Tìm Kiếm

So sánh bài thơ Tây Tiến và Từ ấy của Quang Dũng và Tố Hữu

So sánh bài thơ Tây Tiến và Từ ấy của Quang Dũng và Tố Hữu

Bài làm

Văn chương không bao dung với lối mòn mà thay vào đó, nó tôn trọng sự phá cách độc đáo. Sáng tạo làm nên phóng cách nhà văn, và cũng làm cho anh có vị thế nhất định trong dòng chảy văn học rộng lớn. Quang Dũng, đặc biệt với tác phẩm “Tây Tiến”, chính là một nét khác biệt như thế. Sự khác biệt ấy chính là trong ngòi bút khám phá vẻ đẹp của người lính, đặc biệt qua đoạn thơ:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm
  • Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
  • Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Hình ảnh người lính làm cho ta liên tưởng đến bóng dáng của những người chiến sĩ cộng sản trong tác phẩm thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.

Tây Tiến là đơn vị quân đội thành lập năm 1947. Họ đặc biệt ở chỗ phần đông đoàn quân Tây Tiến là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Quang Dũng là đại đội trưởng của đoàn quân, gắn bó với đoàn quân từ những ngày đầu. Tác phẩm “Tây Tiến” được viết năm 1948 ở ngôi làng Phù Lưu Chanh, sau khi nhà thơ chuyển công tác sng đơn vị khác và rời xa đoàn quân của mình. Đoạn thơ trích ở trên là đoạn thứ ba của tác phẩm, thể hiện trực tiếp hình ảnh của những người lính Tây Tiến qua nỗi nhớ của một người đã xa.

Chiến đấu nơi chiến trường gian khó, nên dáng vẻ của người lính Tây Tiến cũng tiều tụy nhưng lại không đánh mất đi tư thế oai phong:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

“Không mọc tóc”, “xanh màu lá”-nước da xanh xao là do căn bệnh sốt rét rừng gây nên. Họ chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, khó khăn là điều chẳng thể tránh khỏi. Xong cảm xúc thơ không nặng về “bi” nghiêng hơn về “tráng”. “Không mọc tóc”, cụm từ mang đầy ý nghĩa chủ động. Người lính như chủ động không mọc tóc chứ không phải vì bệnh. Quân “xanh màu lá” cũng có thể là lớp lá ngụy trang. Quân “xanh màu lá” nhưng lại “dữ oai hùm”. Người lính hiện lên trong tư thế oai phong, ngang tàn như loài hùm nắm giữ sức mạnh tất thắng.

 

Đi chiến đấu, mang theo niềm tin và hy vọng nên ở họ sáng lên vẻ đẹp của những giấc mộng:

  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Từ “mắt trừng” gợi ra dáng vẻ, tư thế oai phong. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” là họ đang mang trong mình giấc mộng lập công, mộng chiến thắng. Người lính dường như mang những nét như những vị anh hùng thiên cổ mài đao dưới ánh trăng mong ngày ra trận chiến thắng. Cùng với mộng lập công thì ở họ còn sáng lên giấc mộng giai nhân: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. “Dáng kiều thơm” là dáng người con gái, mơ thấy bóng dáng ấy là những anh lính đang mơ về những cô gái thủ đô, nhớ về nơi mình sống cùng với bóng hồng nhan quen thuộc. Có người cho đây là hình ảnh không phù hợp với thời đại, với không khí chiến đấu và yêu cầu chiến đấu. Nhưng tôi thì không nghĩ như thế. Những người lính Tây Tiến, họ là những chàng trai trẻ Hà Nội, họ trẻ tuổi nên họ trẻ lòng, giấc mộng giai nhân cũng là điều dễ hiểu. Do vậy, chi tiết thơ ở đây không mang cảm xúc lãng mạn thoát li thực tại mà nó lại tăng thêm tính chân thực cho bài thơ, cho người đọc một cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về những người lính Tây Tiến.

