Phân tích cảm nhận khổ 2 bài thơ Tây Tiến
Bài làm
Quang Dũng là một hồn thơ lãng mạn, tài hoa, là nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, là nghệ sĩ của những vần thơ giàu chất nhạc, chất họa. “Tây Tiến” là thi phẩm nổi tiếng nhất của ông, được bao nhiêu thế hệ bạn đọc yêu mến. Cảm xúc bao trùm bài thơ là nỗi nhớ trải theo những cung đường dãi dầu mà mĩ lệ nơi đoàn binh Tây Tiến đã đi qua và để lại bao kỉ niệm đẹp. Có những kỉ niệm thật dữ dội nhưng cũng có những kỉ niệm thật êm đềm. Kỉ niệm êm đềm ấy giúp ta cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp lãng mạn của những người lính Tây Tiến thuở nào:
- “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
- Kìa em xiêm áo tự bao giờ
- Khèn lên man điệu nàng e ấp
- Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
- Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
- Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
- Có nhớ dáng người trên độc mộc
- Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Bài thơ được sáng tác tại Phù Lưu Chanh vào cuối năm 1948- một năm sau khi Quang Dũng rời đoàn binh Tây Tiến. Nỗi nhớ thương những người đồng chí đồng đội cùng những tháng năm gắn bó với đoàn quân đã thôi thúc nhà thơ cầm bút ghi lại những cảm xúc chân thật, tự nhiên, mãnh liệt, dâng trào.
Tây Tiến là một cuộc trường chinh vô cùng gian khổ. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, tâm hồn người lính Tây Tiến vẫn đầy chất lãng mạn và không phôi pha đi cái dáng vẻ của người nghệ sĩ hào hoa. Sau chặng đường dài hành quân gian khổ, những người lính mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ ấy đã hòa nhập vào sinh hoạt bình dị mà đầy chất thơ cùng nhân dân trên những nẻo đường hành quân. Không có chất nghệ sĩ bẩm sinh của chàng trai đất Thăng Long nghìn năm văn hiến sẽ không có những giờ phút thăng hoa theo tiếng khèn, theo những vũ điệu của đêm hội đuốc hoa.
Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến trước hết thể hiện ở tâm hồn mộng mơ, đa tình khi đắm mình trong không khí của đêm liên hoan văn nghệ:
- “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”
Chỉ một từ “bừng” trong câu thơ mà nói lên được cả một cảm xúc dào dạt, phấn chấn. Đâu chỉ là ánh sáng của ngọn lửa hồng lên, mà đó là sự bừng sáng trong tâm hồn, đó là niềm vui rạng rỡ. Cảnh được miêu tả lại là cảnh hồi tưởng từ quá khứ nên “bừng” còn là bừng thức cả một vùng kỉ niệm. Trong cái nhìn lãng mạn của người lính, đêm liên hoan văn nghệ trở thành “đêm hội đuốc hoa”. “Đuốc” trước hết là những bó lửa đuốc được thắp lên trong đêm liên hoan. “Đuốc hoa” là hình ảnh đẹp vừa tươi sáng, rực rỡ, ấm áp, vừa lung linh ảo huyền thơ mộng, đó là cái tình, cái ý của những chàng trai trẻ tuổi trẻ lòng. “Đuốc hoa” từ hán còn là hoa chúc, xa xôi gợi về lễ hợp cẩn lứa đôi. Vậy là tình quân dân cá nước cũng say đắm, rạo rực như tình lứa đôi buổi đầu gặp mặt. Quả là một sự liên tưởng táo bạo, thú vị và đầy bất ngờ. Đêm hội vừa đông đúc, vừa đông vui, vừa có vẻ tưng bừng náo nhiệt của những đêm hội trai gái mở hội lòng.
