của mía là ở nhiệt độ trên hai mốt độ C và mía sẽ chết khi nhiệt độ thấp dưới năm độ C. Mía là loài cỏ hướng sáng, đòi hỏi một môi trường sống có nhiều ánh sáng, thiếu ánh sáng thì mía sẽ kém phát triển và giảm lượng đường trong thân. Vì vậy ở những vùng nhiệt đới, mía phát triển mạnh nhất vào mùa hè với từng khóm xanh tốt khi độ dài của ngày tăng lên. Bên cạnh các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng, thì mía cũng như bao loại cây khác, cần được cung cấp đủ nước để phát triển. Mía không kén đất nên dễ trồng và phổ biến ở khắp nới trên thế giới.
Không chỉ được trồng vì dễ chăm sóc mà mía còn trở nên phổ biến bởi những lợi ích thiết thực và giá trị kinh tế mà nó đem lại. Thân mía được ép làm nước uống hoặc được cắt thành miếng nhỏ, nhai râm ran những lúc nghỉ ngơi thư giãn. Mía cũng được ăn sau bữa chính như một cách để làm sạch miệng. Nước mía đá giờ đây cũng là thức uống phổ biến ở Việt Nam, còn gì tuyệt bằng được thưởng thức một cốc mía có thêm chút đá mát vào ngày hè nóng nực. Nước mía ép từ thân ngoài việc được uống trực tiếp còn có thể được chế biến thành đường, tạo ra sản phẩm mía đường rất nổi tiếng và mang giá trị xuất khẩu cao, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia. Vì có nguồn gốc từ thiên nhiên, là một sản phẩm hữu cơ nên được mọi người ưa chuộng, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi các loại đường hóa học đang tràn lan và được sử dụng một cách bừa bãi. Bã mía sau khi được ép lấy nước có thể được sử dụng như một loại phân bón xanh, vừa tiết kiệm chi phí chăm sóc lại vừa góp phần bảo vệ môi trường. Người nông dân cũng sử dụng lá mía làm thức ăn cho vật nuôi như trâu, bò, thỏ, …
Cây mía tuy không phải loài cây được nước ta chú trọng phát triển và đầu tư như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu, … nhưng lại là loại cây có giá trị sử dụng cao và có tiềm năng để phát triển nếu được quan tâm nhiều hơn. Mía không chỉ hiện hữu trong đời sống mà đi vào câu thơ, đi vào những lời ru êm ái của mẹ, đi vào kỉ niệm quá khứ tuổi thơ:
- “Ôi những cây mía vàng, mía đỏ
- Như giấc ngủ ngọt ngào tuổi nhỏ
- Thường nỉ non kể chuyện ngày xưa”.
- (“Tiếng mía quê ta”_Anh Ngọc)
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ CÂY MÍA
Khác xa với chốn ồn ào phố thị, làng quê trải dài với những thửa ruộng chín vàng, nương ngô, nương khoai và người ta cũng không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp xanh mướt, tràn trề sức sống của những bãi mía. Không trĩu hạt, mềm mại như bông lúa cũng chẳng sai trái trĩu cành nhưng cây mía lại mang trong mình một nét đẹp riêng hết sức gần gũi, quen thuộc.
Cây mía là một loại cây trồng hết sức phổ biến. Cũng bởi có cái sức sống bền bỉ, dẻo dai nên nó có thể sinh sống phát triển ở nhiều nơi ngay cả dưới cái nắng thiêu đốt, đất đai khô cằn ở những vùng nhiệt đới, ôn đới ẩm. Thuộc loài cỏ lâu năm có lẽ vì vậy mà cây mía được mang trong mình sức chịu đựng dẻo dai đến vậy. Sống ở những vùng khí hậu khô hạn khắc nghiệt, cây mía có bộ rễ chắc khỏe, nhiều, có thể đâm sâu vào lòng đất tìm kiếm nước và dinh dưỡng, giúp nó bám trụ qua những ngày giông gió. Thân cây mía được hình thành bởi các lóng có màu sắc và hình dạng khác nhau. Có rất nhiều loại mía có loại lóng to, mập nhưng cũng có loại nhỏ, gầy hơn đôi chút. Ở mỗi lóng lại có chiếc mắt nho nhỏ, từ chỗ này có thể nhú lên rất nhiều những mầm cây con bé xinh. Hơn thế nữa, thân cây mía cũng có rất nhiều màu sắc đa dạng: tím, ẩn tím, đỏ sẫm hay hơi xanh…. Chỉ cần lướt qua cánh đồng mía, không ai có thể rời mắt trước những thân mía căng tròn, lóng lánh dưới cái nắng gió của làng quê. Trên cùng ngọn là những chiếc lá xanh mướt mảnh, dài phất phơ trong gió như những dải lụa mềm mại. Vào mùa, người ta còn có thể bắt gặp muôn ngàn những chùm hoa mía nở dài, to, rộng tựa như chiếc quạt vừa được mở rộng. Sắc hoa tuy không tươi thắm tuy nhiên nó lại mang cái sắc màu nhẹ nhàng, dịu dàng, giản dị.
Mỗi mùa mía ghé đến, không khó để bắt gặp nơi những nẻo chợ, những cây mía tím óng, mập mạp dựa mình bên những chiếc xe đạp. Bàn tay khéo léo róc sạch vỏ, để lộ ra thân mía vàng tươi, dịu ngọt. Những lóng mía tưởng khô cứng nhưng khi nhai những miếng đầu tiên, hương vị ngọt ngào, quyến rũ của nó làm cho mọi người phải say mê. Những lóng mía ấy đã từng là một thức quà xa xỉ, niềm khao khát của những đứa trẻ trong những năm tháng đói nghèo đã đi qua. Giờ đây, bên cạnh những ly cà phê đá, cốc nước ngọt xanh đỏ, nước mía vẫn được mọi người hết sức ưa chuộng. Mía được ép ra hòa cùng chút quất và đá lạnh chính là thứ nước giải khát tuyệt vời, xua tan căng thẳng, mệt nhọc, rất tốt cho sức khỏe. Không những thế, mỗi khi tết đến xuân về, nhà sành ăn thì trong vại dưa không thể thiếu đi vị ngọt thanh của đôi ba thanh mía vàng tươi mát. Đặc biệt, cây mía đóng một vị trí quan trọng, mang lại giá trị kinh tế rất cao. Những cây mía được ép, lọc, cô đặc thành đường. Từ đó, mà đường mía được đi đến khắp mọi ngóc ngách, căn nhà trở thành một thứ gia vị yêu thích, không thể thiếu trong mỗi món ăn. Không chỉ là thứ nước giải khát tươi mát vào mùa hè, cây mía còn có thể chữa được các bệnh như vàng da, chữa cúm và cảm lạnh nhờ có các Carbonhydrat, đặc biệt là nhiều acid amin cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Mía rất tốt cho các trường hợp thử nhiệt tổn thương tân dịch, tiểu ít tiểu dắt, nhiễm độc thai nghén nôn ói phù nề, mất nước khát nước, táo bón. Có lẽ vì vậy, cây mía mới được ưa chuộng, được người dân chú trọng trồng trọt, chăm sóc đến vậy.
Cây mía giản dị, quen thuộc đã gắn bó với biết bao thế hệ, bao làng quê. Hình ảnh bãi mía xanh tốt trải dài tít tắp, cái hương vị ngọt ngào của từng lóng mía đã trở thành một kí ức đẹp khó phai trong lòng những người con đất Việt.
Nguồn Internet