Chiến tranh là đau thương, cái chết dường như là một điều không thể tránh khỏi. Cảm hứng lãng mạn như vẫn đạm chất hiện thực, Quang Dũng cũng không trốn tránh khi viết về những mất mát ấy:

  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu, anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
 

Cái chết xuất hiện như một lẽ tất yếu. Từ Hán Việt đã được nhà thơ sử dụng triệt để khiến cho không khí câu thơ trang nghiêm. Những xác người lính “rải rác”, vùi vội dọc đường đã trở thành những mộ chí tôn nghiêm. Vì thế câu thơ có bi nhưng không bi lụy, là bi tráng, vẫn mang một khí thế của khúc tráng ca hào hùng. Lời khẳng định lý tưởng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Họ ra đi chẳng tiếc thanh xuân vì quãng thời gian tuổi trẻ tươi đẹp ấy đã được hiến dâng cho một nghĩa cử và lý tưởng cao đẹp: cho hai chữ “tổ quốc”. Họ trở thành những trang anh hùng hào sảng cất vang lời tuyên thệ vì tổ quốc, và cái hào hùng ấy như cảm hóa cả ngoại vật xung quanh: “Áo bào thay chiếu anh về đất”. “Áo bào”, thực ra chỉ là manh áo nâu đắp tạm bao quanh cho tấm thân anh bớt lạnh lẽo nơi đất sâu. Từ Hán Việt ở đây lại được nhà thơ sử dụng khiến cái chết trở nên thiêng liêng và trang trọng. Hiện thực gian khổ được mở ra nhưng không hoàn toàn chỉ có bi thương mà là cảm xúc bi tráng, mang những nét của chinh phu tráng sĩ thời xưa. Sự thiêng liêng của cái chết còn như nhiễm vào thiên nhiên, vào con sông Mã: “Sông Mã gầm lên khúc đọc hành”. Đó là tiếng gầm bi tráng trước sự ra đi của người lính.

Trong “Từ ấy”, người chiến sĩ cộng sản hiện lên với niềm say mê lý tưởng mãnh liệt. Đảng là lý tưởng của họ, là ánh sáng soi đường chỉ lối cho bước đi của họ, để họ biết công bằng, chân lý và lẽ phải. Người chiến sĩ ấy, từ khi giác ngộ ánh sáng của Đảng, anh đã ý thức được rằng cuộc sống và thơ ca gắn bó với nhau. Anh nguyện đem cái “tôi” của mình để gắn bó, đoàn kết với mọi người, để mọi người thành anh em, thành gia đình máu thịt. Anh ý thức được rằng mình không phải cá thể tách biệt mà là một phần của cộng đồng lao khổ, bị áp bức nhưng lại mạnh mẽ chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp. Người lính Tây Tiến và người chiến sĩ cộng sản trong “Từ ấy” đều hiện lên với nét đẹp của lí tưởng cách mạng sáng ngời thông qua bút pháp lãng mạn. Tuy nhiên mỗi nhà thơ một khác, và hình tượng mà họ khắc họa có nét chung nhưng lại rất riêng. Người chiến sĩ cộng sản trong “Từ ấy” say mê với lí tưởng, cất lên tiếng ca của một tâm hồn mới được giác ngộ cách mạng, gắn bó mình với quần chúng nhân dân. Còn người lính Tây Tiến mang nét hùng mạnh của khúc tráng ca, có tài hoa lãng mạn nhưng cũng có bi thương. Sự khác biệt xuất phát từ phong cách nghệ thuật riêng của mỗi nhà thơ. Với Tố Hữu, đó là trữ tình chính trị. Với Quang Dũng, đó là hồn thơ trữ tình hồn hậu, phóng khoáng và tài hoa lãng mạn.

 

Đoạn thơ thứ ba đã cho ta có một cái nhìn trực tiếp về những người lính nơi chiến trường. Có bi thương mất mát nhưng có hề gì bởi họ sống và chiến đấu vì lý tưởng, họ được nâng đỡ bằng tâm hồn lãng mạn và giàu quyết tâm. Người lính ấy, và người chiến sĩ cộng sản trong “Từ ấy”, có lẽ chẳng ai “nhớ mặt đặt tên” nhưng học thực sự đã làm nên đất nước Việt Nam muôn đời.