Đang say sưa trong đêm hội liên hoan, người lính phải thốt lên:
- “ Kìa em xiêm áo tự bao giờ”
“Xiêm áo” là từ Hán Việt đủ để Quang Dũng diễn tả sự rực rỡ, lộng lẫy của người con gái vùng sơn cước vừa như từ trang truyện cổ bước ra, vừa như từ trang đời bước lại. Từ “kìa” bật lên bộc lộ cả một niềm thích thú , một sự say mê ngỡ ngàng, một cái nhìn đam mê ngưỡng vọng trước vẻ đẹp đầy quyến rũ. Sự hóm hỉnh trẻ trung của người lính đã được thể hiện một cách đầy tinh tế như thế. Cảnh quá khứ mà sống động như thực tại chứng tỏ những kí ức về Tây Tiến trong lòng tác giả nguyên vẹn không một chút phai nhạt.
- “Khèn lên man điệu nàng e ấp
- Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Viết về nhạc nên câu thơ của Quang Dũng cũng đầy chất nhạc. Một thứ nhạc êm ái dìu dặt khiến hồn ta lâng lâng bay bổng. Thứ nhạc ấy được tạo nên nhờ sự hòa phối thanh điệu tài tình với thanh bằng là chủ yếu. Nhưng đó còn là một thứ nhạc đặc biệt khác ở ngoài lời, là nhạc tâm hồn của những anh lính trẻ mộng mơ. “Hồn thơ” đã biến người lính thành thi sĩ, còn “nàng thơ”- cảm hứng của những thi sĩ hào hoa đó là những sơn nữ vùng sơn cước duyên dáng yêu kiều trong tiếng khèn “man điệu” quyến rũ gọi mời.
Người chiến binh ra đi chiến đấu với một tâm hồn nghệ sĩ. Họ cầm súng chiến đầu là vì hoàn cảnh không thể khác được, còn về bản chất, họ thật sự là nghệ sĩ. Anh hùng mà nghệ sĩ , gian khổ mà vẫn hào hoa, đó là những nét cơ bản trong tính cách con người Việt Nam mà những chàng trai Hà Nội mang trong mình rất đậm. Phút chốc bao nhiêu gian khổ nhọc nhằn dọc đường hành quân được gột sạch để chỉ còn tràn ngập trong hồn người chiến binh Tây Tiến niềm bâng khuâng xao xuyến và những rung động đầy chất thơ.
Từ đêm lửa trại, Quang Dũng đột ngột chuyển cảnh về một miền sông nước Tây Bắc đầy chất thơ:
- “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
- Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
- Có nhớ dáng người trên độc mộc
- Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Chất nhạc, chất họa như được nhân lên trong những vần thơ sâu lắng gợi khung cảnh Châu Mộc chiều sương. Nơi đoàn quân Tây Tiến đi qua, có những khung cảnh cực kì dữ dội, vất vả, có những cảnh thật thơ mộng trữ tình. Có những buổi chiều oai linh thác gầm thét, có những lúc sương lấp đoàn quân mỏi nhưng cũng có những Châu Mộc chiều sương đẹp bảng lảng, mơ hồ. Nỗi nhớ Châu Mộc được gắn với không gian thời gian cụ thể. Thời gian là “chiều”- khoảng thời gian gợi nỗi nhớ, gợi khát khao sum họp. Độc đáo trong câu thơ là đại từ “ấy”, một từ vô danh về ngữ pháp nhưng hữu tình về ngữ nghĩa. Tố Hữu đã dùng từ “ấy” để ghi lại thời khắc đáng nhớ:
- “ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”
Hay trong thơ Thế Lữ:
- “Buổi ấy lòng ta nghe tiếng bạn
- Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”
Hai tiếng “chiều sương” kết hợp với đại từ phiếm định “ấy” vừa làm tăng thêm vẻ xa vắng bâng khuâng, vừa khiến buổi chiều sương Châu Mộc hiện ra rõ ràng, không lẫn vào muôn buổi chiều vô danh khác của loài người.
Trong nỗi nhớ về Châu Mộc, hình ảnh ngàn lau bỗng trở nên có hồn:
“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”
Câu thơ Quang Dũng gợi nhớ đến những vần thơ nổi tiếng trong bài “Lau biên giới” của nhà thơ Chế Lan Viên:
- “Ai lên biên giới cho lòng ta theo với
- Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
- Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi
- Suốt một đời cùng với gió giao tranh”
Nếu “lau” trong thơ Chế Lan Viên chủ yếu thiên về ấn tượng thị giác thì trong thơ Quang Dũng lại nghiêng về những cảm nhận từ tâm hồn. Miêu tả hoa lau, Quang Dũng viết “hồn lau” chứ không phải bờ lau hay triền lau. Bởi nếu như vậy thì chỉ tả hình sắc, còn “hồn lau” hiện lên cả tâm hồn, linh hồn của Tây Bắc đại ngàn. Lau không còn vô tri vô cảm nữa, nó làm thành hồn riêng của chiều sương Châu Mộc.
Tâm tình của con người không chỉ gửi vào hồn lau nẻo bến bờ mà còn trong những hình ảnh duyên dáng đáng yêu của con người:
- “Có nhớ dáng người trên độc mộc”
Trên cái nền huyền ảo của sương và lau trắng, nổi bật lên dáng người lom khom trên con thuyền độc mộc. Đó là cái dáng của những cô lái đò người Mèo, người Thái, cái dáng mềm mại duyên dáng thật hợp với con thuyền độc mộc, hợp với bức tranh có sự hài hòa từ màu sắc đến đường nét. Một lần nữa, Quang Dũng lại bật lên câu hỏi “có nhớ” làm câu thơ càng thêm da diết, bâng khuâng.
Khép lại nỗi nhớ về buổi chiều sương Châu Mộc là một hình ảnh vô cùng ấn tượng:
- “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
“Hoa” ở đây trước hết là hiện thực, là hoa rừng vì Tây Bắc là xứ sở của các loài hoa: hoa đào, hoa mơ, “bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù núi khói Mèo đốt nương xuân”. Miêu tả hoa, tác giả chọn “đong đưa” chứ không phải “đung đưa” vì “đung đưa” chỉ gợi lên chuyển động cơ học, có tính chất vật lý, còn “đong đưa” gợi bao nhiêu tình tứ, gọi mời. Đến cả bông hoa rừng trên dòng nước lũ cũng không vô tình bởi nó được nhìn bằng cặp mắt đa tình và mơ mộng của anh lính Tây Tiến. Nhưng bước vào thơ ca nói chung, thơ Quang Dũng nói riêng thì hoa muôn đời là ẩn dụ cho cái đẹp, cho người con gái. Bóng hoa là bóng người con gái trên thuyền soi xuống dòng nước, đong đưa tình tứ nhưng vẫn kín đáo, duyên dáng. Như vậy, cái tình tứ của cảnh suy cho cùng là do người ngắm cảnh.
Như vậy, qua những kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào về đêm liên hoan văn nghệ và cảnh Châu Mộc chiều sương, ta càng cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến: mộng mơ, đa tình, giàu rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người, trong hiện thực nhiều gian khó, khốc liệt, họ luôn mơ về những điều tốt đẹp, về ngày mai chiến thắng. Chất nhạc, chất họa, chất thơ đã hòa vào nhau, làm nên những vần thơ tuyệt đẹp. Đoạn thơ đã góp phần làm nên thành công của cả bài thơ, đưa “Tây Tiến” xứng đáng với vị trí là một trong những tác phẩm mở đầu xuất sắc của nền thơ cách mạng Việt Nam.
Gấp lại đoạn thơ đầy chất lãng mạn trữ tình, độc giả cảm nhận được những kỉ niệm thời chiến cũng có lúc không vương khói bụi chiến trường, không thấy bóng dáng của sự khốc liệt, của hiện thực nghiệt ngã. Nhà thơ đã giúp chúng ta hiểu rằng: chiến trường đâu chỉ có thiếu thốn, gian khổ với bao mất mát, hi sinh?